| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ

Thứ Sáu 02/11/2018 , 12:25 (GMT+7)

Sáng 2/11, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản cùng với Hội nghề cá Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức diễn đàn tôm Việt về “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ”.

 Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu

 Dự diễn đàn có hàng trăm đại biểu là người nuôi tôm, những chuyên gia về nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản đến từ vùng ĐBSCL tham gia.

Mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm ở Việt Nam, giai đoan 2017 – 2020 đạt 5,5 tỷ USD và giai đoạn 2021 – 2025 đạt 10 tỷ USD. Định hướng phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi SX, lưu thông sản phẩm tôm.

Đối với tôm nước lợ, thâm canh, bán thâm canh, các địa phương cần thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống điện bap ha; nâng cấp, hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho SX, đặc biệt, tại vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung. Đồng thời, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm và Cà Mau trở thành trung tâm nuôi tôm sú sinh thái (tôm rừng, tôm lúa, tôm hữu cơ) trong cả nước.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Thì địa phương đã có nhiều nỗ lưc, hơn 1 năm qua, tỉnh đã triển khai, xây dựng hơn 1.000ha nuôi tôm công nghiệp, người nông dân đã triển khai trên 200 mô hình nuôi tôm, có ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả cho người nuôi”.

Nhận định của ông Trung, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu phát triển khá nhanh. Với lợi thế này, địa phương phấn đấu trong thời gian tới sẽ trở thành thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao của cả nước, như kỳ vọng của thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ này là rất khả thi.

“Hiện Bạc Liêu có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng tôm nuôi, đảm bảo tăng thu nhập cho người nuôi. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường luôn được nhiều doanh nghiệp tại địa phương thực hiện rất tốt, không gây ra tình trạng ô nhiễm”, ông Trung đánh giá.

Trình bày quan điểm của mình tại diễn đàn, Tiến sỹ Võ Nam Sơn, chuyên gia về NTTS, cho biết: “Thách thức lớn nhất trong của ngành tôm nước ta hiện nay là giá thành sản phẩm đầu vào quá cao, sau khi thu hoạch, người nuôi không có lãi. Đặc biệt là vấn đề tiêu thụ điện trong nuôi tôm. Do đó, một chiến lược về sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm cần được đưa ra, nhằm tiết kiệm điện trong quá trình SX cũng như là giảm giá thành SX”.

Theo Tiến sỹ Sơn đánh giá, nếu giảm giá thành trong việc tiêu thụ điện năng thì hiệu quả của mô hình tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm sẽ được thúc đẩy, giúp người nuôi có lợi nhuận cao.

Ông Tăng Văn Sua, HTX Hòa Mỹ (Sóc Trăng) thắc mắc: “Hiện nay, trong khi giá tôm lao dốc nhanh thì giá vật tư, thức ăn và điện sinh hoạt vẫn ở mức ổn định. Điều đó, khiến cho người nuôi bất an, không mặn mà để tiếp tục phát triển loại hình này. Mong qua diễn đàn, chúng tôi sẽ tìm được hướng mở về việc giảm giá thành đầu vào, tăng giá trị đầu ra từ loại hình nuôi tôm”.

Giải pháp hiệu quả để giảm chi phí, giá thánh đầu vào, tăng giá trị, chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch, đã được các đại biểu thảo luận, đánh giá sôi nỗi tại diễn đàn. Đáng chú ý là việc, quản lý môi trường ao nuôi, chú trọng đến quan trắc, theo dõi diễn biến, tác động đến môi trường nuôi; việc chọn, thả giống, quản lý thức ăn, sức khỏe cho tôm nuôi sao cho phù hợp…từ đó, giảm được các tác nhân nguy hại đến chất lượng tôm nuôi, góp phần tăng năng suất.

Theo đánh giá của các chuyên gia về thủy sản, quy trình nuôi 2 giai đoạn rất đơn giản, dễ vận hành, an toàn với môi trường và giảm rủi ro dịch bệnh. Đây là một giải pháp để góp phần tăng tỷ lệ thành công của một vụ nuôi, bên cạnh việc lựa chọn con giống chất lượng. Về lâu dài, sẽ giúp tiết giảm chi phí nuôi và người nuôi tôm đỡ phải lao đao trước những biến động  về giá.

Dưới đây là một số hình ảnh tại diễn đàn:

 
 
 
 
 

 

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.