| Hotline: 0983.970.780

Tiếng gọi miền Trung và hồi âm nhân ái

Thứ Bảy 31/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Có nhiều ý kiến khác nhau về quy trình tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, nhưng tất cả đều chung mục đích giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai.

Công tác cứu trợ bão lụt miền Trung, qua nét vẽ của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Công tác cứu trợ bão lụt miền Trung, qua nét vẽ của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Bình thường, công tác cứu trợ do cá nhân đứng ra thực hiện đã không dễ tránh khỏi những sơ sót. Việc kêu gọi quyên góp qua mạng xã hội càng tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn hơn.

Lần lượt nhiều ngôi sao giải trí đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm làm đầu mối đưa hiện vật và hiện kim của các nhà hảo tâm đến với đồng bào miền Trung.

Danh sách những nghệ sĩ tham gia vào công tác thiện nguyện càng ngày càng nối dài, như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Mỹ Tâm, MC Trấn Thành, Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, danh hài Trường Giang…

Tuy nhiên, nổi bật nhất là chiến dịch ứng cứu đồng bào miền Trung có sức lan tỏa mạnh mẽ của ca sĩ Thủy Tiên.

Dòng tiền khổng lồ từng ngày được rót vào tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên khiến nhiều người ái ngại. Đã có ý kiến đề nghị ca sĩ Thủy Tiên chuyển nguồn tài chính hơn 100 tỷ đồng cho các tổ chức đoàn thể, nhưng cũng có nhiều ý kiến mong muốn ca sĩ Thủy Tiên tiếp tục thể hiện hình ảnh “cô Tiên” ở vùng bão lụt.

Lòng tốt của ca sĩ Thủy Tiên rất đáng hoan nghênh. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định: Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn và lặn lội đi đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào rất đáng hoan nghênh, trân trọng.

Về mặt pháp luật thì ca sĩ Thủy Tiên cũng không vi phạm vì theo Bộ luật dân sự, cô ấy là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người cho gửi cho người nhận, được ủy thác nên theo luật là được phép. Không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu đã đứng ra giúp đỡ đồng bào của mình lúc gặp khó khăn.

Việc huy động được nhiều hay ít là do uy tín của từng cá nhân, tập thể. Vận động được nhiều thì sẽ có nhiều người được giúp đỡ.

Một cá nhân đứng ra làm thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro và rất vất vả, đặc biệt với nguồn tiền rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để số tiền người khác ủy quyền cho họ đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng vì thực tế đã có trường hợp lợi dụng nguồn từ thiện này.

Nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm thì phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội, thậm chí mất đoàn kết của nhân dân trong cộng đồng khi người được, người không. Chưa nói đến việc sẽ hỗ trợ cái gì, cái gì cần trước mắt, cái gì cần lâu dài.

Người làm từ thiện sẽ suy nghĩ làm thế nào để giúp được nhiều nhất mà không bị mang tiếng nhất. Hi vọng ca sĩ Thủy Tiên sẽ chọn được cho mình cách làm tốt, để hình ảnh của cô tiên giữa đời thường mãi sáng đẹp và được mọi người yêu quý.

Sau hiệu ứng của ca sĩ Thủy Tiên thì nhiều hoạt động cứu trợ do các cá nhân càng diễn ra sôi nổi hơn. Gần như hoạt động văn hóa nào cũng gắn với tiêu chí “Vì miền Trung thân yêu”.

Hàng cứu trợ đưa vào cho người dân vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Báo Lao động.

Hàng cứu trợ đưa vào cho người dân vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Báo Lao động.

Thậm chí, có không ít tác giả còn rao bán sách để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Nghĩa cử ấy rất đẹp đẽ và lương thiện.

Cuối tháng 10/2020, mỗi ngày vẫn có hàng trăm chuyến xe chở lương thực và thuốc men đang đổ dồn và miền Trung. Công tác cứu trợ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam đều rất khẩn trương và rất năng động.  

Thế nhưng, khi mỗi cá nhân và mỗi nhóm thiện nguyện đều làm theo kế hoạch nhỏ lẻ thì cũng có không ít bất cập.

Riêng tại Quảng Bình, một phóng sự trên Đài truyền hình Việt Nam, đã ghi nhận: “Công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả, mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương nơi đây.

Việc tự di chuyển bằng tàu thuyền của các đoàn thiện nguyện tự đi nó còn ảnh hưởng thêm cho người dân nữa, ví dụ đi bằng những tàu thuyền to mà không biết cách điều chỉnh tốc độ, sẽ có thể là sóng đánh vào những nhà dân, trong khi các nhà dân hiện nay họ đã bị ngập sâu nhiều ngày, có thể dẫn tới sụp đổ nhà dân.

Và đây là những thông tin liên quan đến công tác cứu trợ tại tỉnh Quảng Bình và những khuyến cáo của tỉnh Quảng Bình thời điểm này”.

Công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai đang được thực hiện khẩn trương.

Công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai đang được thực hiện khẩn trương.

Công tác từ thiện, dù cá nhân hay tổ chức làm đầu mối, thì quan trọng nhất vẫn là sự tin cậy và sự minh bạch.

Ngay trong không khí cứu trợ nóng bỏng ở miền Trung, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhắc nhở: “Cần chấn chỉnh ngay các biểu hiện khuất tất. Mục đích là để tất cả hàng hóa của nhân dân, quân đội cần được cấp tới đúng người dân cần hỗ trợ. Lãnh đạo địa phương các cấp phải vào cuộc, tổ chức bộ phận tiếp nhận và phân phối, đưa ngay về vùng cần tiếp nhận.

Bởi các tổ chức từ thiện không thể băng rừng vượt núi, vượt sông suối đi, nên cần phát huy vai trò địa phương, đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ của các cấp, tổ chức các hệ thống chính trị, tiếp nhận và dẫn đường mang vào”

Miền Trung gọi, cả nước đáp lời! Đó là biểu hiện cụ thể của truyền thống tương thân tương ái được người Việt Nam vun đắp bao đời.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự tang thương do ảnh hưởng thiên tai càng khiến người Việt Nam biết cách gắn bó với nhau hơn.

Trước đây, công tác cứu trợ được tập trung vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với những quy định khá nghiêm ngặt trong Nghị định 64/2008.

Qua thực tế của đồng bào miền Trung mùa bão lụt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 64/ 2008 của Chính phủ, và trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Các quy định mới sẽ khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, trong mùa thiên tai hoành hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng.

Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008 sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần và nội lực của mọi giới mọi ngành để tương trợ nhau trong thiên tai, dịch bệnh.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn: “Chúng tôi chưa khẳng định việc cá nhân kêu gọi quyên góp cứu trợ là đúng hay sai, nhưng vấn đề quan trọng là với những cá nhân huy động được số tiền lớn phải có cơ chế nào để kiểm soát sự công khai, minh bạch?

Bởi theo quy định, một đồng tiếp nhận từ người hỗ trợ phải được chuyển đủ một đồng đến với người cần hỗ trợ. Nghĩa là những chi phí phục vụ cho hoạt động cứu trợ cần do ngân sách nhà nước hoặc cá nhân tự đảm bảo.

Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc nhận được một tỷ đồng ủng hộ, thì chúng tôi sẽ chuyển một tỷ đồng đến địa phương cần cứu giúp. Còn việc đi lại, ăn ở của chúng tôi do ngân sách đảm bảo.

Đặc biệt, khi cá nhân vận động được số tiền lớn, lên đến vài chục hoặc hàng trăm tỷ thì cho dù cá nhân đó minh bạch đến đâu, cũng sẽ có người đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ giám sát sự minh bạch, công khai trong sử dụng nguồn lực đó.

Vậy nên để dư luận không hoài nghi, mỗi cá nhân nên chia sẻ nguồn lực đã vận động được ấy với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ... để điều tiết hiệu quả, thiết thực, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh hoài nghi của dư luận”.             

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...