| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp cho cà rốt Hải Dương

Thứ Năm 21/02/2019 , 14:05 (GMT+7)

Lượng cà rốt tại Hải Dương được các DN, thương lái trên địa bàn tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 50%, còn lại khoảng 50% sản lượng được các NM thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản XK...

Các vựa cà rốt tại Hải Dương đang trong giai đoạn vào chính vụ thu hoạch. Nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ cho cà rốt, ngày 19/2, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng đã tổ chức hội nghị cùng các cơ quan bộ ngành và địa phương bàn các giải pháp kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cà rốt vụ đông năm 2018-2019.
 

Lạc quan tiêu thụ hết cà rốt

Tại hội nghị, Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết tính đến thời điểm này, diện tích cà rốt đã được thu hoạch trên địa bàn tỉnh ước khoảng 850 ha (trong tổng số khoảng 1.450 ha toàn tỉnh vụ đông 2018-2019), còn lại khoảng 550 ha, tập trung chính tại 2 huyện Cẩm Giàng và Nam Sách vẫn chưa được thu hoạch và tiêu thụ. Mặc dù vậy, thời vụ thu hoạch cà rốt của Hải Dương vẫn còn rất dài, do vụ thu hoạch chính vụ cà rốt của tỉnh thường tập trung từ trung tuần tháng 1 tới hết tháng 4 hàng năm.

16-10-38_dscf6382
Hàng trăm đại biểu là các DN, cơ sở thu mua cà rốt và đại diện các bộ ngành TƯ và địa phương cam kết đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt cho Hải Dương

Lượng cà rốt tại Hải Dương được các DN, thương lái trên địa bàn tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 50%, còn lại khoảng 50% sản lượng được các NM thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản XK sang các thị trường như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Châu Âu… Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 DN và khoảng 50 tư thương thu mua cà rốt, tập trung chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng và Nam Sách. Một số DN lớn trên địa bàn tỉnh như Cty CP Chế biến nông sản Tân Hương, Cty TNHH Ánh Dương… (huyện Cẩm Giàng) đang thu mua đều đặn cho nông dân với lượng tiêu thụ từ 50 – 100 tấn/ngày. Thời gian qua, nhiều DN, hệ thống siêu thị lớn cũng đã vào cuộc, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt như Cty TNHH MTV Hưng Việt (huyện Gia Lộc), DN Tư nhân Vũ Công (huyện Nam Sách), Siêu thị Big C; Vinmart…

Bà Phạm Thị Thùy Linh, đại diện Siêu thị Big C cho biết: Từ trước Tết Kỷ Hợi, Big C đã khởi động chương trình đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt cho nông dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) trên hệ thống 36 siêu thị Big C trên cả nước, lượng tiêu thụ hàng trăm tấn. Bên cạnh tiêu thụ củ tươi, Big C cũng đa dạng hóa chế biến sâu cho cà rốt như nước ép cà rốt, mứt cà rốt… “Chúng tôi tin tưởng thời gian tới, với hệ thống bán lẻ của nhiều siêu thị lớn, lượng cà rốt của Hải Dương sẽ được tiêu thụ đáng kể” – bà Linh dự báo.

Ông Tăng Xuân Trường, GĐ Cty TNHH MVT Hưng Việt (huyện Gia Lộc) chuyên XK các sản phẩm rau vụ đông cho biết: Vụ đông năm nay, Cty đặt kế hoạch thu mua khoảng 10 nghìn tấn cà rốt các loại tại địa bàn các tỉnh phía Bắc, chủ yếu XK sang các thị trường Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông và một số nước khu vực Đông Nam Á Singapore, Indonesia, Malaysia... Các loại cà rốt củ nhỏ, chất lượng tốt của Việt Nam vẫn có lợi thế XK ở nhiều thị trường như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc, cà rốt của Hải Dương đang XK rất tốt do giá cả cạnh tranh, chất lượng giòn, thơm, ngọt hơn cà rốt Trung Quốc. Bên cạnh đó, do cà rốt Trung Quốc XK sang thị trường Hàn Quốc phải chịu thuế suất 30%, trong khi cà rốt của Việt Nam XK sang thị trường này có thuế suất bằng 0% nên lượng XK thời gian qua sang thị trường Hàn Quốc tăng rất mạnh.
 

Phải thay đổi ngay cách sản xuất

Bên cạnh một số lợi thế, ông Tăng Xuân Trường cũng nêu thực tế: Hiện nay, đặc thù thời vụ vẫn là khó khăn lớn nhất tạo sức ép cho cây cà rốt nói riêng và nhiều loại rau vụ đông nói chung. Nhiều loại rau vụ đông khi hết vụ thu hoạch, chúng ta lại phải NK về. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản có quy mô lớn nhằm tăng mạnh hơn nữa việc dự trữ các mặt hàng rau củ vụ đông nhằm giảm sức ép tiêu thụ. Bên cạnh đó, cà rốt tại các tỉnh phía Bắc đang phải cạnh tranh hết sức quyết liệt với cà rốt Trung Quốc tại các thị trường XK, nhất là các loại cà rốt củ to, mẫu mã đẹp. Thực tế, cà rốt Việt Nam chưa thể cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc ở nhiều khía cạnh, nhất là vấn đề về dư lượng thuốc BVTV.

16-10-38_dscf6384
Tại hội nghị, đã có hàng chục DN xuất khẩu, hệ thống phân phối nông sản ký kết hợp đồng thu mua cà rốt số lượng lớn cho tỉnh Hải Dương thời gian tới

Ông Nguyễn Đức Hiển, GĐ Cty Cổ phần Chế biến Nông sản Tân Hương (huyện Cẩm Giàng), một DN có nhiều năm kinh nghiệm XK cà rốt thì cho rằng: Việc cà rốt chúng ta những năm qua phập phù về giá bán, không thể đổ thừa do chúng ta trồng nhiều, mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận do chính bản thân chúng ta. Hiện nay, cà rốt Việt Nam, trong đó trọng điểm là vựa cà rốt Hải Dương do đặc thù điều kiện thời tiết nên mới chỉ trồng được 6 tháng/năm. Trong khi đó, cà rốt tại Trung Quốc do đa dạng về khí hậu nên họ có thể trồng được 12/12 tháng với sản lượng rất lớn và chất lượng rất tốt, độ đồng đều rất cao nên cà rốt của Trung Quốc đã trở thành tên tuổi.

Trong khi đó, cà rốt chúng ta tỉ lệ củ không đạt yêu cầu về mẫu mã rất cao, giá thành SX nhìn chung vẫn cao hơn so với Trung Quốc nên chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là bản thân nông dân phải SX được cà rốt chất lượng cao và giá thành thấp. Bên cạnh đó, khâu liên kết SX giữa nông dân và các DN, cơ sở chế biến XK rất lỏng lẻo, kiểu mua đứt bán đoạn, hôm nay giá cao thì DN tranh nhau mua, ngày kia giá xuống thì nông dân đổ đi không hết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Cty CP Giống cây trồng và XNK Kiên Giang đánh giá: Hiện cà rốt Hải Dương tiếng là đã XK được sang nhiều thị trường, nhưng đại đa số vẫn là do các DN nước ngoài mua lại, rồi đóng gói, lấy thương hiệu của họ để XK sang nước thứ 3, chứ bản thân các DN của Việt Nam chưa mở C.O để XK trực tiếp. Một số DN dù đã XK trực tiếp được sang Hàn Quốc, nhưng tỉ lệ củ đạt yêu cầu để XK lại quá thấp, chỉ đạt 40-50%, còn lại phải loại ra để tiêu thụ qua kênh khác. “Nếu không có sự liên kết giữa người trồng cà rốt và các DN thua mua, chế biến và XK trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và bền vững, tình trạng cà rốt năm nay được giá, năm sau rớt giá sẽ còn tiếp diễn” – ông Cường kiến nghị.

Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính kiến nghị: Mặc dù đến nay, cà rốt tại xã Đức Chính đã được XK sang nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng cà rốt XK vẫn còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng sản lượng khổng lồ toàn xã. Bên cạnh đó, khâu chế biến và xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tương lai, cần phải thu hút đầu tư, đặt nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cà rốt ngay tại xã Đức Chính để giải quyết căn cốt hơn nữa về sức ép tiêu thụ.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.