Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong 6 tháng cuối năm 2022, sản lượng các loại trái cây ở khu vực Nam bộ là khá lớn. Cụ thể, thanh long ước khoảng 626 nghìn tấn, chuối 282 nghìn tấn, xoài 312 nghìn tấn, mít 164 nghìn tấn, bưởi 233 nghìn tấn, cam 285 nghìn tấn, dứa 189 nghìn tấn và sầu riêng 206 nghìn tấn.
Về đầu ra của loại trái cây số 1 và được quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua là thanh long, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết, vào thời điểm này, do một số cửa khẩu sang Trung Quốc đã mở cửa trở lại, đồng thời thanh long đang được đẩy mạnh xuất đi nhiều thị trường khác, nên việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn. Giá thanh long mà nông dân Long An bán tại vườn hiện vào khoảng 15.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất không quá 10.000 đồng/kg (giá thành chính vụ thường thấp hơn so với vụ nghịch).
Một thông tin đáng chú ý do lượng thanh long hiện có ở Trung Quốc đang thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ, nên thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua thanh long của Việt Nam.
Trong khi đó, sản lượng thanh long chính vụ lại giảm đáng kể. Nguyên nhân là do quý 3 năm ngoái, vì thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, nông dân trồng thanh long gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại chăm sóc vườn cây. Do đó, sức khỏe của nhiều vườn thanh long không tốt, dẫn tới năng suất chính vụ năm nay bị giảm.
Mặt khác, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng quá cao, cũng khiến cho nhiều nông dân phải giảm đầu tư cho vườn thanh long, nhất là trong bối cảnh cuối năm 2021 và đầu 2022, đầu ra của trái thanh long gặp rất nhiều khó khăn bởi chính sách phòng chống dịch Covid của Trung Quốc.
Với những yếu tố đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh nhận định, tiêu thụ thanh long trong những tháng tới sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, nếu diễn biến của dịch bệnh Covid - 19 phức tạp, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây, đặc biệt là tới thị trường Trung Quốc. Yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, có thể tăng thêm biện pháp kiểm dịch bệnh, qua đó làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
Bênh cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây. Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu vẫn xuất khẩu trái tươi. Vì vậy, nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu, việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn.
Trước tình hình đó, theo ông Lê Thanh Tùng, các địa phương cần phải nắm sát sản lượng, chất lượng cây ăn quả, đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả; chỉ đạo rải vụ trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ; xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể; kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; tiếp tục đẩy mạnh bảo quản, chế biến trái cây; chủ động kế hoạch tiêu thụ.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, việc rải vụ trái cây đã được các tỉnh ĐBSCL quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng hiệu quả 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ. So với Kế hoạch rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) đến năm 2020 theo Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 17/7/2013 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đến nay rải vụ thanh long vượt 30,2 nghìn ha, chôm chôm vượt 1,1 nghìn ha, sầu riêng vượt 0,3 nghìn ha, nhãn kém 5 nghìn ha, xoài kém 1,3 nghìn ha so với kế hoạch năm 2020.
Kết quả rải vụ năm 2021 với 5 loại trái cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) tại các tỉnh ĐBSCL và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 132,7 nghìn ha, trong đó rải vụ 71,9 nghìn ha chiếm 62,6% tổng diện tích thu hoạch, tổng sản lượng rải vụ 1.237,4 nghìn tấn tấn, chiếm 54,4% tổng sản lượng.