| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh có vườn cây lớn thứ hai ở ĐBSCL lo vấn đề an toàn thực phẩm

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:31 (GMT+7)

VĨNH LONG Mỗi năm, các quốc gia nhập khẩu đưa ra hàng ngàn quy định ngày càng khó hơn, doanh nghiệp cần cập nhật kịp thời để bắt nhịp thị trường.

Đến nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long đã đạt trên 70.000ha. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long đã đạt trên 70.000ha. Ảnh: Minh Đảm.

Ngày 14/11, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long về công tác sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2023-2024 và kế hoạch vụ hè thu 2024.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long: So với cùng kỳ năm ngoái, đến nay diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt trên 70.147 ha tăng 2,6%, (cao thứ 2 ở ĐBSCL sau tỉnh Tiền Giang). Trong đó, ước diện tích đang cho trái đạt gần 56.584 ha, sản lượng trên 1.488 nghìn tấn (tăng 1,7%). Các loại cây trồng có diện tích lớn như cam sành, dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng.

Diện tích cây lâu năm tăng là do chuyển dịch từ đất trồng lúa sang, trong đó phong trào trồng cam sành trên đất ruộng phát triển khá mạnh, kế đến là cây sầu riêng, dừa, mít, ổi đang có tốc độ tăng khá. Năm 2023, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đạt 2.123ha, bao gồm cam sành 980ha, bưởi 46ha, dừa 240ha, sầu riêng 116ha, mít 580ha, cây khác 199ha.

Nhìn chung, hoạt động trồng cây lâu năm trên địa bàn toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển cao về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa rất phù hợp với nhu cầu thực tế.

Vấn đề an toàn thực phẩm phải được đặt lên trên hàng đầu để nông sản vượt rào xuất ngoại. Ảnh: Minh Đảm.

Vấn đề an toàn thực phẩm phải được đặt lên trên hàng đầu để nông sản vượt rào xuất ngoại. Ảnh: Minh Đảm.

Qua báo cáo của đơn vị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đánh giá: Nhìn lại các giống cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu không của tỉnh không nhiều, chẳng hạn như: nhãn, sầu riêng, mít, chôm chôm. Đáng quan tâm là cam sành diện tích gần 18.000ha, đây là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng chưa xuất khẩu được. Xu hướng tới việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn nếu như địa phương không có những định hướng, kế hoạch cụ thể.

"Một giống có tốt đi chăng nữa nhưng vấn đề an toàn thực phẩm không vượt qua hàng rào kỹ thuật các quốc gia nhập khẩu thì không thể gia nhập thị trường. Hàng rào kỹ thuật các quốc gia đang đặt ra mỗi ngày”, ông Lê Thanh Tùng nói.

Trên cơ sở đề án phát triển chung cho các ngành hàng trái cây cả nước của Bộ NN-PTNT, ông Lê Thành Tùng góp ý: Đối với các loại cây trồng có sẵn tỉnh có thể nâng cao giá trị bằng cách thay đổi phương thức canh tác, tiêu chuẩn. Nhiều vườn cây bà con trồng xen, chưa chuyên canh hoặc đã già cỗi, giống cũ năng suất, phẩm cấp kém nên được cải tạo lại bằng trồng mới hoặc ghép cải tạo.

Riêng rau màu, ông Tùng nhận xét địa phương đã có những loại cây trồng mang thương hiệu và đã có những chương trình để nâng cao chất lượng đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Bối cảnh thị trường thế giới hiện nay, các quốc gia đặt ra nhiều hàng rào về kỹ thuật, thuế quan và các yếu tố khác đòi hỏi người sản xuất cần phải đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng để định hướng sản xuất cho thị trường trong bối cảnh như thế này quả thật khó. Tuy nhiên để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nhà vườn cần nắm chắc và tìm các giải pháp giảm giá thành, đây là điều hoàn toàn có thể làm được.

“Khi giảm giá thành, dù thị trường biến động xấu, giá cả ở mức thấp hoặc gặp phải sự cố gì đi chăng nữa cũng đỡ thiệt hại cho bà con”, ông Lê Thanh Tùng góp ý.

Định hướng phát triển cây chủ lực và tiềm năng của tỉnh Vĩnh Long 

Ngày 10/7/2023, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1607 về ban hành kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh 178.900 ha, sản lượng 2.674.690 tấn/năm.

Trong đó, diện tích gieo trồng nhóm cây chủ lực 135.500 ha (cây lúa, khoai lang, cây có múi: bưởi năm roi, bưởi da xanh, cam sành), với sản lượng 2.112.700 tấn/năm. Diện tích nhóm cây tiềm năng 43.400 ha (cây xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa và cây ăn trái khác) với sản lượng 659.490 tấn/năm.

Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30%. Tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 70-80%. Tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương 25%. Diện tích được áp dụng hệ thống tưới tiên tiến đạt từ 20-30%.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá hơn 7.000m² đất tại quận Long Biên

Hà Nội giao 9.989,5m² đất tại phường Thượng Thanh cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng, đấu giá và xây đường giao thông.