+ Sẽ đề nghị đình chỉ các hoạt động sản xuất của Cty LIVABIN từ 1-3 tháng
+ Thủ đoạn sử dụng chất cấm trong TĂCN ngày càng tinh vi
Hôm qua (10/8) hai mẫu TĂCN mà Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa gửi đi Hà Nội phân tích đã có kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol (1,2mg/kg và 0,8mg/kg). Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn lô hàng 8.100kg TĂCN của Cty LIVABIN chứa chất cấm.
Tại buổi làm việc với Cục Chăn nuôi, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi đơn vị này tổ chức niêm phong toàn bộ lô hàng có chứa chất cấm đã nhận được nhiều cuộc điện thoại can thiệp nhưng với phương châm “làm quyết liệt” Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa có buổi làm việc trực tiếp với Cty LIVABIN, nhất quyết lập hội đồng bóc mẫu lưu đưa đến đơn vị thứ hai xét nghiệm. Nếu kết quả phân tích lần hai không có sai số so với lần một thì chắc chắn sẽ xử lý nghiêm.
Riêng đối với Cty LIVABIN (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là ngoài lô hàng 9.840 kg TĂCN đã bán ra (trong đó 8.100 kg bán tại Thanh Hóa) thì hiện vẫn đang phải chờ kết quả phân tích các mẫu xét nghiệm mà Cục Chăn nuôi lấy từ lô hàng 34 tấn TĂCN tại kho hàng của Cty này. Nếu kết quả tiếp tục dương tính, chắc chắn đây là vụ vi phạm cực kỳ nghiêm trọng. |
Theo ông Tuấn, tại buổi làm việc này đại diện Cty LIVABIN thừa nhận, có thể chất cấm nằm trong số phụ gia mà họ nhập về từ Trung Quốc (?).
Cụ thể, trong số 100 mẫu TĂCN gồm 61 mẫu đậm đặc và 39 mẫu hỗn hợp, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã thanh lọc và lựa chọn 6 mẫu (chủ yếu là thức ăn cho lợn thịt giai đoạn cuối) chuyển đi Hà Nội phân tích 2 chỉ tiêu Salbutamol và Clenbuterol. Kết quả cả hai mẫu của Cty LIVABIN đều dương tính.
Mẫu thứ nhất thuộc lô hàng ký mã hiệu P104, sản xuất ngày 31/5/2014, số lô 024106 lấy tại Cty Thương mại Sao Khuê (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn). Mẫu thứ 2 ký mã hiệu P104 sản xuất ngày 7/6/2014, số lô 134106, lấy tại hộ kinh doanh Trần Thị Mai, thôn Cầu Rồng, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cũng kết luận rằng: Việc cả hai mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm Salbutamol đều của Cty LIVABIN chứng tỏ rằng Cty này đã cố tình đưa chất cấm vào sản phẩm TĂCN, bởi với hàm lượng cao như thế thì không thể vô tình có sẵn trong các sản phẩm mà Cty này không biết được.
Mặt khác, việc LIVABIN đưa chất cấm vào các sản phẩm TĂCN của mình cũng rất tinh vi. Nếu không có nguồn thông tin phối hợp thì lực lượng chức năng trong ngành NN-PTNT rất khó phát hiện, gần như không thể tìm ra.
Ngay sau khi phát hiện các lô hàng của LIVABIN có chứa chất cấm, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Cty LIVABIN và Cty Sao Khuê, yêu cầu thu hồi toàn bộ 8 tấn TĂCN đã bán ra trước đó và niêm phong tại chỗ.
Căn cứ theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP và Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT, Sở NN-PTNT Thanh Hóa sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt. Mức phạt có thể sẽ từ 70-100 triệu đồng.
Ngoài ra, với hành vi cố tình đưa chất cấm vào sản phẩm TĂCN, LIVABIN có thể sẽ phải chịu thêm các hình phạt bổ sung. Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa sẽ có công văn gửi Cục Chăn nuôi và Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đề nghị thực hiện đình chỉ các hoạt động sản xuất của LIVABIN từ 1-3 tháng. Giao cho các huyện Đông Sơn và Thạch Thành đình chỉ hai cơ sở kinh doanh phát hiện sản phẩm TĂCN có chứa chất cấm từ 1-3 tháng.
Để khắc phục hậu quả, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ ra quyết định tiêu hủy và chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số TĂCN vi phạm (8.100kg).
Thanh Hóa là một trong 6 địa phương được chọn làm trọng điểm để kiểm tra TĂCN, cùng với Hà Nội, Hưng Yên, Đồng Nai, TP.HCM và Vĩnh Long.
Chiến dịch kiểm tra được triển khai hết sức gắt gao, tuy nhiên theo nhiều ý kiến đánh giá, việc kiểm tra chất cấm trong TĂCN chẳng khác gì bắt ma túy. Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục lấy khoảng 50 mẫu TĂCN từ một số địa điểm như các nhà máy sản xuất, hộ kinh doanh từng có mẫu vi phạm, một số trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn, một số loại TĂCN có nghi vấn...
Ông Lê Như Tuấn khẳng định: “Chắc chắn sẽ có nhiều tỉnh đang phải sử dụng TĂCN có chứa chất cấm nhưng tại sao chỉ có Thanh Hóa phát hiện và niêm phong được? Thực trạng sử dụng chất cấm trong TĂCN ngày càng tinh vi, nếu chúng ta không có sự phối hợp, không tận dụng các nguồn tin sẽ rất khó khăn”.
Ngoài vấn đề kiểm tra thì xử lý vi phạm cũng đang còn nan giải. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi hoàn thiện thêm các văn bản QLNN về TĂCN để vừa đảm bảo tính khoa học vừa phù hợp với thực tế.
Cụ thể, trong vụ 8,1 tấn TĂCN bị phát hiện có chứa chất cấm, nếu theo NĐ 119 chỉ xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm trong khi cơ sở sản xuất nằm ở tỉnh ngoài không bị xử lý là không thỏa đáng. Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Cty CP Thương mại Sao Khuê, đơn vị cung ứng sản phẩm của LIVABIN kêu oan: Về hợp đồng pháp lý giữa chúng tôi và LIVABIN được ký kết rất chặt chẽ, kinh doanh hàng chính ngạch chứ không phải trôi nổi, không có xuất xứ. Chúng tôi không có cơ sở để nhận biết TĂCN có chất cấm hay không, ngoại trừ cam kết với LIVABIN. Thành thử, khi sự việc xảy ra, chúng tôi cũng thiệt hại lớn. Chưa biết mức xử phạt thế nào nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Cty.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Việc các địa phương triển khai thực hiện theo nội dung Công văn số 825 ngày 23/7/2014 của Cục Chăn nuôi về việc tăng cường kiểm tra TĂCN phải khẩn trương và liên tục chứ không nhất thiết theo chiến dịch. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Bộ NN-PTNT, của các tỉnh mà đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan liên ngành, thậm chí là thông tin từ người dân.
Khi phát hiện các mẫu vi phạm cần gửi xét nghiệm ngay và có câu trả lời trong vòng 24 đến 48 giờ. Ngoài kết quả các địa phương xét nghiệm ban đầu cần phải gửi mẫu xét nghiệm thêm 2 đơn vị nằm trong số 8 phòng thí nghiệm đã được Bộ NN-PTNT chỉ định.
Cũng không chỉ kiểm tra riêng trên TĂCN mà còn có thể tăng cường kiểm tra mẫu nước tiểu ở lợn, thịt ngoài chợ, kiểm tra cơ sở ngóc ngách, nhỏ lẻ, lò giết mổ. Các địa phương cần tích cực kiểm tra và phân loại các nhà máy sản xuất, báo cáo Bộ trưởng Cao Đức Phát trong tháng 8.
HOÀNG ANH