Tuy nhiên, Nga có khả năng mở rộng chiến dịch phá hoại các mục tiêu của châu Âu để gia tăng áp lực lên phương Tây trong việc ủng hộ Kiev, 2 quan chức cấp cao, một nhà lập pháp và 2 trợ lý quốc hội cho biết.
Một loạt các đánh giá tình báo trong 7 tháng qua đã kết luận rằng việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa khó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Quan điểm đó không thay đổi sau khi Tổng thống Joe Biden thực sự làm điều này trong tháng 11/2024, các nguồn tin cho biết.
"Các đánh giá là nhất quán: Các tên lửa ATACMS sẽ không làm thay đổi tính toán hạt nhân của Nga", một trợ lý quốc hội cho biết, đề cập đến loại tên lửa của Mỹ có tầm bắn lên tới hơn 300km.
Việc Nga phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới hồi tuần trước được các nhà phân tích cho là một lời cảnh báo đối với Washington và các đồng minh châu Âu, nhưng không làm thay đổi quan điểm trước đó của Mỹ về vấn đề này.
Một trong năm quan chức Mỹ cho biết, mặc dù Washington đánh giá rằng Nga sẽ không tìm cách leo thang xung đột hạt nhân với mình, Moscow sẽ cố gắng chỉ "đáp trả tương xứng với những động thái leo thang của Mỹ". Quan chức này cho biết việc triển khai tên lửa siêu vượt âm mới là một phần của nỗ lực này.
Các quan chức Mỹ cho biết, thông tin tình báo mới đã giúp làm giảm mối lo rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga có thể khiến nước Mỹ gặp nguy hiểm và phải đối đầu với nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Các quan chức ban đầu phản đối động thái như vậy, do lo ngại leo thang xung đột và không chắc chắn về cách ông Putin sẽ phản ứng. Một số quan chức từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao lo ngại Nga sẽ thực hiện các cuộc tấn công gây thương vong đối với các nhân viên quân sự và nhà ngoại giao của Mỹ cũng như tấn công các đồng minh NATO.
Dù một số quan chức vẫn đang tin rằng những lo ngại về việc xung đột có thể leo thang, thậm chí thành cuộc chiến hạt nhân, đã bị thổi phồng quá mức, nhưng thừa nhận rằng tình hình chung ở Ukraine vẫn nguy hiểm và leo thang hạt nhân không phải là không thể.
"Phản ứng nước đôi của Nga là điều đáng lo ngại. Nguy cơ leo thang xung đột không lớn. Nhưng sự lo ngại thì ngày một lớn hơn", Angela Stent, Giám đốc nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, cho biết.