| Hotline: 0983.970.780

Tình trạng 'cọp' sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản

Thứ Năm 04/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Vì giá bán gấp 10 lần vốn bỏ ra, trục lợi lớn nên chiết khấu cho các đại lý cũng cao, từ đó sản phẩm copy lan tràn.

Ảnh chụp bản trình bày của đại diện nhóm doanh nghiệp.

Ảnh chụp bản trình bày của đại diện nhóm doanh nghiệp.

Mới đây, làm việc với Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thuơng hiệu sản phẩm, đại diện một số doanh nghiệp bức xúc nêu lên tình trạng copy sản phẩm gốc của thương hiệu nổi tiếng để trục lợi, gây hại cho người nuôi trồng thủy sản và toàn ngành.

Những hành vi copy

Dự buổi làm việc có đại diện Công ty CP Công nghệ tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh, Công ty TNHH SITTO Việt Nam, Công ty SX-TM TOBA.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp, Công ty CP Công nghệ tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh trình bày bài phát biểu được chuẩn bị khá công phu nêu lên một số hành vi copy sản phẩm và hậu quả.

“Người nuôi tưởng mua hàng có chi phí sử dụng thấp vì công ty này lừa bằng cách khuyến cáo dùng 0,5kg Clor cho 0,5ha. Thực tế không có tác dụng gì cả và số tiền đó ném xuống nước vô ích”, vị đại diện nói.

Theo vị đại diện, doanh nghiệp copy sản phẩm trục lợi lớn vì giá bán gấp 10 lần vốn bỏ ra. Trục lợi lớn nên chiết khấu cho các đại lý cũng cao, từ đó sản phẩm copy lan tràn.

Cụ thể chính sách bán hàng của sản phẩm copy: Cho đại lý lợi nhuận từ giá giao đến giá bán ra với người nuôi tôm là 100%; chiết khấu từ giá bán cho đại lý tới 25% hóa đơn, thưởng doanh số hàng năm lớn nhất đến 25%, khuyến mãi bán hàng trên 50%; tức là đại lý nếu phân phối thì được hưởng khoảng 200% lợi nhuận.

Ảnh chụp bản trình bày của đại diện nhóm doanh nghiệp.

Ảnh chụp bản trình bày của đại diện nhóm doanh nghiệp.

Sản phẩm copy còn được quảng cáo trái phép trên website, kể cả sản phẩm chưa có giấy phép lưu hành. Nội dung quảng cáo sai sự thật, sản phẩm có thể trị bá bệnh, là thần dược, cái gì cũng “siêu” và cái gì cũng “thế hệ mới”. Nhiều sản phẩm copy còn bán trước khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành ra thị trường.

Hành vi copy sản phẩm để đưa ra thị trường được vị đại diện nêu lên. Đó là cho đăng ký lưu hành một nhãn, sau đó lấy số lưu hành dùng chung cho ít nhất 2 sản phẩm có tên gần giống nhau mà nếu kiểm tra thực tế thì thành phần, nội dung nhãn, hình thức là hoàn toàn không giống với hồ sơ đăng ký lưu hành.

Có khi lấy một số lưu hành đã được cấp để dùng chung cho nhiều sản phẩm khác nhau nhưng đặt tên giống nhau để lừa bán được cho nhiều đại lý; với 3 bảng giá có sản phẩm cùng tên nhưng khác nhau về thành phần và cách sử dụng (1 sản phẩm vi sinh xử lý nước, 1 sản phẩm là men tiêu hóa, 1 sản phẩm là khoáng vô cơ tạt xuống nước).

“Chắc chắn sẽ có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng bị copy thương hiệu (trùng tên) và gây hoang mang cho người nuôi trong thời gian tới do quy định không cấm đặt trùng tên và người nuôi phụ thuộc đại lý về tài chính (mua nợ), không quen tìm hiểu nhà sản xuất như xưa nay người Việt đau đầu thì mua Panadol nhưng không biết nhà sản xuất là ai.

Ngoài sự thiếu đạo đức khi đi copy thương hiệu của công ty khác thì họ đang lừa dối Nhà nước, đại lý, người nuôi và phá hoại sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam”, vị đại diện kết luận.

Tranh cãi đúng sai?

Trong bài trình bày, vị đại diện nêu đích danh công ty copy thương hiệu sản phẩm của công ty khác là: “Công ty TNHH BZT USA - Địa chỉ: Lô số 1, Khu H, đường N7, KCN An Hạ, Phạm Văn Hai, H. Bình Chánh, TP.HCM; website: http://www.bztusa.vn/. Công ty ROCKY Việt Nam -Địa chỉ: 48-50-52 Nguyễn Thế Truyện, P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú, TP.HCM. Địa chỉ sản xuất: Lô số 1, Khu H, đường N7, KCN An Hạ, Phạm Văn Hai, H. Bình Chánh, TP.HCM; website: http://rockyvietnam.com/. Chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Đỗ Thanh Lân”.

Tuy nhiên, vị đại diện cũng đưa ra một công văn của Công ty Cổ phần ROCKY Việt Nam do Giám đốc Nguyễn Đỗ Thanh Lân ký ngày 18/4/2020 gửi Ban lãnh đạo Công ty TOBA “khuyến cáo về việc xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam”.

Công văn viết: “Công ty ROCKY là chủ sở hữu nhãn hiệu “DRT” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 160833 cấp ngày 30/3/2011 bảo hộ cho các hàng hóa/dịch vụ:

Chế phẩm xử lý ao và hồ nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học xử lý môi trường (Nhóm 01), Chế phẩm thú y thủy sản, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng cho ngành y, chế phẩm sinh học dùng cho ngành thú y thủy sản (Nhóm 05).

Mua bán, quảng cáo, xuất nhập khẩu: Chế phẩm thú y thủy sản, thuốc dùng cho thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng cho ngành y và thú y thủy sản, chế phẩm xử lý ao và hồ nuôi thủy sản, thức ăn cho tôm cá (Nhóm 35);

Và nhãn hiệu “DRT” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 217196 cấp ngày 26/12/2013 bảo hộ cho các hàng hóa/dịch vụ: Chất phụ gia cho thức ăn gia súc (Nhóm 05), thức ăn cho gia súc và gia cầm, thức ăn cho thủy hải sản (Nhóm 31);

Và nhãn hiệu “DRT” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 240640 cấp ngày 26/02/2015 bảo hộ cho các hàng hóa/dịch vụ: Mỹ phẩm, nước hoa, sữa tắm (Nhóm 03); dược phẩm, thực phẩm chức năng dùng cho mục đích y tế (Nhóm 5)”.

Công văn cho rằng Công ty TOBA “đang thực hiện việc phân phối các sản phẩm “Thuốc diệt tảo” mang nhãn hiệu “DRT” là dấu hiệu trùng với nhãn hiệu “DRT” của Công ty ROCKY. Hành vi trên đã gây nhầm lẫn nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho Công ty ROCKY về uy tín và thu nhập.

Việc làm của quý Công ty khi chưa được phép của Công ty ROCKY là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ”.

Do đó, Công văn yêu cầu Công ty TOBA “Chấm dứt ngay việc sử dụng nhãn hiệu “DRT” trên tất cả các sản phẩm ngay sau khi nhận được Công văn này. Cho thu hồi toàn bộ các sản phẩm có gắn nhãn hiệu vi phạm đang lưu hành trên thị trường. Có công văn chính thức trả lời chúng tôi để giải quyết vụ việc này và cam kết về việc sẽ không tái phạm”.

Công văn hẹn trong vòng 1 tháng, Công ty TOBA phải thực hiện các yêu cầu trên, nếu không “Công ty ROCKY sẽ liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành xử lý về hành vi vi phạm”.

Sau khi cung cấp Công văn trên, vị đại diện nhóm doanh nghiệp nói: “Họ copy thương hiệu của công ty khác nhưng quay lại đe dọa chính doanh nghiệp bị họ copy”.

Kiến nghị Tổng cục Thủy sản

Tại buổi làm việc, nhóm doanh nghiệp kiến nghị Tổng cục Thủy sản: “Thu hồi lại giấy phép lưu hành các sản phẩm mà họ đã copy thương hiệu nếu Tổng cục Thủy sản kiểm tra mà thấy gian dối vì việc họ đang làm là phá hoại chính thương hiệu của những doanh nghiệp bị copy do người tiêu dùng hoang mang.

Tạm ngưng không cấp giấy phép lưu hành hay “mã số tiếp nhận” mới cho các doanh nghiệp copy thương hiệu này nếu đăng kí sản phẩm trùng tên trong thời gian làm rõ hành vi, động cơ của doanh nghiệp này.

Tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp copy nhãn hiệu và truy xuất theo hệ thống các sản phẩm đã đăng ký và bán ra tại nhà máy của họ và kiểm tra các đại lý bán trên thị trường tiêu thụ (đặc biệt là các thị trường Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) để đối chiếu việc lập hồ sơ và mẫu lưu ở nhà máy với thực tế sản phẩm bán ngoài thị trường (Mẫu thực tế đã chuyển cho Tổng cục Thủy sản một số tại Vụ Pháp chế). Chuyển cơ quan chức năng xử lý tình trạng làm hàng gian bán ra thị trường và quảng cáo sai sự thật

Xác nhận cho các doanh nghiệp bị copy thương hiệu về lịch sử đăng ký lưu hành của các sản phẩm bị copy để các doanh nghiệp có thêm cơ sở làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đòi lại thương hiệu .

Tổng cục Thủy sản nên qui định “không cho đăng ký các sản phẩm trùng tên như trước đây nếu không chứng minh được sự hợp lý”.

Nếu không làm chuyện này thì tình hình sẽ càng phức tạp cho quản lý của cơ quan chức năng và nghiêm trọng hơn là người nuôi tôm bị lừa dối.

Hiện nay chúng ta có hơn 13.000 sản phẩm và hàng trăm công ty, nếu 20% sản phẩm bị trùng tên và 30% công ty đi copy thương hiệu thì sẽ có thêm hàng ngàn sản phẩm copy mới trong thời gian tới bên cạnh sản phẩm đăng ký mới bình thường.

Người nuôi và cơ quan quản lý sẽ là những vị trí vất vả và khó khăn nhất. Lợi ích cao nhất của số đông (người nuôi) nên được cân nhắc trong trường hợp này.

Thông tin rộng rãi để đại lý và người nuôi tôm biết, đề phòng cách làm ăn không trung thực trên”.

Sẽ kiểm tra, xử lý thích đáng

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Tổng cục Thủy sản có những thay đổi kịp thời, kiện toàn hệ thống văn bản để hạn chế xảy ra tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính bị lợi dụng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chính đáng phát triển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân hoan nghênh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đưa ra những cảnh báo về hoạt động trục lợi của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thủy sản hiện nay. Nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh tình trạng bị lợi dụng, mất thương hiệu…

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ thanh kiểm tra sát sao, có biện pháp xử lý thích đáng những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc thú y, thủy sản… Đồng thời, rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật của lĩnh vực quản lý, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Vũ Mưa

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.