| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/09/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 23/09/2015

Tìm từ phù hợp

Đó là lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước việc Bộ KH-ĐT báo cáo với UBTVQH về việc “tiết kiệm” được 14.259 tỷ đồng trong dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên./ Dự án nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh: Thừa trên 14.000 tỷ

Nguyên văn câu nói của Chủ tịch Quốc hội, được các báo trích dẫn như sau: “Đừng nói số dư 14.000 tỷ đồng là tiết kiệm, vì mình “đè” ra cắt 5% các dự án (ví dụ đáng lẽ 100% nhưng anh nào chịu được 95% thì đấu thầu) rồi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để giảm vốn đầu tư. Nếu nói tiết kiệm như vậy thì thành tích to quá, các anh nên tìm từ ngữ thế nào cho phù hợp”.

Thoạt nghe việc tiết kiệm 14.259 tỷ đồng, cử tri cả nước ai mà không mừng?

Nếu tính bình quân mỗi ngôi trường xây hết 5 tỷ đồng, thì số tiền trên đủ xây 2.850 trường học. Và nếu mỗi cây cầu qua suối trị giá 3 tỷ đồng, thì số tiền trên đủ xây 4.751 chiếc cầu, thừa sức xóa hết mọi điểm dân phải đu dây qua sông, qua suối trên cả nước.

Hoặc số tiền đó thừa sức để đầu tư làm một con đường mới, hay dăm bảy cây cầu vượt qua những con sông lớn trên các quốc lộ…

Thế nhưng khi nghe Bộ KH-ĐT nói về những việc làm cụ thể dẫn đến có số tiền “tiết kiệm” trên, thì người ta mới ngã ngửa:

Đó là do không phải sử dụng đến vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý…

Ơ hay, đã là nhà quản lý dự án, là đơn vị thi công thì phải thực hiện công việc theo đúng quy trình, quy phạm xây dựng chứ: Tiến độ thi công phải đúng hạn; thiết kế phải phù hợp; biện pháp thi công phải hợp lý.

Đó toàn là những công việc bình thường mà cơ quan quản lý dự án và đơn vị thi công bắt buộc phải làm, theo đúng quy định của pháp luật.

Còn ngược lại, thi công rùa bò, chậm tiến độ thì vật liệu, nhân công… trượt giá. Không những vậy, còn ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước, do công trình chậm được đưa vào khai thác.

Thiết kế không phù hợp, biện pháp thi công không hợp lý, thì gây lãng phí, phung phí tiền thuế của dân, là có tội với đất nước.

Ở đây chẳng có gì mới, hoàn toàn không có bóng dáng của việc cải tiến kỹ thuật hay sáng kiến, sáng tạo cả. Thế thì “tiết kiệm” ở chỗ nào?

Con số 14.259 tỷ đồng “tiết kiệm” trên còn bộc lộ một vấn đề. Đó là việc lập dự toán.

Tại sao giữa dự toán và thực tế lại có sự chênh lệch khủng khiếp như vậy, đến trên 22% (14.259 tỷ/64.000 tỷ)? Đúng như chất vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “phải rút kinh nghiệm trong lập dự án, làm sao cho nó sát”.

Thế mới biết, chỉ cần lập dự toán cho sát, và làm đúng quy định thôi, thì các dự án trên cả nước sẽ bớt đi được số tiền khổng lồ, chứ không phải chỉ có 14.259 tỷ như hai dự án trên.

Bằng chứng là chỉ trong năm 2013 và 7 tháng của năm 2014, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng mới cho rà soát 44 dự án, loại bỏ bớt những điều bất hợp lý, mà đã bớt được 40.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).