| Hotline: 0983.970.780

Tinh bột nghệ OCOP ở Vĩnh Phúc

Thứ Hai 03/08/2020 , 09:00 (GMT+7)

Sau 4 năm đầu tư chế biến, tinh bột nghệ của Cty Cổ phần Nghệ và trà xanh Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Sản phẩm tinh bột nghệ của Cty Cổ phần Nghệ và trà xanh Tam Đảo được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Hồ.

Sản phẩm tinh bột nghệ của Cty Cổ phần Nghệ và trà xanh Tam Đảo được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Hồ.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài nguyên và Môi trường, nhận thấy Tam Đảo có vùng nguyên liệu nghệ vô cùng rộng lớn, khí hậu mát mẻ, chị Trần Thị Ngọc Hân (xã Hợp Phố, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thành lập Cty chế biến tinh bột nghệ mang thương hiệu Tam Đảo.

Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, chị Hân hùn vốn đầu tư 200 triệu đồng mua máy móc thiết bị sản xuất tinh bột nghệ. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chị ngày ngày lặn lội xuống các Cty chế biến nghệ Hưng Yên, đêm lại lên mạng tìm tòi cách chế biến tinh bột nghệ.

Đến nay, các sản phẩm chủ yếu của Cty như: viên tinh bột nghệ mật ong, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen…được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến và ưa chuộng.

Theo chị Trần Thị Ngọc Hân, cây nghệ nơi đây cho năng suất cao, ít sâu bệnh và hàm lượng Curcumin cao, hương vị thơm ngon và cho kinh tế cao hơn cây lúa. Người dân ở đây thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn một phần từ cây nghệ.

Các sản phẩm tinh bột nghệ của Cty với những tác dụng như: Làm đẹp da, tăng cường sức đề kháng, bổ máu, bảo vệ tế bào gan và đặc biệt có khả năng tác động lên tế bào ung thư, có tác dụng phòng và hỗ trợ đặc biệt trong việc điều trị ung thư nên được rất nhiều người sử dụng.

Chị Hân chia sẻ: “Các sản phẩm chế biến từ nghệ nếp Tam Đảo của Cty chất lượng tốt hơn, hương vị thơm ngon hơn so với các cơ sở chế biến từ nghệ rừng. Sản phẩm Cty đều được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có tem, nhãn, có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Cty được chứng nhận OCOP 3 sao, một trong 18 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc”.

Ban đầu, Cty chị Hân chỉ có 4ha nghệ, nay vùng nguyên liệu lên đến 7ha nghệ trồng trên đồi và gần 1ha trồng dưới ruộng.

Sản phẩm nghệ của Cty được chế biến từ 100% từ nghệ tươi nguyên chất, cứ 20kg nghệ tươi mới cho ra được 1kg tinh bột nghệ. Để phục vụ sản xuất có hiệ quả, Cty đầu tư nhiều máy móc hiện đại để phục vụ cho sản xuất như: Máy rửa, máy nghiền liên hoàn, máy nghiền bột mịn.

Quy trình sản xuất từng công đoạn, từ khâu phân loại chủ yếu bằng máy móc: như nghệ nghiền, tách bã, lọc sạch, đưa tinh bột vào máy sấy khô rồi cuối cùng là đưa vào máy nghiền mịn để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng nguyên liệu chị đầu tư thêm 1 nhà sấy và 3 lò sấy khô để phục vụ cho sản xuất.

Sản phẩm tinh bột nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tam Đảo. Ảnh: Trần Hồ.

Sản phẩm tinh bột nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tam Đảo. Ảnh: Trần Hồ.

Mỗi năm, Cty chị Hân chế biến hàng chục tấn củ nghệ tươi và xuất ra ra thị trường từ 2 - 3 tấn tinh bột nghệ.

Các sản phẩm tinh bột nghệ của Cty có giá 250.000 đồng/hộp, viên tinh bột nghệ mật ong có 275.000 đồng/hộp. Sau khi trừ mọi chi phí, chị Hân thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Cty của chị còn tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với lương từ 6 – 9 triệu đồng/tháng.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm Cty đang liên kết với người dân trong xã, cung cấp giống, tư vấn cho bà con nông dân quy trình trồng và chăm sóc cây nghệ, bao tiêu đầu ra do đó các sản phẩm luôn đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nghệ nguyên liệu lên khoảng 10ha. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt nhất, giữ nguyên được hoạt chất cucumin – hoạt chất có khả năng giải độc, bảo vệ gan, loại bỏ cholesterol, điều hòa huyết áp, hạ mỡ máu…”, chị Hân nhấn mạnh

Sản phẩm của Cty đều được thiết kế riêng bao bì, mẫu mã để tạo điểm nhấn cho thương hiệu tinh bột nghệ Tam Đảo. Hiện các sản phẩm có mặt tại các nhà phân phối các tỉnh miển Bắc, thời gian tới sẽ đưa vào các siêu thị tại Thái Nguyên và các điểm dừng chân tại các điểm du dịch Tam Đảo.

Ngoài sản xuất tinh bột nghệ, từ năm 2017 đến nay, Cty còn sản xuất bột mầm đậu nành, bột ngũ cốc dinh dưỡng, bột sắn dây, trà gạo lứt, trà hoa quả... đều khẳng định được thương hiệu.

Ông Lê Hoàng Vĩnh, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Đảo cho biết: “Tam Đảo có 7 sản phẩm của 3 chủ thể đều đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, vấn đề thị trường đầu ra vẫn gặp khó, dù huyện có những gian hàng giới thiệu tại các điểm du lịch Tam Đảo nhưng những sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận đông đảo đến khách hàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao giá trị sản phẩm lên hạng sao cao hơn và xây dựng, phát triển các loại sản phẩm mới ở các địa phương”.

Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí OCOP ban hành ngày 21/08/2019 là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.

Các sản phẩm tham gia OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần: Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng; Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm; Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương; Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.                                                                                                                                               

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.