| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực

Thứ Hai 07/03/2022 , 07:32 (GMT+7)

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, một 'ông lớn' trong ngành trái cây xác định xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vẫn là hướng lựa chọn chủ lực.

Liên kết, xây dựng chặt chẽ vùng nguyên liệu

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu (XNK) Vạn Vạn Lợi, đang hoạt động kinh doanh nông sản tại ấp 1, xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) là người con của đất võ Bình Định. Tuy tha hương gầy dựng cơ nghiệp trên đất khách quê người, nhưng nhờ nhạy bén với thị trường và đi đúng hướng nên đã sớm thành công.

Trái cây Vạn Vạn Lợi đóng thùng chuẩn bị cung ứng cho khách hàng. Ảnh: LK.

Trái cây Vạn Vạn Lợi đóng thùng chuẩn bị cung ứng cho khách hàng. Ảnh: LK.

Các loại nông sản, chủ lực là trái cây VietGAP và trái cây hữu cơ mà Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi đang kinh doanh rất đa dạng như bưởi da xanh, bưởi năm roi, dừa xiêm, chôm chôm, sầu riêng, chuối sáp, chuối xiêm, chuối già, cam sành, quýt đường, cam xoàn, nhãn, xoài tứ quý, xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc, xoài hạt lép, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng, chanh, sả, ớt, củ sắn nước, củ cải trắng, gạo ST25…

Sản phẩm của Vạn Vạn Lợi không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước, mà còn được thị trường các nước Mỹ, Úc, Đức, CH Séc, Hàn Quốc và Singapore ưa chuộng. Đối với thị trường nội địa, Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi đã xây dựng được hệ thống phân phối với 100 đại lý tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

“Ngay từ lúc thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã xác định hoạt động theo phương châm vì sức khỏe cộng đồng nên được sự ủng hộ, đồng hành của Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Năng suất chất lượng DEMING và các HTX chuyên sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL”, ông Phan Thanh Bút chia sẻ.

Sản phẩm trái cây của Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi không phải do doanh nghiệp đi mua gom về bán, mà được doanh nghiệp liên kết sản xuất với các HTX chuyên sản xuất cây ăn quả như HTX Bưởi da xanh Quới Sơn, HTX Tân Phú, HTX Tiên Long (Bến Tre); HTX Năm Nhi (Hậu Giang), HTX GAP Cù Lao Giêng (An Giang)..., sau đó bao tiêu sản phẩm để đưa ra thị trường.

Ông Phan Thanh Bút (thứ 2 từ trái sang) cùng các đối tác thành lập Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Thanh Bút (thứ 2 từ trái sang) cùng các đối tác thành lập Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Bút, Công ty Vạn Vạn Lợi luôn bám sát quá trình sản xuất của các HTX, quản lý khắt khe từ  khâu xuống giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói thành phẩm đến vận chuyển và phân phối đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm trái cây thương hiệu Vạn Vạn Lợi được người tiêu dùng đánh giá cao, không những trong nước mà cả người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới biết đến.

Cũng theo ông Bút, Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi đang liên kết sản xuất với diện tích trên 50.000 ha của các HTX chuyên sản xuất trái cây. Lực lượng nhân công phục vụ sản xuất có trên 500.000 lao động ở các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp. Doanh nghiệp hiện có trên 10.000m2 diện tích nhà xưởng sơ chế, đóng gói thành phẩm và phương tiện vận chuyển đạt công suất 1 triệu tấn/ năm.

Thế mạnh của Vạn Vạn Lợi là trong thời gian qua đã xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, quy trình canh tác đồng nhất từ giống cho đến phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật trồng trọt. Bên cạnh đó, Vạn Vạn lợi có đội ngũ kiểm tra chất lượng sau khi thu hoạch nhiều kinh nghiệm, quy trình đóng gói cũng như phương tiện vận chuyển hàng hóa mang tính chuyên nghiệp cao, đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Khách hàng chủ lực trên thị trường quôc tế của Vạn Vạn Lợi là Tập đoàn Liên Hoa , Tập đoàn Hằng Sinh, Tập đoàn Lucky Star và Công ty HMS Comparawy.

Sản phẩm trái cây của Vạn Vạn Lợi thường xuyên tham gia các hội chợ để nhận được đánh giá của người tiêu dùng. Ảnh: LK.

Sản phẩm trái cây của Vạn Vạn Lợi thường xuyên tham gia các hội chợ để nhận được đánh giá của người tiêu dùng. Ảnh: LK.

“Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi đã hợp tác với Công ty HMS Comparawy (Đức), Công ty Cổ phần quốc tế Thương mại vàng Golden Trade, Công ty Cổ phần XNK Tâm Phát, Công ty Giải pháp đóng gói I-Box, Công ty Hoàng Anh cùng các HTX Bưởi da xanh Quới Sơn, HTX Tân Phú, HTX Tiên Long, HTX Năm Nhi, HTX GAP Cù Lao Giêng để thành lập Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi.

Tập đoàn chúng tôi kinh doanh các mặt hàng rái cây tươi, trái cây cấp đông, trái cây sấy, nước ép trái cây, bánh kẹo trái cây, lương thực, rau, củ, quả, tinh dầu. Chuỗi cửa hàng của Vạn Vạn Lợi sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng trên thị trường nội địa, Công ty HMS Comparwy sẽ phân phối hàng sang thị trường Châu Âu, Tập đoàn Liên Hoa sẽ phân phối hàng sang thị trường Singapore, Tập đoàn Hằng Sinh sẽ phân phối hàng sang thị trường Trung Quốc và Tập đoàn Lucky Star sẽ phân phối hàng sang thị trường Úc”, ông Phan Thanh Bút chia sẻ.

Xuất khẩu chính ngạch, sự lựa chọn bền vững

Theo ông Phan Thanh Bút, hiện có 70% trái cây sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, thế nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu về trái cây của thị trường có đến 1,4 tỷ dân này. Rõ ràng dư địa của thị trường Trung Quốc đối với trái cây Việt Nam còn rất lớn.

Thời gian gần đây, yêu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe. Các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Trung Quốc phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, tình hình dịch bệnh, vi sinh vật gây bệnh, thuốc BVTV và thú y, các chất ô nhiễm, quy trình sản xuất và chế biến, kiểm soát an toàn vệ sinh trong vận chuyển và lưu trữ, hệ thống bảo vệ an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thu hồi...

Trái cây của Vạn Vạn Lợi không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà còn thu hút được người tiêu dùng quốc tế. Ảnh: V.Đ.T.

Trái cây của Vạn Vạn Lợi không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà còn thu hút được người tiêu dùng quốc tế. Ảnh: V.Đ.T.

Trước rào cản kỹ thuật khắt khe như trên, nhiều doanh nghiệp đã chọn con đường tiểu ngạch để xuất hàng sang Trung Quốc. Thế nhưng đối với Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi, sự lựa chọn là xuất khẩu sang đường chính ngạch. Bởi, theo ông Bút, thương mại chính ngạch đang dần trở thành xu hướng chính của thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cũng theo ông Bút, xuất 1 container hàng trái cây sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch phải đi lòng vòng, nên chi phí cao đến hơn 1 tỷ đồng/container. Còn xuất hàng theo chính ngạch chỉ tốn chi phí hơn 300 triệu đồng/container. Chênh lệch chi phí là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn con đường tiểu ngạch để xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi sản phẩm không đủ chất lượng để vượt qua rào cản kỹ thuật mà phía Trung Quốc đặt ra. Xuất hàng sang Singapore bán được giá cao hơn, thế nhưng thị trường này tiêu thụ chẳng được mấy.

Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi có phương tiện vận chuyển đạt công suất 1 triệu tấn/ năm. Ảnh: LK.

Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi có phương tiện vận chuyển đạt công suất 1 triệu tấn/ năm. Ảnh: LK.

“Nếu như chúng tôi xuất hàng sang Singapore mỗi tháng được 10 tấn, mỗi tấn hàng chúng tôi lãi được 10 triệu đồng, như vậy mỗi tháng tôi chỉ có lãi 100 triệu đồng. Còn xuất sang Trung Quốc mỗi tấn chỉ lãi 1 triệu đồng, nhưng mỗi tháng xuất được 1.000 tấn thì chúng tôi có lãi đến 1 tỷ đồng. Do đó, ngoài các thị trường Mỹ và châu Âu, chúng tôi còn lấy thị trường Trung Quốc làm hướng xuất khẩu chính”, ông Phan Thanh Bút nêu ví dụ.

Theo nhận định của ông Dian Sheng Zhang, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư quốc tế Hằng Sinh, đến năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã tăng từ 30 triệu USD năm 1990 lên đến 165,8 tỷ USD vào năm 2021. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã tăng hơn 5.500 lần.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Úc, đồng thời Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Vạn Vạn Lợi (phải) và ông Dian Sheng Zhang, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư quốc tế Hằng Sinh sẽ thành lập Tập đoàn Sinh Lợi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch Vạn Vạn Lợi (phải) và ông Dian Sheng Zhang, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư quốc tế Hằng Sinh sẽ thành lập Tập đoàn Sinh Lợi. Ảnh: V.Đ.T.

“Sau khi thành lập Tập đoàn Nông nghiệp Vạn Vạn Lợi, thời gian tới, Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi cùng Tập đoàn Hằng Sinh sẽ cùng nhau thành lập Tập đoàn Sinh Lợi. Ngoài các hoạt động trồng trọt, xuất nhập khẩu, logistics, tư vấn, Tập đoàn Sinh Lợi còn tổ chức dịch vụ du lịch miệt vườn “không đồng” cho các khách hàng nước ngoài.
Chúng tôi sẽ đưa khách hàng đi du lịch miễn phí tham quan các vùng trồng cây ăn quả, để họ trải nghiệm quy trình sản xuất an toàn của chúng tôi. Từ đó, khách hàng sẽ dễ dàng ký hợp đồng mua hàng của chúng tôi khi thấy sản phẩm thực sự an toàn.

Thời gian tới, Tập đoàn Sinh Lợi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Bình Định để lấy lợi thế Cảng Quy Nhơn đưa hàng xuất khẩu, đó cũng là vùng đất nơi tôi sinh ra, sau đó mở rộng vào trong Khánh Hòa, ra Đà Nẵng”, ông Phan Thanh Bút chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.