Điều này khiến lượng cà rốt XK tụt đột ngột, đẩy nguồn cung trong nước tăng đột biến, khiến giá tụt.
Sau vài vụ thắng lớn, đã có tình trạng nông dân ồ ạt thuê đất trồng cà rốt |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thuật, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (Cẩm Giàng - Hải Dương) đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Theo ông Thuật, liên tiếp trong 2 vụ đông năm 2016 - 2017 và 2017 - 2018, giá cà rốt ở mức cao, trung bình từ 6 - 8 nghìn đồng/kg, giúp nông dân có lãi từ 7 - 8 triệu đồng/sào/vụ. Vì vậy, ngoài diện tích cà rốt vụ đông ổn định tại địa bàn xã Đức Chính khoảng 360ha, đã có xu hướng nông dân tại Đức Chính tỏa đi nhiều tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình... để thuê đất mở rộng trồng cà rốt.
Qua nắm bắt tại địa bàn xã Đức Chính, tổng diện tích mà nông dân ở xã này đi thuê ruộng tại các tỉnh để trồng cà rốt trong vụ đông 2018 - 2019 ước khoảng 700ha, gấp 3 lần so với diện tích tại địa bàn xã Đức Chính. Điều này cho thấy, diện tích cà rốt thực tế trong vụ đông 2018 - 2019 tại nhiều tỉnh phía Bắc đã tăng lên rất lớn, chứ không đơn thuần chỉ có diện tích tại 2 vựa cà rốt chính là Thái Tân (huyện Nam Sách) và Đức Chính (huyện Cẩm Giàng).
Nguyên nhân thứ hai, vụ đông 2018 - 2019, do mưa lớn kéo dài đầu vụ nên hầu hết diện tích cà rốt vụ đông chỉ tập trung phần lớn vào trà chính vụ, khiến nguồn cung chỉ tập trung dồn dập vào một trà. Ông Thuật cho biết: Tại Đức Chính, diện tích cà rốt vụ đông thường chia ra làm 3 trà: trà sớm (gieo đầu tháng 8 âm lịch); trà chính (gieo giữa tháng 8 âm lịch) và trà muộn (gieo cuối tháng 8 – đầu tháng 9 âm lịch). Tuy nhiên năm nay, do mưa lớn đầu vụ, trà cà rốt vụ sớm nhiều diện tích bị hỏng, phải gieo lại. Hầu hết diện tích cà rốt đều tập trung vào trà chính vụ (gieo từ sau 15/8 âm lịch).
Trong khi đó, năm nay cà rốt tại Trung Quốc cũng rất được mùa. “Mọi năm, lượng cà rốt XK đi Trung Quốc chiếm tới trên 50% tổng sản lượng toàn xã, thì năm nay, tình hình sẽ rất khó khăn do không có các thương lái sang mua” – ông Thuật cho biết.
Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Hậu, phụ trách kinh doanh của Cty TNHH Hưng Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương), một đơn vị chuyên thu mua và XK rau các loại tại các tỉnh phía Bắc cho biết thêm: Cty đặt kế hoạch thu mua và XK khoảng 10 nghìn tấn cà rốt, trong đó tập trung chính vẫn là tại Hải Dương và Bắc Ninh, tăng 30% sản lượng so với năm 2017. Mặc dù vậy, dự báo tình hình XK cà rốt sẽ gặp rất nhiều khó khan, nhất là thị trường Trung Quốc vì bên họ cũng được mùa lớn.
Trước tình hình này, từ đầu vụ đến nay, Cty Hưng Việt chủ yếu XK cà rốt sang Trung Đông như Oman, UAE, Lebanon... “Hiện bắt đầu vào vụ cà rốt chính vụ, chúng tôi đang đẩy mạnh XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Nhật Bản, Hàn Quốc hiện có nhiều lợi thế do cà rốt chúng ta thích hợp với thị hiếu của họ, tuy nhiên một số thị trường như Malaysia lại dễ tính, cứ giá rẻ hơn là họ mua, nên cà rốt Việt Nam cũng cạnh tranh rất gay gắt với cà rốt của Trung Quốc do cà rốt Trung Quốc năm nay được mùa, giá rẻ” – bà Hậu cho biết thêm.
HTX Nông nghiệp Đức Chính đang tích cực tìm nguồn tiêu thụ thông qua các đối tác XK đi Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dự báo, lượng cà rốt XK sang các thị trường này sẽ tăng mạnh so với các năm. “Hiện tại, chúng tôi cũng đã nhận được đơn hàng XK lên tới 200 container cho cả vụ (từ nay đến hết tháng 4/2019), tương đương khoảng 5.000 – 6.000 tấn. Bên cạnh đó, hàng loạt cơ sở thu mua, sơ chế lớn tại địa bàn xã cũng đã và đang đặt hàng thu mua cho nông dân đối với cà rốt chính vụ trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/sào. Với giá này, nông dân vẫn sẽ có lãi” – ông Nguyễn Đức Thuật, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết. |