Các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, người dân tỉnh Quảng Nam đã không ít lần hứng chịu nhưng trận lũ, động đất ập đến. Nhiều cơn lũ thủy điện khiến người chết, cuốn trôi và người dân chạy toán loạn thoát thân.
Nhà trôi, người chết
Tháng 9 vừa qua, sự cố vỡ cống dẫn dòng đập thủy điện Sông Bung 2, xã Zuôi, huyện Nam Giang khiến 28 triệu m3 nước đổ xuống hạ du. Nước lũ cuốn trôi 2 công nhân đang thi công công trình mất tích, một người đã tìm thấy thi thể sau đó ít ngày, 1 người đến nay chưa có tung tích.
Ngoài ra, nước lũ đổ về chẳng khác gì cơn “sóng thần” ập vào ngôi làng Pà Ooi, xã La Ê, huyện Nam Giang nằm gần chân đập thủy điện Sông Bung 2, người dân la hét tháo chạy lên núi thoát thân. Hậu quả lũ cuốn trôi 2 ngôi nhà chỉ còn lại bãi đất trắng, 1 ngôi nhà hư hỏng nặng, vậy mà tiền đền bù chưa về đến tay bà con.
Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, nước cuốn 2 công nhân mất tích, một người được tìm thấy, hiện 1 người chưa có tung tích
Sự cố khiến hàng người dân xã Đại Sơn, Đại Lãnh, huyện Đại Lộc nằm bên sông Vu Gia tháo chạy lên núi trú tránh. Nguyên nhân là do những trận lũ thủy điện trước đó ập tới, cộng thêm việc các hộ dân của xã đang làm ăn dưới chân đập thủy điện Sông Bung 2 điện về báo “vỡ đập” nên hàng trăm hộ dân 2 xã này chủ động trước khi lũ ập đến.
Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, kể lại, hôm đó, nghe tin “vỡ đập” khiến cả xã hoảng loạn. Chỉ vài phút sau, thông tin nhanh chóng lan truyền, trong khi nước sông Vu Gia sau mấy ngày mưa đang lên khiến người dân trong xã hoang mang. Toàn xã với 550 hộ, hơn 2.100 người của 7 thôn tự động thu gom đồ đạc tìm lên đồi cao lánh nạn. Chính quyền địa phương cũng không biết thực hư ra sao để trấn an người dân. Ngoài xã Đại Sơn, hôm đó xã Đại Lãnh cũng có 100 hộ dân vùng thấp trũng bỏ chạy lên núi khi nghe tin “vỡ đập”.
Ngôi nhà của anh A Lăng Danh, làng Pà Ooi, xã La Ê, huyện Nam Giang chỉ còn lại bãi đất trống và rác thải lấp đầy sau sự cố vỡ cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2
“Còn nhớ năm 2009, khi thủy điện A Vương xả lũ đột ngột, cộng với mưa lớn khiến nhiều xã ở hạ du vùng Đại Lộc bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tiếp đến, năm 2013 thủy điện Đắk Mi xả lũ gây xói lở đất, cuốn trôi nhiều tài sản của dân… nên thông tin “vỡ đập” dù chưa biết chính xác đến đâu cũng làm cho người dân khu vực này lo lắng”, ông Vinh tâm sự.
Trước mùa mưa lũ năm nay, tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Tại đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ UBND tỉnh Quảng Nam thốt lên rằng: “Sự cố trên là bài học xương máu. Sự cố xảy ra ngay khi các hồ phía dưới còn dung tích để chứa, nếu sự cố xảy ra khi các hồ đó đã chứa tương đối nhiều thì vấn đề sẽ phức tạp và hậu quả không biết đến mức nào”.
Một nhà máy thủy điện xả lũ
Cũng liên quan đến thủy điện, cái tên đập thủy điện Sông Tranh 2 được nhắc đến nhiều nhất ở Quảng Nam trong những năm qua. Năm 2012, động đất xảy ra liên tục, thân đập rò rỉ nước khiến hàng ngàn người dân Bắc Trà My đứng ngồi không yên. Việc rò rỉ nước được chủ đầu tư khắc phục, nhưng động đất thì liên tiếp tái diễn. Nhiều nhà cửa người dân xã Trà Đốc, gần chân đập thủy điện nứt toác, có nhiều hộ dân được hỗ trợ xây nhà tái định cư nhưng họ chẳng mặn mà, chỉ làm căn nhà gỗ để sinh sống. Bởi, người dân có chung một ý nghĩ, nếu động đất lớn, họ chẳng còn đường sống sót.
Tường nhà ông Phạm Văn Xuân (thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) nứt toác do động đất liên tiếp gây ra
Việc động đất không dừng lại ở huyện Bắc Trà My, mà đã lan sang Phước Sơn, Tây Giang… nơi có nhiều nhà máy thủy điện đưa vào hoạt động. Có ngày ở Quảng Nam ghi nhận 2 trận động đất, mà nguyên nhân có đâu xa, do thủy điện tích nước mà ra. Cũng vì thế mà cảnh người dân không ít lần tháo chạy trong đêm là điều dễ hiểu.
Mất nhiều, được ít
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn huyện có 6 nhà máy thủy điện, gồm: Sông Bung 6, Sông Bung 5, Sông Bung 4A, Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đắc Pring, trong đó đã có 4 thủy điện đã hoạt động. Thủy điện đã lấy đi hàng ngàn héc-ta rừng, đất sản xuất của người dân trên địa bàn huyện.
Đập thủy điện Sông Tranh 2 đưa vào hoạt động, hết rò rỉ nước, lại liên tục động đất
Tôi hỏi: Thủy điện đem lại gì cho huyện? Ông Mai đáp: Thủy điện đầu tư cở sơ hạ tầng cho người dân cũng nhiều lắm. Cái này bà con được hưởng. Ngoài ra, huyện hưởng tiền thu tài nguyên nước và các khoản thu khác, mỗi năm nhận khoảng 10 tỷ đồng.
Theo ông Mai, Nam Giang là địa phương có nhiều thủy điện nhưng việc giám sát hoạt động của các thủy điện này ở cấp huyện phần nào cũng còn những hạn chế, do vậy để đảm bảo an toàn các hồ chức thủy điện, các ngành chức năng của tỉnh, của trung ương cần tăng cường giám sát, đặc biệt trong mùa mưa lũ để tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua.
Cách đây 4 năm về trước, sự cố thân đập thủy điện sông Tranh 2 rò rỉ nước, động đất liên tục, trong cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, lúc ấy Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phát biểu, thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì đoàn này, đoàn nọ vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, trong khi động đất thì càng ngày càng mạnh, tần suất dày đặc. “Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương thay vì tiếp đón các đoàn”, ông Tuấn khẳng định.
Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là con sông lớn thứ 9 của Việt Nam. Vùng thượng nguồn có địa hình dốc từ Tây sang Đông, nhiều ghềnh thác, lại nằm ở khu vực có lượng mưa lớn, vì vậy được đánh giá có tiềm năng nguồn thủy điện đứng 4 toàn quốc. Với 42 thủy điện được phê duyệt có tổng công suất 1.606 MW, điện lượng bình quân hàng năm 6.199 triệu Kwh. 10 dự án được Bộ Công thương phê duyệt và 32 dự án vừa và nhỏ do tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trước đây do nóng vội trong quy hoạch nên đã có những hạn chế trong khâu thẩm tra, cấp phép. Để khắc phục những hạn chế trên, sắp tới UBND tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện và sẽ không cấp mới. |