| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Tư 22/11/2017 , 18:34 (GMT+7)

Các chuyên gia nêu ý kiến ngư dân cần được trao nhiều quyền và được hướng dẫn thi hành luật thủy sản mới được Quốc hội thông qua.

Ông Hidenao Watanabe, chuyên gia thủy sản của Nhật Bản. 
 
Ngày 22/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo tham vấn quốc gia, thu hút 70 đại biểu chia sẻ thông tin và góp ý về hai nội dung của Luật Thủy sản sửa đổi mới được quốc hội thông qua. 
 
Hội thảo cũng giới thiệu các điểm chính về đồng quản lý trong nguồn lợi thủy sản và quản lý Khu bảo tồn biển theo Luật Thủy sản sửa đổi, trình bày dự thảo quy định cho hai nội dung và lấy ý kiến các đại biểu bắt đầu quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, thúc đấy và tăng cường chia sẻ thông tin và sự tham gia các bên liên quan.
 

Trao quyền cho ngư dân

‘’Đây là lần đầu tiên khái niệm đồng quản lý được quy định trong Luật Thủy sản sửa đổi, ghi nhận và khuyến khích các tổ chức cộng đồng tham gia, đó là kết quả của hơn hai thập kỉ thí điểm, rút kinh nghiệm nhằm ngày một hoàn thiện các phương thức quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói.
 
Về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các ý kiến tại hội thảo tập trung vào khái niệm “Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (tổ chức cộng đồng). Theo Luật Thủy sản mới được thông qua, khái niệm này là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.
 
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trưởng nhóm liên danh tư vấn NHQuang-Fites, nêu ý kiến tổ chức cộng đồng nên có tư cách pháp nhân để quy trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích cụ thể. 
 
“Tôi cho rằng cần bàn kỹ về khái niệm cá thể làm kinh tế hay hộ gia đình làm kinh tế trong tổ chức cộng đồng. Bởi một hộ có thể có nhiều người, song chỉ một người làm về thủy sản thì có nên coi là hộ hay không”, ông Lập nói. 
 
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trưởng nhóm liên danh tư vấn NHQuang-Fites.
 
Ông Lập cũng nêu ý kiến thành viên tham gia tổ chức cộng đồng phải đóng phí ở mức hợp lý, để ràng buộc trách nhiệm, tránh tình trạng đóng ở mức quá thấp. “Một góc độ cần bàn tới là có nên trao quyền khai thác cho thành viên tổ cộng đồng hay không. Tôi cho rằng tổ chức này cần có con dấu, tài khoản, có trụ sở giao dịch. Trụ sở này cũng nên đặt tại điểm riêng biệt, không thể đặt ở nhà riêng của thành viên”, luật sư Lập nêu ý kiến.
 
Các đại biểu khác nhấn mạnh đến việc ngư dân cần được trao quyền cụ thể, gắn với trách nhiệm pháp lý trong việc khai thác, bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản. 
 
Ông Hidenao Watanabe, chuyên gia thủy sản của Nhật Bản, nêu kinh nghiệm của nước này trong việc thành lập tổ chức cộng đồng. “Cách làm bền vững nhất là dựa vào chính ngư dân của khu vực đó. Tại Nhật, chúng tôi tính toán trữ lượng thủy sản, sau đó đưa ra luật lệ về ngư cụ, sản lượng khai thác, các biện pháp cấm, xử phạt, dựa trên tham vấn của các chuyên gia và ngư dân địa phương”, ông Watanabe chia sẻ.
 
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng tổ chức cộng đồng nên được trao quyền cụ thể trong việc thanh tra, giám sát khai thác thủy sản, xây dựng kế hoạch, đề xuất với chính quyền địa phương để sau đó thực hiện. 
 
“Ban đầu, chính phủ Nhật Bản đào tạo hơn 900 cán bộ hỗ trợ, gửi tới từng tổ chức cộng đồng trên cả nước để giúp đỡ họ xây dựng kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sau đó, số cán bộ giảm xuống còn khoảng 300 người, vì các địa phương đã có thể tự lực trong việc này”, ông Watanabe nêu kinh nghiệm. 
 
Vị chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản Việt Nam, cho biết ông đã đi thực tế nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Từ đó, ông Watanabe nêu kiến nghị chính phủ nên trao quyền cho các cộng đồng ngư dân, hướng dẫn họ thành lập tổ chức cộng đồng.
 

Bảo tồn biển gắn với phát triển kinh tế

Ông Phan Văn Bắc, đại diện Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết điểm đáng lưu ý trong luật mới được thông qua là với các khu bảo tồn có diện tích nằm trên hai tỉnh, thì Bộ sẽ có ý kiến trình chính phủ về thành lập khu bảo tồn. Với khu bảo tồn có diện tích chỉ nằm trong một tỉnh, thì địa phương đó tự xây dựng đề án, báo cáo chính phủ. 
 
Ông Bắc nêu thực tế về việc một số tỉnh cho các công ty đầu tư vào khu bảo tồn biển. “Đơn cử như Phú Quốc, chúng tôi thống kê được địa phương này có 9 dự án được phê duyệt nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn biển, 46 dự án thuộc vùng phục hồi tài nguyên biển”, ông Bắc nói và cho biết thêm rằng điều này không phù hợp Luật Thủy sản.
 
“Luật cho phép một số loại hình du lịch biển được phát triển trong vùng bảo tồn, song chỉ là một số loại như lặn biển, ít gây tác động môi trường. Các dự án xây dựng trong vùng lõi hay vùng phục hồi của khu bảo tồn là tuyệt đối không được”, ông Bắc nói. 
 
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý bảo tồn biển Lý Sơn, Quảng Ngãi, nêu thực trạng các khu bảo tồn đa phần nằm ở đảo, nơi “người dân chỉ cần chạm mép nước quanh đảo là đã vào khu bảo tồn”.
 
“Tôi thấy chúng ta cần có khái niệm rõ hơn về vùng đệm, quy định giới hạn khu bảo tồn, cụ thể về việc bảo tồn khu vực này như thế nào”, ông Dũng cho biết.
 
Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý bảo tồn biển Lý Sơn, Quảng Ngãi
 
Đại diện đến từ Quảng Ngãi nói qua nhiều năm công tác thực tế, ông hoàn toàn chia sẻ quan điểm nên có các thành phần kinh tế như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người dân tham gia đóng góp bảo tồn đa dạng sinh vật biển, song cần có quy chế cụ thể, đặc biệt với doanh nghiệp.
 
“Nói đến doanh nghiệp là nói đến lợi ích, họ bỏ vốn phải có lời. Chúng ta cần có quy chế rõ ràng về các hoạt động được phép, không được phép của doanh nghiệp khi tham gia vào việc bảo tồn. Ở đây, cần phân phối lợi ích giữa 4 nhóm: cộng đồng ngư dân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp”. 
 
Ông Dũng nêu ý kiến nên tránh việc tỉnh “ép” huyện, xã phải cho doanh nghiệp đầu tư, trong khi cơ quan quản lý bảo tồn biển không được tham vấn. 
 
Về hoạt động của khu bảo tồn, đại diện của Quảng Ngãi nêu ý kiến cần tăng kinh phí để đảm bảo hoạt động. “Đơn vị tôi hiện chỉ có 5 người, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ như tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền v.v. Mọi người thường hiểu công việc bảo tồn chỉ là duy trì đa dạng sinh học, song trên thực tế, khối lượng công việc là vô cùng lớn và phức tạp. Do đó, rất cần có thêm kinh phí để thuê lao động, tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch biển”, ông Dũng chia sẻ.
 
Cùng quan điểm với ông Dũng, bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam, cho biết đơn vị này luôn đi song hành với các doanh nghiệp để quản lý, giúp đỡ  họ hoạt động hiệu quả. 
 
“Giá trị của công tác bảo tồn mang lại không thấy  được ngay như các công trình  xây dựng mà phải 5-10 năm sau mới thấy được. Vì vậy, nhà nước phải có trách nhiệm  và tạo điều kiện để các Khu bảo tồn tập trung vào nhiệm vụ chính của mình”, bà Hồng nói.
Cần tính phí tham quan khu bảo tồn
 
Ông Nguyễn Văn Chiêm, cựu cán bộ Bộ Thủy sản (cũ), người có nhiều đóng góp trong Nghị định 57 về xây dựng khu bảo tồn biển, tầm nhìn đến 2020, đưa ý kiến nên cho phép khu bảo tồn thu phí tham quan để duy trì hoạt động.
 
“Cán bộ khu bảo tồn có thể gặp nguy hiểm khi đi làm nhiệm vụ trên biển, họ cần được bảo hiểm. Chi phí cho khu bảo tồn hiện rất tốn kém so với ngân sách các địa phương. Nên chăng cần có cơ chế để các đơn vị này phát triển dựa trên nền tài chính bền vững, bằng cách cho thu phí. Các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia hay Thái Lan đều áp dụng cách này”, ông Chiêm cho biết. 

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...