| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh đoàn Hà Nam bỏ rơi 'đứa con' Liêm Túc

Thứ Ba 17/11/2020 , 09:08 (GMT+7)

Sau cuộc ký kết rất hoành tráng, phối hợp thực hiện được một thời gian thì Tỉnh đoàn Hà Nam bỗng ngãng ra, để mặc xã nghèo Liêm Túc với những mục tiêu dang dở…

Ông Kỹ đẩy xe chở lúa chét về cho trâu ăn trên thửa ruộng từng trồng rau sạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kỹ đẩy xe chở lúa chét về cho trâu ăn trên thửa ruộng từng trồng rau sạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời thanh niên sôi nổi

Ông Vũ Văn Kỹ người ở thôn Vĩ Khách Cầu buồn rầu ngưng tay liềm cắt đám lúa chét mọc tái sinh về cho trâu ăn khi có người bỗng hỏi về chuyện HTX thanh niên hồi nào.

Ngày đó chẳng xa xôi gì, 26/11/2015, Tỉnh đoàn Hà Nam phối hợp với UBND huyện Thanh Liêm tổ chức “Chương trình ký kết phối hợp tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới” tại xã Liêm Túc với trọng tâm là huy động thanh niên nhập cuộc. Dự và chỉ đạo còn có cả đại diện Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Tỉnh đoàn, các lãnh đạo cơ sở.

Liêm Túc từ đó trở thành “đứa con” của Tỉnh đoàn Hà Nam với mục tiêu trở thành xã nông thôn mới phát triển toàn diện trước năm 2020 thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và chuyên nghiệp hóa nông dân.

Hàng loạt nội dung phối hợp được vạch ra gồm: Tham gia hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phấn đấu trong giai đoạn 2015-2020 về đích nông thôn mới; Xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người dân.

Bảo tồn các di tích lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường; Hỗ trợ trang thiết bị y tế cho trạm y tế… Trong tương lai gần, trở thành một xã giàu có, sạch đẹp, đáng sống và an toàn đến mức ban đêm dân có thể mở cửa đi ngủ.

Ông Kỹ lúc đó ngoại trung niên nhưng vẫn hăng hái như trai trẻ khi thằng cháu rủ vào HTX Thanh niên Liễu Đôi.

Được tặng 2 máy làm đất mini trị giá cỡ trên 10 triệu đồng/cái, được hứa bao tiêu sản phẩm, các thành viên lại càng phấn khởi mở rộng diện tích. Riêng ông đã chuyển 1 mẫu ruộng sang trồng rau, đầu tư nhà tạm, khoan giếng, lắp hệ thống tưới.

Hàng tuần 2 lần ông gửi rau lên Tỉnh đoàn Hà Nam cho các cán bộ ở đây đặt mua, đồng thời gửi đến 2 cửa hàng trên thành phố cũng do Tỉnh đoàn giới thiệu.

Ông Kỹ đang cắt lúa chét. Ảnh: NNVN.

Ông Kỹ đang cắt lúa chét. Ảnh: NNVN.

“Trồng rau không có tháng ba, ngày tám như lúa nhưng bù lại thu nhập khá hơn. Lãnh đạo xã rất quan tâm, thường xuyên xuống thăm hỏi. Ban đầu Tỉnh đoàn cũng nhiệt tình hay đến động viên, về sau ít đến, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phải đem bán ngoài chợ. Cặm cụi làm nhưng thu không đủ bù chi nên duy trì được một thời gian đầu năm 2019 tôi trở lại trồng lúa”...

Ông Kỹ vừa nói vừa dẫn tôi vào kho xem đống dây dẫn của hệ thống tưới phủ đầy bụi rồi lại dẫn ra xem những chiếc cọc bê tông quanh trại chơ vơ giữa trời. Đầu tư trên 40 triệu nhưng sau 2 năm làm rau sạch ông lỗ không chỉ toàn bộ vốn mà còn lỗ cả niềm tin.  

Tôi gọi điện cho Giám đốc HTX Nguyễn Văn Giáp nhưng bên kia đầu dây anh bảo mình đang ở đảo Phú Quốc làm thợ mộc chẳng biết bao giờ về: “Chúng tôi có 8 xã viên tất cả, ai cũng muốn làm ra thực phẩm sạch cho quê nhà nên không quản ngại việc cải tạo đất, ủ phân bò để trồng rau nhưng khi bị Tỉnh đoàn cắt, không tiêu thụ sản phẩm cho, tìm đến một số cửa hàng nhờ thì họ trả giá thấp quá.

Mất nhiều công sức mà không có thu, xã viên bỏ cuộc trước rồi đến Phó Giám đốc, Giám đốc bỏ cuộc sau. Như tôi đầu tư 1,3 ha mất 500 triệu đồng, giờ thiết bị máy móc đã chuyển cho đứa cháu làm cho đỡ tiếc…”.

Đống vật tư của ông Kỹ đã bỏ xó đã lâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đống vật tư của ông Kỹ đã bỏ xó đã lâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thanh niên duy nhất trong làng mê nghề nông

Đứa cháu ấy chính là Hàn Xuân Tùng - thanh niên duy nhất trong thôn Tân Tín Vọng còn mê nghề nông. Vốn vợ chồng anh đều học Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ra trường đi làm thuê vài năm rồi trở về quê mơ làm nông sản sạch. 3-4 tháng nay họ thuê 2 mẫu đất ven sông cải tạo lại để trồng dưa, trồng đỗ.

Giá thuê 150.000đ/sào nhưng thời hạn chỉ 1 năm nên họ không thể yên tâm đầu tư, ngoài ra còn nỗi lo thiếu vốn, nông sản sạch phải bán với giá nông sản bẩn: “Giờ chúng em mỗi buổi hái 20-25 kg đỗ đã hoa hết cả mắt, cũng chỉ bán quanh xã còn vào siêu thị, cửa hàng họ đòi hỏi ít nhất cũng cả tạ trong khi đó mở rộng ra thì không biết cách nào có thể tập trung đất đai”.

Hết trồng trọt lại đến chăn nuôi. Anh Lại Văn Đoàn - xã viên của HTX Thanh niên Liễu Đôi có mô hình chăn nuôi cá lúa vịt rộng 6 mẫu ca thán: “Lúc đầu họ bảo vào sẽ được hỗ trợ, bao tiêu đầu ra nên tôi mới đồng ý nhưng sau chẳng được gì đã đành mà những sản phẩm làm ra đều không được bao tiêu như đã hứa”. Tôi đến trại thỏ của Nguyễn Văn Phong thì được bố anh cho biết con mình đã bỏ đi làm công nhân từ lâu.

Tùng là thanh niên duy nhất trong thôn còn mê nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tùng là thanh niên duy nhất trong thôn còn mê nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây Phong làm Bí thư chi đoàn thôn, các đoàn viên đi vắng hết nên công tác đoàn cả năm chỉ sôi động mỗi dịp chuẩn bị Tết trung thu cho các cháu.

Khi nghe tuyên truyền về chuyện thanh niên làm mô hình nuôi thỏ sẽ được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm anh đã đầu tư 60 triệu xây chuồng và 40 triệu mua giống: “Vợ chồng nó mới ra ở riêng, nuôi hai đứa con nhỏ lấy tiền đâu mà nuôi thỏ nên vay của bố mẹ hết. Mô hình làm chẳng được hỗ trợ đầu vào và đầu ra như đã hứa mà đến kỹ thuật cũng chẳng có ai hướng dẫn.

Người ta bảo trồng cỏ voi để cho thỏ ăn nhưng trồng xong chúng chẳng buồn ăn mà chỉ thích mỗi cỏ xuyến chi, lá sắn dây, rau lang, rau muống.

Mùa hè, có buổi trưa, thấy thỏ kêu eng éc như lợn vào trại thấy chết la liệt, nhặt con này lên con khác lại lăn ra, mất đến hơn 2 tạ. Về sau chúng tôi mới biết thỏ chết do nóng nên phải tưới nước lên mái, mua quạt về thổi liên tục. Mùa đông, thấy thỏ bị rét chúng tôi lấy bếp than tổ ong ra sưởi khiến chúng bị ho, viêm phổi lại chết tiếp.

Trại thỏ bỏ hoang của Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trại thỏ bỏ hoang của Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mầy mò mãi mới tạm ổn về kỹ thuật thì lại bí đầu ra, phải mang sang tận tỉnh Thái Bình để bán lẻ từng con. Thế mà báo đài về đưa tin lại bảo thằng con tôi nuôi thỏ lãi mỗi tháng mấy chục triệu khiến cả làng đồn ầm lên trong khi tổng thu chỉ được có vài triệu.

Nuôi được một thời gian, vất vả và bực dọc nên thằng Phong không buồn đi cắt cỏ nữa khiến tôi phải lên tận Phủ Lý, đi dọc đường tàu để tìm cây xuyến chi. Người ta đã đánh trống rồi bỏ dùi khiến cuối cùng chúng tôi phải phá đàn, cả tiền cám vẫn còn nợ chưa trả được”.

Tắt lặng tiếng kẻng học bài

Đó là mô hình HTX thanh niên còn hàng loạt mô hình khác cũng dở dang hoặc chưa bao giờ được triển khai như: Tiếng kẻng học bài vào buổi tối để nhắc nhở học sinh; Thầy cô đến thăm nhà giúp học sinh yếu ôn bài buổi tối;

Khu dân cư không phát sinh tệ nạn xã hội, giữ bản sắc văn hóa, vệ sinh môi trường; Cùng nông dân thoát nghèo, hỗ trợ vốn giúp sản xuất, tăng thu nhập; Xây dựng thí điểm khu nông nghiệp công nghệ cao; Cánh đồng hữu cơ, ban đầu làm điểm trình diễn rộng 1,5 ha từ đó nhân rộng cho toàn xã…

Lê Văn Thuyết - Bí thư đoàn xã Liêm Túc kể: Xã vốn nghèo nhất huyện nên hồi đó Tỉnh đoàn Hà Nam muốn xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội, thời gian phối hợp từ năm 2015-2020. Sau ký kết năm 2015 đoàn thanh niên xã được giao nhiệm vụ thực hiện, tích cực xây dựng một số mô hình như trồng rau sạch, nuôi thỏ…

Năm 2016 HTX Thanh niên Liễu Đôi thành lập, được xã quan tâm, quy hoạch cho một diện tích gọn vùng, gọn thửa. Về những mô hình khác như tiếng kẻng học bài thực hiện được 2 năm thấy không hiệu quả thì bỏ bởi đánh ở nhà ông chi hội trưởng khuyến học chỉ ở gần nghe thấy, xa rất khó nghe. Như xây dựng thương hiệu rượu Liễu Đôi, xã không sử dụng thuốc trừ sâu, du lịch trải nghiệm… chưa thực hiện được.

Lê Văn Thuyết - Bí thư đoàn xã Liêm Túc: Sang năm 2018, Tỉnh đoàn bỗng dưng giãn hết mô hình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Lê Văn Thuyết - Bí thư đoàn xã Liêm Túc: Sang năm 2018, Tỉnh đoàn bỗng dưng giãn hết mô hình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Thực hiện được hết năm 2017, sang năm 2018 các mô hình giãn ra dần, sự phối hợp gần như không còn. Báo cáo lên Huyện đoàn thì họ bảo đó là mô hình của Tỉnh đoàn, báo cáo lên Tỉnh đoàn thì họ không đề cập gì.

Ngày 26/3 năm 2018, Tỉnh đoàn về khởi công con đường thanh niên dài 850 m chạy qua trường để học sinh đi lại an toàn, hỗ trợ để mua cọc tre, đổ đất hai bên lề, nói là 50 triệu đồng nhưng thực hiện mới chỉ được 25 triệu.

Con đường dang dở đó về sau UBND xã phải xin dự án để hoàn thiện tiếp.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm