| Hotline: 0983.970.780

Ách tắc vận chuyển vật tư nông nghiệp: Tháo gỡ ngay!

Thứ Ba 20/07/2021 , 18:13 (GMT+7)

Đang mùa thả tôm, nhu cầu con tôm giống và thức ăn vận chuyển về ĐBSCL rất lớn. Doanh nghiệp và người nuôi đang gặp khó khăn trong khâu lưu thông, mua bán.

Tài xế đồng loạt xin nghỉ

Ông Lê Duy Khoa, Giám đốc Chi nhánh Công ty tôm giống Dương Hùng (Bạc Liêu) tại Trà Vinh cho biết, hiện nay, vấn đề đi lại hết sức khó khăn. Nguyên nhân do tài xế phải thực hiện test virus SARS-CoV-2, ba ngày một lần nên rất sợ.

Toàn công ty có trên 40 người tài xế, hiện đã xin tạm nghỉ việc, còn lại chỉ 6-7 người. Riêng tài xế lái xe qua Trà Vinh chỉ còn 1 người. Tại các chốt chặn kiểm dịch ở Trà Vinh thì tạo điều kiện cho sang xe vận chuyển.

Hiện nay, do đi lại khó khăn nên phần lớn tài xế đều rất ngại, đã xin nghỉ. Ảnh: MĐ.

Hiện nay, do đi lại khó khăn nên phần lớn tài xế đều rất ngại, đã xin nghỉ. Ảnh: MĐ.

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển tôm giống từ trụ sở công ty ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu qua Trà Vinh là 1 triệu post mỗi ngày. Tuy nhiên, việc vận chuyển đã ngưng trệ do tài xế xin nghỉ.

Ông Lê Duy Khoa chia sẻ thêm: Hiện nay, việc vận chuyển tôm bố mẹ từ Bạc Liêu ra Chi nhánh của Công ty ở tỉnh Quảng Nam là Công ty Dương Hùng Miền Trung cũng đang gặp khó khăn.

Công ty Dương Hùng Bạc Liêu đã nhập con tôm mẹ từ Mỹ, để thuần dưỡng sản xuất tôm giống cho khu vực miền Trung. Tuy nhiên, tất cả sân bay đều không nhận hàng chuyển ra tỉnh Quảng Nam dẫn đến thiệt hại rất lớn, do con tôm mẹ ở Bạc Liêu nên không sản xuất được.

"Chúng tôi thuê luôn một chiếc máy bay để chở ra Quảng Nam nhưng không được đi", ông Lê Duy Khoa nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, đại diện kinh doanh của Công ty Tôm giống Long Quy (TP. Cần Thơ) tại thị trường tỉnh Trà Vinh, cho biết, do giá tôm những ngày gần đây xuống thấp nên ảnh hưởng đến tâm lý thả nuôi của bà con nông dân. Tuy nhiên, nhu cầu thả nuôi tôm là có nhưng mấy ngày nay xe vận chuyển hàng tôm giống của công ty từ tỉnh Ninh Thuận vào đây gặp khó nên không có hàng giao cho người nuôi. Hiện nay, Công ty Tôm giống Long Quy đang tìm cách tháo gỡ này.

Tìm cách tháo gỡ 

Trong hai ngày 18 và 19/7, các xe vận chuyển tôm giống từ tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ khó về đến vùng nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng. Trong khi nhu cầu vận chuyển lưu thông giống, thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi tôm nước lợ đang vào mùa.

Nhiều địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn trong lưu thông vận chuyển tôm giống. Ảnh: MĐ.

Nhiều địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn trong lưu thông vận chuyển tôm giống. Ảnh: MĐ.

Do h​iện con giống, thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được xem là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất. Hơn nữa, chưa có sự thống nhất các quy định giữa các tỉnh để thông suốt việc vận chuyển con giống, thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi tôm nước lợ. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp, người nuôi đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển tôm giống tại Trạm kiểm dịch tỉnh Đồng Nai.

Các tỉnh cung ứng giống từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu không qua được trạm kiểm dịch Đồng Nai nên quay về và không giao giống cho các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc thuê xe để vận chuyển.

​Trong 2 ngày vừa qua, ghi nhận tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, phà Cù Lao Dung không chở con giống, thức ăn và chất xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản qua Cù Lao Dung. ​Xe vận chuyển giống về tuyến Nam Sông Hậu về huyện Long Phú, huyện Trần Đề bị vướng chỗ chốt dịch huyện Kế Sách.

Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 20/7, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Sóc Trăng, cho hay, mặc dù có phát sinh một số khó khăn trong ngày vào thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời tháo gỡ, chỉ đạo mở tuyến “luồng xanh” và chỉ dẫn các phương tiện vận chuyển tôm giống tới địa bàn vùng nuôi.

Hiện nay, vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng đang vào vụ thả nuôi tôm. Nhu cầu cần 16-20 tỷ con giống và khả năng cần số lượng cao hơn, do các mô hình nuôi tôm thâm canh áp dụng công nghệ cao hiệu quả.

Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã phân công các đơn vị trực tiếp nhận và chủ động liên hệ các doanh nghiệp, người nuôi và nông dân để xử lý kịp thời. Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 tỉnh Sóc Trăng có nhu cầu tôm giống 16-20 tỷ con.

ĐBSCL đang vào vụ thả nuôi tôm thứ 2. Ảnh: TL.

ĐBSCL đang vào vụ thả nuôi tôm thứ 2. Ảnh: TL.

Giá thức ăn thủy sản tăng

Tại Bạc Liêu có phần đỡ hơn các tỉnh khác do chủ động được nguồn giống tại chỗ. Chị Nguyễn Hồng Diệu, đại lý thức ăn tôm Mỹ Tiên, xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết, những ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tôm nguyên liệu. Hiện nay, giá tôm các loại trung bình giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đối với nhu cầu con tôm giống và thức ăn tôm thì vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào cho người nuôi. Hiện nay, đại lý Mỹ Tiên đang lấy tôm giống trực tiếp từ Công ty CP Chi nhánh Bạc Liêu. Trung bình mỗi lần lấy khoảng 500.000 - 600.000 con tôm giống.

Riêng đối với thức ăn tôm được vận chuyển từ TP.HCM về. Mặc dù hiện nay việc đi lại rất khó khăn, phải qua nhiều trạm kiểm soát nhưng phía công ty vẫn giao thức ăn tôm đúng hạn. Theo chị Diệu, hiện nay giá tôm giống của Công ty CP đang tăng, giá bán ra khoảng 154 đồng/con, tăng 8 đồng so với trước đó (trước đó 146 đồng/con).

Nhiều nơi đang có nhu cầu rất lớn về tôm giống. Ảnh: MĐ.

Nhiều nơi đang có nhu cầu rất lớn về tôm giống. Ảnh: MĐ.

Anh Trần Văn Giang (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết, gia đình vừa thả hai ao tôm nuôi được 30 ngày. Những ngày qua giá thức ăn tôm tăng từ 25.000 - 30.000 đồng bao/25kg. Tuy nhiên, trái lại giá tôm nguyên liệu giảm từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết, sau hai ngày (ngày 18 - 19/7) tăng giá, thì hiện nay giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã ổn định trở lại. Riêng đối với nguồn cung con tôm giống và thức ăn tôm các loại trên địa bàn đến nay vẫn ổn định. Đối với các phương tiện lưu thông hàng hóa vào địa bàn tỉnh được chủ động, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Vận chuyển lúa giống nội tỉnh cũng khó 

Ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, cho biết, hiện nay nông dân tỉnh Kiên Giang đang tập trung xuống giống vụ lúa Thu Đông 2021, đang rất cần mua giống lúa để sản xuất. Địa bàn rộng, việc vận chuyển lúa giống đi giao trong nội tỉnh đã khó khăn, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. Còn thực hiện các đơn hàng ngoài tỉnh càng khó khăn hơn. Tài xế, nhân viên theo xe phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo quy định mới đi được.

Ngay cả việc thanh toán hiện nay cũng gặp khó, vì phần lớn khách hàng mua cây, con giống là nông dân trực tiếp sản xuất. Nông dân không có tài khoản ngân hàng, chỉ giao dịch bằng tiền mặt, họ không đi trả được mà nhân viên cũng không thể đến nhà thu.

Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GT-VT Kiên Giang cho biết thêm: Tỉnh hiện có 4 tuyến đường kết nối với luồng xanh quốc gia trên hệ thống quốc lộ để vận chuyển, lưu thông hàng hóa bằng xe ô tô ra, vào địa bàn. Cụ thể là tuyến quốc lộ N1, giáp với tỉnh An Giang. Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (đường Hồ Chí Minh), giáp với thành phố Cần Thơ. Tuyến quốc lộ 61, giáp với tỉnh Hậu Giang. Tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, giáp với tỉnh Cà Mau.

Ngày 20/7, Bộ NN-PTNT có văn bản về việc tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển vận tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ký, thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và lâm nghiệp về việc gặp khó khăn khi lưu thông, vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản... tại một số địa phương đang có dịch Covid-19.

Tại Công điện số 789/CĐTTg ngày 5/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu kép, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản.

Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản được lưu thông trên địa bàn của tỉnh và liên tỉnh khi đã tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…