| Hotline: 0983.970.780

Vụ chuyển nhượng trái phép 43 ha đất công sản Khu đô thị Tân Phú:

Tỉnh Bình Dương lúng túng trong xác định tài sản công?

Thứ Ba 01/12/2020 , 19:11 (GMT+7)

Tỉnh Bình Dương tỏ ra lúng túng vì một “ý tưởng” kỳ quặc rằng khu đất 43 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú không phải là công sản. 

Sở Tài chính Bình Dương cho rằng 43 ha đất Dự án Khu Đô thị Tân Phú của Tổng công ty XNK Bình Dương không phải là đất công sản. Ảnh: ST.

Sở Tài chính Bình Dương cho rằng 43 ha đất Dự án Khu Đô thị Tân Phú của Tổng công ty XNK Bình Dương không phải là đất công sản. Ảnh: ST.

Như báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, Dự án Khu Đô thị Dịch vụ Thương mại Tân Phú rộng 43 ha của Tổng công ty XNK Bình Dương (doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) đã được chuyển nhượng bất hợp pháp vào tay tư nhân mà không qua hình thức đấu giá theo luật định.

Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án và bắt giam nhiều cán bộ lãnh đạo Tổng công ty XNK Bình Dương và đáng lẽ ra phần tài sản Nhà nước bị thất thoát cần phải được thu hồi dứt điểm. Thế nhưng không hiểu sao tỉnh Bình Dương lại tỏ ra lúng túng vì một “ý tưởng” kỳ quặc rằng khu đất 43 ha để thực hiện dự án nói trên không phải là công sản. 

Ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo số 512 yêu cầu Tổng công ty XNK Bình Dương cung cấp đầy đủ hồ sơ về nguồn vốn đền bù, hồ sơ về việc chuyển nhượng khu đất 43 ha để Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  xác định 43 ha đất này là đất công hay không phải là đất công.

Ngày 28/1/2019, Sở TN&MT Bình Dương có Báo cáo về tình hình thực hiện dự án Khu Đô thị Dịch vụ Thương mại Tân Phú trong đó có trích ý kiến của Sở Tài chính cho rằng Khu đất 43 ha có nguồn gốc hình thành từ việc Tổng Công ty 3/2 (Tổng công ty XNK Bình Dương)  đền bù cho Ban Quản lý Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Số tiền đền bù có nguồn gốc từ vốn tự có khoảng 10%, phần còn lại từ vốn vay ngân hàng và Hợp đồng hợp tác.

Theo Sở Tài chính Bình Dương thì “có thể” khu đất 43 ha nói trên không phải là tài sản công do không thuộc đối tượng phải kê khai, sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xác định này không có cơ sở pháp lý vững chắc nên Sở Tài chính không thể khẳng định khu đất 43 ha này có phải là đất công hay không.  

Do đó, Sở TN&MT Bình Dương tham mưu lãnh đạo tỉnh hỏi ý kiến Bộ Tài chính???

Tổng Công ty Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng Khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú trái quy định của pháp luật. Ảnh: ST.

Tổng Công ty Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng Khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú trái quy định của pháp luật. Ảnh: ST.

Tổng công ty Bình Dương là công ty nhà nước sở hữu 100% vốn trong thời điểm đầu tư để hình thành tài sản khu đất 43 ha. Theo giải trình của Sở Tài chính thì nguồn vốn hơn 400 tỉ đồng đền bù 567 ha đất (trong đó có khu đất 43 ha) gồm:

42 tỉ đồng vốn tự có của doanh nghiệp. Đây chắc chắn là tài sản Nhà nước.

246 tỉ đồng từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Hưng Vượng (120 tỉ đồng) và công ty Phát triển (126 tỉ đồng). Nếu xét nguồn gốc của các khoản tiền này dưới mọi góc độ: hình thành từ vốn tự có hay lợi nhuận kinh doanh của Tổng Công ty XNK Bình Dương thì phần lớn tài sản này cũng được hình thành lên từ vốn nhà nước nên không thể tách khoản tiền 246 tỉ đồng này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước.

125 tỉ đồng vay ngân hàng nếu hạch toán vào chi phí dự án thì cũng không thể tách khoản tiền nợ vay này trở thành nguồn vốn không liên quan đến sở hữu Nhà nước.

Như vậy có thể khẳng định nguồn vốn để đầu tư vào đền bù GPMB của Tổng Công ty Bình Dương là nguồn vốn Nhà nước.

Nghị định 167 quy định rất rõ các loại tài sản công gồm: Đất của doanh nghiệp đang quản lý sử dụng, trừ đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và đất khác không phải của doanh nghiệp. 

Rõ ràng nếu Tổng Công ty Bình Dương không tự ý chuyển nhượng Khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú trái quy định của pháp luật thì Khu đất 43 ha này vẫn chính là tài sản công do Tổng Công ty Bình Dương “quản lý, sử dụng” theo đúng như quy định tại Nghị định 167.

Có thể thấy việc các Sở, Ban, ngành của tỉnh Bình Dương không đủ năng lực để xác định nổi đâu là tài sản Nhà nước hay tài sản của doanh nghiệp tư nhân thật là vô cùng hy hữu!. 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.