Chị làm thơ khi không còn trẻ, và in thơ liên tục vài năm gần đây. Trần Thanh Bình không chỉ muốn dùng thơ để di dưỡng tâm hồn, mà chị có ý thức tìm tòi hẳn hoi.
Sau các tập “Mùa sang”, “Mưa lòng”, “Mùa đông trong em” và “Anh đến”, chị có tập “Muôn - Một” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, theo đuổi thể loại thơ lục bát 5 câu.
Thơ lục bát vốn dễ viết khó hay. Chỉ sử dụng 5 câu để viết một bài lục bát, lại càng mang tính thách thức. Bởi lẽ, nếu quá say sưa hoặc quá nao núng với vần điệu, thì cả bài thơ chỉ còn nhịp nhàng bằng trắc mà im vắng suy tư.
Nhà thơ Trần Thanh Bình cũng khá can đảm khi viết cả tập “Muôn - Một” theo hình thức lục bát 5 câu. Mấy chục bài thơ của chị như những cuộc chạy vượt rào liên tục, với cảm xúc vừa nhẫn nại vừa hưng phấn. Chị định nghĩa về “Thời gian” theo kiểu riêng mình:
“Ngày mai ruồng bỏ hôm nay
Không đâu, hiện tại vẫn bày hôm qua
Cuồng xoay ở tại lòng ta
Biết rằng vô nghĩa trời già đứng im
Dòng đời - muôn kiếp - quay- tìm…”.
Thực ra, lục bát 5 câu là một thú chơi hơi oái oăm. Vì sao? Vì câu thứ 5 rất dễ rơi ra khỏi bài thơ. Sáu chữ chông chênh lại đứng cuối cùng, thì muốn làm cái chốt cửa niêm luật đã khó, mà muốn mở ra không gian thẩm mỹ càng khó hơn. Vậy mà, nhà thơ Trần Thanh Bình cứ nỗ lực chăm chút câu lục bát thứ 5, để có được một lối thơ mình mong muốn.
Thật may, trong tập “Muôn - Một”, nhà thơ Trần Thanh Bình đã có ít nhất ba bài thơ, mà câu thứ 5 có thể gắn kết cùng cả bài, mơ màng cùng cả bài, thăng hoa cùng cả bài.
“Bật tung cửa sổ hứng sương
Căn phòng chật chội thoát tương tư rồi
Lạ thay hơi lạnh đổi ngôi
Tấm mền vô thức bồi hồi tưởng anh
Mơ tiên bắt bóng sau mành…”
(Tương tư)
Em bay vào những giấc mơ
Thoảng nghe hương cỏ thẩn thờ lối xưa
Cánh cò rước mẹ về chưa
Đèn trông hiu hắt lưa thưa sao mờ
Dịu dàng sợi tóc ngẩn ngơ
(Mơ)
“Tội đồ ngọn gió rong chơi
Trộm mùi hương lạ giấu nơi cô phòng
Màn đêm đồng lõa bẻ song
Giết hồn góa phụ thỏa lòng đắm say
Phiên tòa trắng án… em bày…”
(Tội đồ)
Cốt lõi của việc làm thơ là gì? Dù 5 câu lục bát rộn ràng, hay một câu dài ngắn chông chênh, thì vẫn cốt an ủi vui buồn tác giả. Đọc tập thơ “Muôn - Một”, không khó nhận ra thân phận một người phụ nữ cô đơn.
Chị vượt qua những ruổi rong để trân trọng nguồn cội “Tự do sải cánh muôn nơi/ Nghe hun hút gió giếng khơi mé đình”. Chị khống chế sự lầm lũi bằng sự lãng mạn “Một ngày rũ bụi quay về/ Soi vào hạt cát thấy kề cận trăng”. Chị lấy khao khát thong dong để khỏa lấp dằn vặt hắt hiu “Quẫn cùng tôi mượn hàng cây/ Ngọn cao neo lại phút giây yên bình”.
Làm thơ, dù bằng thao tác gì hay bằng kỹ thuật gì, cũng là một hành trình đi tìm giọng nói của chính mình, đi tìm khuôn mặt của chính mình. Trong thơ Trần Thanh Bình, nỗi đau mất cha hiện diện giữa nghẹn ngào và nhung nhớ:
“Tây Ban cầm gọi hồn ta
Ngón tay di chứng người cha vẫn còn
Dấu vân chạm khắc này con
In vào năm tháng không mòn cung thương
Rung lên đoản khúc tơ vương…”
(Nghe đờn)
Xin được khẳng định thêm một lần nữa, tập thơ “Muôn - Một” là chọn lựa can đảm của nhà thơ Trần Thanh Bình.
Một chọn lựa có khuynh hướng sáng tạo của một người phụ nữ thấy được đam mê bản thân trong run rủi thi ca: “Tháng năm chạm đáy hay chưa/ Bạc lòng trăng khuyết mây đưa hững hờ/ Lục tìm hồn chữ hỏi thơ/ Quầng mi mẫn cảm dấu mờ chân chim/ Thi nhân mê mải đi tìm…”.
TP.HCM, 7/2020