Thức ăn cho tôm có ethoxyquin là bình thường
Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Sỹ Nam, chuyên viên Phòng Quản lý giống và thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản) khẳng định, việc thức ăn cho tôm có chứa ethoxyquin là bình thường.
Cụ thể, thức ăn thủy sản có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều axit béo không no nên dễ bị oxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản. Khi bị oxy hóa, thức ăn sẽ có mùi ôi và mất đi các axit béo thiết yếu, các vitamin tan trong dầu như A, D, E, carotenoids bị phá hủy làm giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị giảm.
Do đó, việc bổ sung chất chống oxy hóa trong thức ăn thủy sản là cần thiết. Chất chống oxy hóa phải đảm bảo dễ tiêu hóa, không độc đối với vật nuôi, người tiêu dùng và có giá thành rẻ.
Phát hiện vào thập niên 1950, ethoxyquin giải quyết được bài toán này và ethoxyquin được sử dụng như một loại chống oxy hóa chất béo, chất bảo quản trong thức ăn chăn nuôi nhằm bảo vệ lipid và làm tăng tính ổn định các vitamin tan trong dầu, đặc biệt là Vitamin A và Caroten để đảm bảo chất lượng của thức ăn chăn nuôi.
Riêng với thức ăn cho tôm, tùy theo từng thị trường xuất khẩu mà có các quy định khác nhau về hàm lượng ethoxyquin trong thức ăn.
Ông Hoàng Sỹ Nam cho biết: “Hiện nay, phía Cục Thủy sản chỉ yêu cầu các công ty sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có thức ăn cho tôm phải công khai hàm lượng ethoxyquin trên bao bì”.
Điều này được lý giải là giúp người nông dân có sự lựa chọn phù hợp khi nuôi tôm do mỗi nơi lại phục vụ một thị trường xuất khẩu khác nhau. Nếu doanh nghiệp sản xuất thức ăn đã công khai thông tin này thì không có gì phải thắc mắc nữa.
Cần nhắc lại, ở Việt Nam không cấm sử dụng ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, tuy nhiên ngưỡng giới hạn cho phép của chất này trong thức ăn thủy sản là 150 ppm.
Ảnh hưởng cả ngành tôm
Thời gian qua, lợi dụng cơ hội giá tôm xuống do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường nhập khẩu giảm, có nhiều đối tượng tung tin đồn về việc nếu sử dụng thức ăn có chứa ethoxyquin thì sẽ không bán được tôm hoặc bán với giá thấp hơn 4.000 - 5.000 đồng mỗi kg.
Theo đại diện của Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GrowMax, đây là một chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ nhắm vào công ty này và một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản khác, có sử dụng ethoxyquin.
Vị này khẳng định, với ngưỡng giới hạn cho phép của ethoxyquin trong thức ăn là 150 ppm, được quy định Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/03/2020 của Bộ NN-PTNT thì các sản phẩm của GrowMax luôn được duy trì ở mức 30 ppm, tức chỉ bằng 20% so với mức trần.
“Thời gian qua, GrowMax không những khẳng định được chất lượng sản phẩm thức ăn cho tôm mà còn đồng hành, giảm giá cho bà con nông dân trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến nay, khi thấy bà con nông dân ủng hộ, thị phần của GrowMax được mở rộng thì nhiều đối thủ bắt đầu tung tin đồn nhằm hạ uy tín”, lãnh đạo GrowMax chia sẻ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện công ty cho biết sở dĩ ethoxyquin có trong thức ăn cho tôm của GrowMax là vì sử dựng bột cá của Peru, Chile, 2 quốc gia có chất lượng bột cá tốt nhất thế giới - đó cũng là cách GrowMax tạo ra chất lượng thức ăn nổi trội trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên vì khoảng cách địa lý từ Chile, Peru về Việt Nam khá xa và để đảm bảo chất lượng của bột cá các nước này nên bắt buộc phải dùng đến chất bảo quản an toàn này. Trong khi đó, nếu sử dụng bột cá của Việt Nam, Trung Quốc hay Thái Lan thì vừa có giá rẻ hơn nhiều, vừa không phải dùng đến chất bảo quản ethoxyquin, đổi lại chất lượng bột cá sẽ thấp hơn rõ rệt.
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và doanh thu trực tiếp của GrowMax, những tin đồn xuyên tạc này còn là cái cớ để thương lái ép giá khi thu mua tôm của người nông dân, điều mà lãnh đạo GrowMax nói sẽ làm ảnh hưởng đến cả ngành tôm Việt Nam.
Trước tình hình đó, lãnh đạo của GrowMax cho biết công ty đã gửi đơn tố cao đến Công an tỉnh Bạc Liêu và khẩn thiết yêu cầu cơ quan chức năng này sớm vào cuộc, xác minh thông tin và có biện pháp xử lý nghiêm minh trước pháp luật về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách xuyên tạc, bịa đặt, vu khống và tuyên truyền sai sự thật như trên để tránh ảnh hưởng gây thiệt hại quá lớn đến doanh nghiệp cũng như ngươi nuôi tôm tại Bạc Liêu, các tỉnh Miền Tây và người nuôi tôm cả nước.
Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị Sở NN-PTNT các địa phương có thể đưa lực lượng thanh tra nông nghiệp vào cuộc, xác minh và xử lý nếu có sự cạnh tranh không lành mạnh và nguy hiểm này.