Bình Phước được coi là “thủ phủ” điều của nước ta. Năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 138.00 ha, diện tích cho thu hoạch 132.632 ha, chiếm gần 50% diện tích của cả nước, tổng sản lượng đạt 152.632 tấn chiếm hơn 50% sản lượng của cả nước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều, trong đó có 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 82.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của Bình Phước đạt 860 triệu USD.
Hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với hạt điều nhập khẩu, đã góp phần đưa cây điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh, đem lại giá trị xuất khẩu cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên hiện nay, các cơ sở chế biến điều phân bố không đồng đều. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, năng lực tài chính dồi dào. Các cơ sở có quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm không đồng nhất.
Nhằm giúp các doanh nghiệp ngành điều đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã thực hiện Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 - 2020” với tổng kinh phí thực hiện 45,705 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia 11,75 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 33,955 tỷ đồng.
Qua 03 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ được 40 cơ sở chế biến điều ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiên đại vào sản xuất với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; xây dựng được 02 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng... Các chỉ tiêu của đề án đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra.
Công tác hỗ trợ của Đề án đã tạo động lực giúp các cơ sở chế biến điều phát triển mạnh mẽ về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu (hạt điều thành phẩm) với quy mô còn nhỏ lẻ sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới góp phần phát triển ngành chế biến điều bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước xây dựng Đề án “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh bình phước đầu tư phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021 - 2023”.
Mục tiêu của đề án nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển, thu hút mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển ngành điều một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đến năm 2030, giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm, trong đó chế biến sâu từ 10.000 tấn năm 2020 lên 30.000 tấn vào năm 2030. Mục tiêu này cho thấy tỉnh đặc biệt quan tâm đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị ngành điều.