| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ nông sản ở phía Nam đã khả quan hơn

Thứ Bảy 04/09/2021 , 15:30 (GMT+7)

Tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ đã khả quan hơn, đó là thông tin do nhiều đại biểu đưa ra tại một buổi tọa đàm về vấn đề này.

Tiêu thụ nông sản đã khả quan hơn nhờ nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Tiêu thụ nông sản đã khả quan hơn nhờ nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc

Tại toạ đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 4/9, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trong 3 tháng gần đây, khi các tỉnh, thành ở Nam Bộ lần lượt giãn cách xã hội, toàn khu vực đã thu hoạch 6 triệu tấn lúa, 3,8 triệu tấn rau màu, 4 triệu tấn trái cây.

Dù dịch bệnh, giãn cách xã hội gây ra nhiều khó khăn cho thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, nhưng nông sản hàng hóa cơ bản vẫn luân chuyển được nhờ nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương. Nhờ vậy, lượng nông sản đã tiêu thụ vẫn tương đương mọi năm.

Đáng chú ý là sau những khó khăn trong thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, những ngày gần đây, tiêu thụ nông sản ở Nam Bộ đã khả quan hơn.

Cũng theo ông Tùng, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ sẽ phải thu hoạch và tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau, 1,7 triệu tấn trái cây. 

Riêng trong tháng 9, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa. Bên cạnh đó là khoảng 400 ngàn tấn trái cây các loại và 250 ngàn tấn rau. Một số loại trái cây cần tiêu thụ với sản lượng lớn như thanh long (30 ngàn tấn), xoài (35 ngàn tấn), chuối (50 ngàn tấn), cam (55 ngàn tấn)… Những tháng cuối năm, sản lượng nông sản cần tiêu thụ sẽ còn nhiều hơn.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho hay, việc tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã từng gặp khó khăn lớn do các chợ đầu mối ở TP.HCM phải đóng cửa, các chợ truyền thống ở Long An cũng ngừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vướng mắc trong tiêu thụ nông, thủy sản ở Long An nhìn chung đã được khắc phục, giá của nhiều loại nông sản đã tăng trở lại.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Long An đang thực hiện là nắm chắc thông tin từng loại nông sản đến kỳ thu hoạch để có hướng giải quyết đầu ra kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân giúp cho việc tiêu thụ nông sản ở Nam Bộ nhìn chung đã trở nên khả quan hơn, trong đó, có vai trò không nhỏ của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT.

Các tỉnh phía Nam cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa từ nay đến cuối năm. Ảnh: TL.

Các tỉnh phía Nam cần tiêu thụ 8 triệu tấn lúa từ nay đến cuối năm. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T cho hay, để có đủ nguồn trái cây xuất khẩu, công ty phải thu mua trên hầu khắp các tỉnh ĐBSCL, do đó, ngày nào ông cũng phải liên tục giải quyết rất nhiều vướng mắc phát sinh. Có những vướng mắc ở các vùng nguyên liệu mà nếu không có sựa hỗ trợ của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT và chính quyền tỉnh, thì  không thể tháo gỡ được.

Tính chuyện lâu dài

Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng đã hé mở những tín hiệu tích cực trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Nam Bộ.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, nhờ có hợp đồng nên tiêu thụ, nên nhìn chung đầu ra ổn định hơn so với nông dân. Vì vậy, Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết trong nông nghiệp.

Theo bà Ngô Tường Vi, TGĐ Công ty TNHHH XNK Trái cây Chánh Thu, trước đây, công ty chủ yếu thu mua trái cây để xuất khẩu thông qua hệ thống thương lái, bởi xây dựng mối liên kết với nông dân rất khó. Tuy nhiên, dịch bệnh đã thúc đẩy tinh thần hợp tác của nông dân với doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi hết dịch, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, cũng cần phải hình thành một tinh thần chuẩn bị tiêu thụ nông sản khác với trước đây. Theo đó, phải biết rõ 3-5 tháng tới sẽ có những nông sản nào vào thu hoạch, tập trung ở đâu, sản lượng ra sao… qua đó có định hướng tiêu thụ phù hợp để tránh nguy cơ bị đứt gãy chuỗi giá trị trong mọi tình huống.

Tham gia buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: "Cách đây 6 năm, tôi đã từng có bài viết rằng nền nông nghiệp Việt Nam nếu không thoát khỏi 3 cái tư duy là nông dân mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp mang tư duy thương vụ, chính quyền mang tư duy nhiệm kỳ, thì khó phát triển được".

Chính vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã động viên các doanh nghiệp vẫn cần xây dựng tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh đang chịu nhiều sức ép do dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng, cả nông dân, doanh nghiệp lẫn ngành nông nghiệp đều phải thay đổi. Bản thân Bộ NN-PTNT đã tự nhận thấy bối cảnh hiện tại là thời cơ để Bộ nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Bộ đã trình Chính phủ để sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng nông sản, hệ sinh thái nông nghiệp vùng ĐBSCL sao cho không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính. 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.