Trong nhóm cây lương thực có hạt, cao lương là cây trồng thức ăn thô xanh (sinh khối) chủ lực của nhiều quốc gia trên thế giới do tiềm năng năng suất rất cao, chất lượng thức ăn tốt, đặc biệt là chịu hạn tốt do mặt lá phủ một lớp sáp và cây có cơ chế điều chỉnh thẩm thấu chống bốc hơi nước.
Tuy nhiên do không phải là cây trồng bản địa, cây trồng này có một số yếu điểm như nhiễm sâu bệnh (đặc biệt là rệp muội và bệnh trên bông), cây cao dễ đổ ngã, tái sinh năng suất không đạt như kỳ vọng.
Để khắc phục các yếu điểm trên, từ năm 2019, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã tiến hành nghiên cứu một số giống cao lương có nguồn gốc chọn tạo trong nước như OPV88 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đã được công bố lưu hành năm 2021) và VFS99 của Công ty TNHH Hạt giống Việt (VietSeed).
Kết quả quan sát và đo đếm tại ruộng cao lương OPV88 đang được trồng trong vụ hè thu 2021 ở Ninh Thuận 65 ngày tuổi cho thấy, cây sinh trưởng rất khỏe, bộ lá xanh tốt, rễ chân kiềng, sạch sâu bệnh.
Chiều cao cây trước khi ra hoa đạt từ 3 - 3,5 m, mỗi cây đẻ 2 - 3 nhánh, đường kính thân trung bình 3,4 cm. Khối lượng cân thử 1 khóm nặng gần 1,7 kg, với mật độ trồng 60x15 cm (khoảng 11,1 vạn khóm/ha), năng suất sinh khối lý thuyết đạt đến 188,7 tấn/ha/lứa. Thực tế nhiều vụ minh chứng, khi được gieo trồng trong vụ hè thu và thu đông, năng suất có thể dễ dàng đạt hơn 100 tấn/ha/lứa.
Tương tự, giống VFS99 sinh trưởng khỏe, ra hoa muộn hơn OPV88 từ 5 - 7 ngày, cây xanh tốt và hầu như không có sâu bệnh. Chiều cao cây trung bình trước khi ra hoa đạt 3,2 - 3,8 m, mỗi cây đẻ 3 - 4 nhánh, đường kính thân trung bình 2,7 cm. Mỗi khóm cân thử nặng 1,53 kg. Năng suất sinh khối thực thu đạt hơn 100 tấn/ha/lứa.
Thức ăn thô xanh từ cao lương có chất lượng rất tốt. Thân cây ngọt, mềm, có chứa nước. Cây có nhiều lá, lá to dài (rộng 9 cm, dài 90 cm), mềm, trơn nhẵn, không có lông. Thân lá dễ băm nhỏ ủ chua hoặc cho ăn tươi.
Cao lương có thể thu hoạch trước khi cây trỗ bông để sử dụng cho ăn trực tiếp hoặc băm xanh. Thu hoạch để ủ chua làm thức ăn dự trữ tốt nhất khi cây đã ra bông và hạt ở giai đoạn chín sáp, nếu thu sớm hơn cần phơi héo cây xuống ẩm độ dưới 65% trước khi băm và ủ ướp để đảm bảo chất lượng thức ăn.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Sơn (Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) cho biết: Kết quả thí nghiệm nhiều vụ từ năm 2019 tại Viện đối với giống OPV88 và khảo nghiệm giống VFS99 cho thấy, các giống có nguồn gốc chọn tạo trong nước này đã khắc phục được yếu điểm và có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, đặc biệt là rệp hại và bệnh trên bông.
Cây có bộ rễ chân kiềng phát triển, khỏe, chống đổ tốt hơn so với các giống nhập ngoại và rất phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương khô hạn như Ninh Thuận. Nếu gieo trong các vụ hè thu, thu đông, cây sẽ ra hoa muộn, chiều cao có thể tăng trưởng liên tục đạt hơn 3,5m và cho năng suất sinh khối rất cao lên tới hơn 100 tấn/ha.
Tuy nhiên, không nên trồng tại những vùng có nhiều gió cây sẽ dễ bị đổ ngã cuối vụ hoặc có thể khắc phục bằng cách thu hoạch ngay khi năng suất sinh khối đạt kỳ vọng mà không chờ cho cây quá cao.
Gieo trồng trong vụ đông xuân, xuân hè cây ra hoa sớm, chiều cao cây thấp hơn, chống đổ ngã tốt, tuy nhiên năng suất sinh khối sẽ thấp hơn. Sau khi thu hoạch, để tái sinh trong 1-2 vụ, tuy nhiên năng suất sẽ giảm đáng kể và chỉ nên tận dụng nếu thời gian còn lại không kịp để tiến hành một vụ gieo trồng mới.
Được biết, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành xác định các chỉ tiêu chất lượng thức ăn thô xanh và sớm xây dựng quy trình kỹ thuật gieo trồng, sử dụng sinh khối và lấy hạt nhằm giúp khuyến cáo canh tác đạt hiệu quả cao nhất.