| Hotline: 0983.970.780

'Tiểu mía' là cây gì mà gây sốt rần rần?

Thứ Tư 15/11/2023 , 06:28 (GMT+7)

Gần đây, xuất hiện 'hot trend' được bàn luận rất sôi nổi trên mạng xã hội TikTok nói về loại đồ ăn được gọi là 'tiểu mía'.

Rất nhiều video clip trải nghiệm khi thưởng thức 'tiểu mía' được cộng đồng mạng rất thích thú. 

Rất nhiều video clip trải nghiệm khi thưởng thức "tiểu mía" được cộng đồng mạng rất thích thú. 

Gần đây, xuất hiện “hot trend” được bàn luận rất sôi nổi trên mạng xã hội TikTok nói về loại đồ ăn được gọi là “tiểu mía”. Đoạn video clip có tiêu đề “Thân cây cao lương, hương vị như mía” này nhận được hàng trăm ngàn lượt thích, hàng ngàn bình luận, chia sẻ và tương tác.

"Tiểu mía" thân nhỏ hơn mía, được cộng đồng mạng mô tả là rất dễ róc vỏ (có thể dùng tay bóc vỏ dễ dàng), mùi thơm tươi mát, ăn rất giòn và mềm hơn mía, nhiều nước, vị ngọt thanh... Cộng đồng mạng cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có "tiểu mía" hay không?

Thực tế, cây cao lương (có nơi gọi là bo bo, lúa miến) đã được trồng ở một số vùng núi phía Bắc và miền Trung nước ta từ khá lâu, mục đích để thu hạt làm bánh, bỏng..., tuy nhiên không phải là loại cây trồng phổ biến.

Gần đây, cây cao lương đã được trồng nhiều hơn ở nước ta để làm thức ăn chăn nuôi (trâu, bò, cá...). Theo tài liệu tham khảo, cây cao lương có thể phân loại thành: Cao lương lấy hạt, điển hình là thấp cây, bông to; cao lương sinh khối thường cao cây và thân xốp, ít nước... Loại được giới thiệu trên Tik Tok có thể là cao lương ngọt, đặc trưng bởi bông nhỏ, ít hạt, thân cao, chứa nhiều nước và ngọt.

Ở trong nước, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) - doanh nghiệp khoa học công nghệ đang là một trong những đơn vị tiên phong triển khai nghiên cứu về cây cao lương. Hai sản phẩm gồm rượu cao lương (có mùi thơm, hàm lượng hợp chất có nguy cơ gây độc, đau đầu là methanol, aldehyte rất thấp) và nước ép thân cao lương ngọt đang được Vietseed thai nghén phát triển.

'Tiểu mía' chính là cây cao lương ngọt. Trong ảnh là cây cao lương ngọt được Công ty TNHH Hạt giống Việt trồng thử nghiệm tại Gia Lai. Ảnh: Văn Hùng.

"Tiểu mía" chính là cây cao lương ngọt. Trong ảnh là cây cao lương ngọt được Công ty TNHH Hạt giống Việt trồng thử nghiệm tại Gia Lai. Ảnh: Văn Hùng.

Đối với nước ép thân cao lương ngọt, Vietseed đã chọn được một giống cao lương ngọt điển hình có các đặc tính như sau: Giống cảm ôn, trồng được 2 - 3 vụ/năm; cây cao (2,5 - 3,5m), phần thân dài (1,5 - 2m), đường kính trung bình (2cm); năng suất phần thân cây đạt khoảng 50 tấn/ha/vụ (chiếm xấp xỉ 75% tổng khối lượng sinh khối), năng suất nước ép đạt khoảng 30 tấn/ha/vụ (chiếm hơn 60% khối lượng phần thân). Giống ưa thâm canh, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại; hương vị ăn tươi cơ bản đúng như mô tả trong video clip mà mạng xã hội lan truyền gần đây.

Cây cao lương ngọt được Vietseed trồng thử nghiệm tại Gia Lai phát triển tốt, phân tích cho thấy hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Văn Hùng.

Cây cao lương ngọt được Vietseed trồng thử nghiệm tại Gia Lai phát triển tốt, phân tích cho thấy hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: Văn Hùng.

Kết quả phân tích chất lượng nước ép thân cao lương ngọt (do Vietseed trồng thử nghiệm tại Gia Lai) của Intertek cho thấy: Độ Brix đạt 11,2g/100ml, hàm lượng đường Sucrose đạt 4,56g/100ml, Glucose đạt 3,05g/100ml và Fructose đạt 2,4g/100ml, đường tổng số đạt 10,2g/100ml; tổng số carbonhydrate đạt 11g/100ml, protein đạt 0,47g/100ml, năng lượng đạt 45,9kcal/100 ml; khoáng kali, canxi và sắt lần lượt là 448, 26,9 và 0,27mg/100 ml; khoáng magie (Mg) là 137mg/l; không phát hiện thấy các kim loại nặng nguy hiểm.

So với nước mía, nước cao lương có hàm lượng đường tổng số thấp hơn một chút khoảng (1,0%), nhưng hàm lượng ngắn Glucose và Fructose lại cao hơn rất nhiều so với nước mía, điều đó giải thích vì sao nó lại có vị ngọt thanh mát, dễ tiêu thay vì ngọt gắt và cảm giác đầy bụng khi uống nhiều như mía.

Nước ép cao lương có thành phần khá tương tự so với nước cam ép và táo ép nhưng hàm lượng khoáng cao hơn nhiều, trong khi vitamin C hầu như không tìm thấy. Về lý thuyết, loại nước ép lành tính này sẽ có tác dụng giúp phục hồi sức khỏe nhanh, có lợi cho người ăn kiêng hoặc tiểu đường.

Thân cây cao lương ngọt khá mềm, nhiều nước, có thể dùng để ép làm nước giải khát như mía. Ảnh: Văn Hùng.

Thân cây cao lương ngọt khá mềm, nhiều nước, có thể dùng để ép làm nước giải khát như mía. Ảnh: Văn Hùng.

Dự kiến, các thử nghiệm tiếp theo liên quan đến chỉ số đường huyết tiêu hóa, hiệu lực lâm sàng trên động vật tiểu đường và tốc độ lão hóa nước ép sẽ được Vietseed triển khai sớm vào cuối năm 2023, đầu 2024.

Ông Đỗ Thanh Tùng - Giám đốc Vietseed cho biết: “Tương tự như Trung Quốc, chúng tôi đang kỳ vọng các sản phẩm rượu và nước giải khát cao lương... sẽ có chỗ đứng tốt trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Các nghiên cứu cơ bản đã gần như hoàn tất, tuy nhiên trở ngại hiện tại là khâu thị trường. Vì vậy, Vietseed mong muốn được hợp tác với các đối tác thương mại chuyên nghiệp để cùng phát triển các sản phẩm như rượu, nước giải khát từ cây cao lương ngọt trong thời gian tới.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.