Ngày 18/6, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần TVOne Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp cắt giảm chi phí trong công thức thức ăn chăn nuôi, kinh nghiệm từ Hàn Quốc".
Hội thảo đã mang đến cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi những giải pháp tân tiến từ các quốc gia phát triển, từ đó ứng dụng để lĩnh vực sản xuất trong nước được tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất.
Hội thảo cũng giới thiệu và chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc cắt giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi từ việc nghiên cứu, áp dụng công thức thức ăn chăn nuôi hiệu quả, với chi phí thấp đang được áp dụng hiệu quả tại Hàn Quốc – đất nước phát triển có nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Đồng thời, vấn đề tối ưu hóa cơ sở dữ liệu trong nguyên liệu thô đã được chia sẻ tại bởi chuyên gia dinh dưỡng đến từ châu Âu.
Theo Giáo sư In Ho Kim đến từ trường Đại học Dankook (Hàn Quốc), giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong năm 2022 đến từ nhiều nguyên nhân như khủng hoảng thị trường ngũ cốc toàn cầu do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định do sản lượng cây trồng ở Nam Mỹ thấp, giá dầu tăng cao dẫn đến chi phí vận chuyển tăng theo…
“Áp lực chi phí sản xuất tăng cao khiến các trang trại chăn nuôi giảm hiệu quả sản xuất, bắt buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất thức ăn, từ đó làm chậm, trì hoãn tốc độ tăng trưởng chăn nuôi”, Giáo sư In Ho Kim nêu vấn đề.
Theo Giáo sư In Ho Kim, để cắt giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi cũng như các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể lựa chọn các thành phần thức ăn thay thế, thay thế các thành phần thức ăn tốn kém và tập trung vào thành phần thức ăn thay thế tiết kiệm hơn ví dụ như đậu nành khô, huyết tương động vật khô dạng phun, bột huyết dạng phun, bột cá, gluten lúa mì, ngô, lúa mạch và các nguyên liệu phụ từ thịt khác...
Bên cạnh đó, theo bà Kate M. Cornista, chuyên gia dinh dưỡng đến từ châu Âu, các đơn vị có thể tối ưu hóa cơ sở dữ liệu từ nguyên liệu thô để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Giải pháp đầu tiên, bà Kate cho rằng, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể sử dụng những nguyên liệu thô có sẵn như nguyên liệu thô giàu protein, phụ phẩm xay xát, phụ phẩm nghiền và những nguyên liệu thô thay thế có sẵn (phụ phẩm từ bánh mì, mỳ Ý vụn, phụ phẩm từ ngô…).
Giải pháp thứ hai theo bà Kate, công thức thức ăn chăn nuôi cần phải đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng. Cụ thể, từ cơ sở dữ liệu nguyên liệu thô, cần xây dựng những công thức cho mỗi loại thức ăn cho từng giống vật nuôi; thực hiện phân tích nguyên liệu thô định kỳ; và phân tích hàm lượng độc tố nấm mốc định kỳ...
Giải pháp thứ ba mà bà Kate đưa ra, đó là giải pháp đến từ phụ gia thức ăn. Cụ thể, cần sử dụng các chất hỗ trợ tiêu hóa, sử dụng chất hỗ trợ hấp thụ chất béo (chất nhũ hóa) và sử dụng biện pháp kiểm soát phòng ngừa (chất kiểm soát độc tố nấm mốc hiệu quả).
Hội thảo "Giải pháp cắt giảm chi phí trong công thức thức ăn chăn nuôi, kinh nghiệm từ Hàn Quốc" được tổ chức bởi Công ty Cổ phần TVOne Việt Nam. Đây là đơn vị tiên phong tại Việt Nam đang triển khai đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi tách chiết thực vật với 95% từ nguyên liệu thảo dược trong nước như sâm báo, sâm đương quy, atiso, củ dền…
Công ty TVOne Việt Nam đang triển khai quy hoạch vùng trồng và giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này một phần giúp giải quyết vấn đề bỏ hoang ruộng đất của nhiều khu vực, giúp nông dân có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Với quy trình sản xuất chuyên nghiệp và 100% hệ thống thiết bị máy móc hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu, TVOne Việt Nam tự tin khẳng định Công ty đang sở hữu nhà máy tân tiến đầu tiên tại châu Á sử dụng công nghệ tách chiết thực vật trong sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi tiêu chuẩn cao, hướng đến đối tượng là các nhà máy sản xuất thức ăn và trại chăn nuôi trong nước và quốc tế.