| Hotline: 0983.970.780

Tìm mọi cách để ngư dân an tâm vươn khơi

Thứ Hai 01/06/2020 , 13:19 (GMT+7)

Quảng Bình đã có nhiều động tác để sớm gỡ “thẻ vàng” EC. Qua đó, tích cực hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển.

Tàu lực lượng Thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Bình (trái) thực hiện tuần tra kiểm soát trên vùng biển để ngăn chặn tàu giã cào bất hợp pháp. Ảnh: Công Điền.

Tàu lực lượng Thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Bình (trái) thực hiện tuần tra kiểm soát trên vùng biển để ngăn chặn tàu giã cào bất hợp pháp. Ảnh: Công Điền.

Nhiệm vụ hàng đầu trong việc sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC là Quảng Bình đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động ngư dân sớm triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m và dưới 24m trước ngày 1/4.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, đến nay, ngư dân Quảng Bình đã tự giác lắp đặt thiết bị GSHT cho 980/1.043 tàu (hoàn thành đạt tỷ lệ khoảng 90%, cao hơn mức bình quân của cả nước).

Được biết, mỗi thiết bị GSHT có trị giá khoảng 25 triệu đồng và cước phí thuê bao khoảng 2 triệu đồng/năm, chưa kể thời gian liên lạc cho mỗi cuộc gọi. “Chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 50% cước phí thuê bao cho ngư dân”, ông Linh cho hay.

Nhờ có thiết bị GSHT nên tình hình hoạt động của tàu cá trên biển được giám sát chặt chẽ.

Cán bộ lực lượng Chi cục Thủy sản Quảng Bình tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu vi phạm trên biển. Ảnh: Công Điền.

Cán bộ lực lượng Chi cục Thủy sản Quảng Bình tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu vi phạm trên biển. Ảnh: Công Điền.

Những năm trước, tàu cá ngư dân Quảng Bình đã có vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, không có thông báo nào về tàu cá vi phạm.

Văn phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá đã thực hiện kế hoạch thanh tra hàng tháng. Qua 5 tháng đầu năm, Văn phòng thực hiện kiểm tra 209 lượt tàu (trong đó có 119 lượt tàu xuất bến, 90 lượt tàu cập cảng).

Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản, cho hay: “Nhìn chung, các tổ kiểm tra tàu cá xuất bến tại cửa Gianh, kiểm tra tàu cá cập cảng tại cảng cá Nhật Lệ, Sông Gianh cơ bản đạt tỷ lệ kiểm tra theo kế hoạch đề ra. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, hướng dân ngư dân để không xảy ra sai phạm”.

Vào giữa tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá đánh bắt trên vùng biển của tỉnh. Ảnh: Công Điền.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá đánh bắt trên vùng biển của tỉnh. Ảnh: Công Điền.

Chỉ thị yêu cầu các địa phương, ngành, thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đây là cơ hội để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác thủy sản, phát triển bền vững, có trách nhiệm, thi hành nghiêm Luật Thủy sản 2017”.

Khi có thông tin tàu cá vượt ranh giới trên biển, Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. “Ngoài việc xử phạt, tàu cá vi phạm sẽ bị cắt một số chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài trước cộng đồng địa phương để có tính giáo dục chung”, ông Lê Ngọc Linh cho hay.

Cũng theo ông Linh, Chi cục đang thực hiện rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để có giải pháp giám sát, ngăn chặn từ xa.

Sau khi lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT, hầu hết các ngư dân đều thấy hài lòng vì những tiện ích trong quá trình khai thác trên biển.

Ngư dân Ngô Văn Tánh, chủ một tàu cá công suất lớn ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cho biết, trước đây, mỗi lần ra khơi thì rất khó khăn trong việc xác định ranh giới vùng biển. Vì vậy, có khi tàu đã đi qua vùng biển nước khác.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tàu cá xa bờ trước lúc xuất bến. Ảnh: Công Điền.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tàu cá xa bờ trước lúc xuất bến. Ảnh: Công Điền.

Nay có thiết bị GSHT định vị vị trí rất rõ ràng nên yên tâm, không lo vi phạm. Nếu đang trong chuyến đánh cá mà gặp mưa gió, lốc tố hay gặp sự cố thì rất dễ dàng liên lạc để được hỗ trợ.

“Cũng có chuyến biển tôi không đi mà giao tàu cho người khác cũng yên tâm hơn chứ không lo lắng gì. Ở nhà chỉ cần mở điện thoại (smartphone) là biết tàu mình đang đi ở đâu, khai thác ở vùng biển, khu vực nào”, ông Tánh bộc bạch thêm.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho thấy, việc chấp hành pháp luật về cập cảng, rời cảng của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn thấp. Một số tàu xa bờ chưa ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản trên biển, chưa thông báo trước 1 giờ khi cập cảng, xuất bến.

“Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân vẫn phải được thực hiện thường xuyên. Qua đó, hỗ trợ cho ngư dân hiểu rõ về chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) mới có được kết quả như mong muốn”, ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.