| Hotline: 0983.970.780

Tình duyên của tác giả 'em ơi Hà Nội phố'

Thứ Bảy 09/06/2018 , 08:01 (GMT+7)

Nhà thơ Phan Vũ năm nay đã 92 tuổi, nhưng vẫn còn ung dung rảo bước qua phố xá mỗi ngày. Ông là một người ham chơi, thích xê dịch nhưng cũng nổi tiếng tài hoa và đào hoa.

08-03-27_nh_tho_phn_vu
Phan Vũ là tác giả “Em ơi, Hà Nội phố”

Trong lĩnh vực sân khấu, Phan Vũ đã viết những kịch bản xôn xao một thời như “Lửa cháy lên rồi” hoặc “Dòng sông âm vang”. Trong lĩnh vực điện ảnh, Phan Vũ từng đạo diễn các bộ phim “Bí mật thành phố cấm” hoặc “Như một huyền thoại”. Trong lĩnh vực thi ca, Phan Vũ được biết đến với tư cách tác giả lời thơ phổ nhạc “Em ơi, Hà Nội phố”. Còn trong lĩnh vực yêu đương, Phan Vũ có hai cuộc hôn nhân được nhiều người nắc nỏm truyền tụng.

Nhắc đến Phan Vũ là phải nhắc bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” viết sau trận bom B52 rải xuống mảnh đất ngàn năm văn hiến cuối năm 1972. Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” gồm 23 đoạn thơ. Mỗi đoạn thơ đều được trợ hứng bằng câu chủ chốt “Em ơi, Hà Nội phố”, trừ đoạn thơ thứ 13 và đoạn thơ thứ 20. Đoạn thơ thứ 13 được đặt tên “Riêng về một chuyến đi” phản ánh một không khí cách mạng: “Con tàu chở những người lính. Về phía Nam vào trận đánh. Chở theo những căn phố, những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ? Với những vết môi hôn”.

Đoạn thơ thứ 20 được đặt tên “Riêng về một tháng Chạp” trình bày nỗi tang thương chiến tranh hủy diệt: “Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/Đã có tên/Trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn sô/ Khói hương dài theo phố…”.

Nếu bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” chỉ do chính Phan Vũ đi đọc trọn vẹn 443 câu cho bạn bè thưởng thức giữa những cuộc tụ bạ nghiêng ngả thì có lẽ tính phổ biến của “Em ơi, Hà Nội phố” không được như hôm nay. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang đã lẩy ra vài câu trong các đoạn thơ thứ 1, 2, 3, 7, 10, 20, 21 và 23 để phổ thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố”. Phải thừa nhận, nhạc sĩ Phú Quang đã tinh tường chọn được những câu tiêu biểu nhất và có sự chau chuốt thêm để ca từ mềm mại theo giai điệu.

Ngoài tình yêu dành cho Hà Nội, thi sĩ Phan Vũ còn tận tụy làm thơ cho hai người phụ nữ ơn nghĩa phu thê với ông: Phi Nga và Diễm Chi.

Từ năm 22 tuổi đã nổi tiếng với vai Hoài trong bộ phim “Chung một dòng sông”, diễn viên Phi Nga tiếp tục tỏa sáng qua các bộ phim “Vật kỷ niệm”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Rừng O Thắm”, “Vợ chồng anh Lực”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… Sau khi đám cưới với thi sĩ Phan Vũ được 2 năm và sinh cho ông 2 người con, thì diễn viên Phi Nga phải rời khỏi màn ảnh vì căn bệnh tim bẩm sinh. Rồi một lần tai biến đã khiến diễn viên Phi Nga phải nằm một chỗ. Thi sĩ Phan Vũ đã chu đáo và ân cần chăm sóc người vợ đau ốm suốt 20 năm, cho đến khi bà qua đời ở tuổi 49.

Phan Vũ nói về Phi Nga: "Cô ấy là mẫu người của gia đình, hết mức chăm lo cho chồng con chứ không phải mẫu phụ nữ có thể ra ngoài xã hội để lập nên kỳ tích. Phi Nga sống theo lý tưởng cô ấy tôn thờ trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển…!”

Ngày vợ mất, thi sĩ Phan Vũ viết bài thơ “Đã có lần anh nói thương em” với đề từ “Gửi theo hương hồn Phi Nga” nhiều day dứt: Câu nói buồn hơn tiếng khóc/ Nước mắt vẫn là chút trống không/ Hòn đá nhỏ lăn vào vô định/ Lời chì chiết tội tình/ Giữ lại mãi trong anh”.

Một thập niên sau, thi sĩ Phan Vũ viết bài “Tháng vỡ” vào năm 1995 với đề từ “Lại gửi theo Phi Nga” vẫn đầy bịn rịn hình bóng cũ: “Tờ lịch chia thành từng tháng vỡ/ Vô nghĩa ngày xuân hay tháng hạ”.

08-03-27_phi_ng_do_phn_vu_ve
Chân dung Phi Nga do Phan Vũ vẽ!

Đến năm 2000, thi sĩ Phan Vũ có thêm bài “Tưởng như” với đề từ “Gửi theo Phi Nga” chất chứa hoài niệm: “Tưởng như em vẫn nằm trên đệm cỏ/ Căn phòng ghi dấu giấc mơ xưa/ Những mùa thu cây bàng đổ lá/ Vàng khung cửa sổ/ Anh sống hôm nay nửa ảo nửa đời/ Chiêm bao ban ngày đôi mắt mở…”.

Còn người vợ thứ hai Diễm Chi, lại mang đến cho thi sĩ Phan Vũ một thiên tình sử đáng trầm trồ. Từ vai trò một đồng nghiệp với cô con gái Việt Nga của thi sĩ Phan Vũ, nhà báo Diễm Chi đã gặp gỡ và phỏng vấn tác giả “Em ơi, Hà Nội phố”, để rồi nảy nở duyên nợ ba sinh.

Phan Vũ chia sẻ: “Chính vợ tôi ngày xưa đã từng hỏi tôi vì sao nhiều tuổi mà chỉ thích đánh đu với những người trẻ. Tôi trả lời rằng, tôi cũng gặp một vài người đáng lẽ tôi phải gặp nhưng những người đó thấy tôi không đúng với tuổi của họ. Tôi cũng cảm thấy câu chuyện không mặn mà. Những người trẻ nói chuyện hợp hơn với tôi về mặt tâm hồn!”

Năm 1998, thi sĩ Phan Vũ viết ba bài thơ có chung một cách đề từ “Của Diễm Chi”. Đó là bài thơ “Sự chồi sinh của nỗi nhớ” ngỡ ngàng hạnh phúc: “Em ra đi không khép cửa/ Cơn gió lạc vào căn phòng trống/ Mây mù báo hiệu mưa khuya/ Anh nhặt cánh hoa khô trên nền ẩm/ Sự khao khát cồn cào nổi lên trong nín lặng/ Từ lâu cái hũ nút chặt/ Cho những mầm xanh khờ khạo lên men/ Như một kho tàng chôn dưới đáy sâu ngôi cổ mộ”. Đó là bài thơ “Đợi một mùa sau” náo nức điềm lành: “Thời tiết yêu chợt mưa chợt nắng/ Phần riêng em một trận gió cuồng/ Lặng lẽ em vào khu rừng cấm/ Khai quật nỗi niềm/ Bới tìm lõi đá/ Nào ngờ tình yêu chỉ là mảnh vá/ Ngày ngày đắp đổi cơn đau”. Và đó là “Chân dung em” nâng niu đồng hành: “Ta vẽ em/ Ngơ ngơ đối mắt dại/ Mê man đón đợi cuộc tình đầy”. Năm 1999, thi sĩ Phan Vũ và nhà báo Diễm Chi tổ chức đám cưới, khi chàng 73 tuổi và nàng 37 tuổi. Và họ sống bên nhau êm đềm đến hôm nay!

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.