| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức lại sản xuất chanh dây

Thứ Sáu 01/11/2019 , 11:10 (GMT+7)

Việc tăng trưởng nóng, thiếu bài bản đã khiến cho giá cà phê và hồ tiêu tại Đăk Nông liên tục lao dốc. Trước tình hình đó, đã có thời điểm, chanh dây là cây trồng cứu cánh cho không ít bà con nông dân nơi đây.

Điên đảo cơn sốt chanh dây

Được trồng từ khoảng những năm 2006 - 2007, nhưng chanh dây thực sự phát triển cả về diện tích lẫn sản lượng ở Đăk Nông từ năm 2016. Thời điểm đó, giá chanh dây có lúc lên đến 56.000 đồng/kg, trong khi năng suất trung bình khoảng 50 - 60 tấn/ha, bà con nông dân thu lời tiền tỉ khiến cho cơn sốt trồng chanh dây lan rộng khắp tỉnh.

16-02-08-chnh-dy-1123457784
Phát triển chanh dây theo hướng hữu cơ sinh học hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Đăng Lâm.

Tại các xã Quảng Sơn, Đăk Ha (huyện Đăk GLong); Thuận Hạnh, Thuận Hà (huyện Đăk Song), rất nhiều hộ trồng chanh dây cả vào vườn tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Không những thế, nông dân ở các huyện Đăk R’Lấp, Đăk Song còn chặt bỏ cả cây cao su, cà phê sắp đến kỳ thu hoạch chuyển sang trồng chanh dây.

Thống kê của Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đăk Nông cho thấy, tính đến tháng 7/2016, diện tích chanh dây trên toàn tỉnh mới là 485ha thì đến tháng 9/2016, diện tích trồng chanh dây đã tăng lên 892ha. Và, đến cuối năm 2018, đã có hơn 1.200ha chanh dây được trồng ở Đăk Nông, vượt xa rất nhiều so với quy hoạch diện tích trồng chanh dây toàn tỉnh đến năm 2020 chỉ là 500ha.

Huyện Đăk Song là địa phương có diện tích trồng chanh dây nhiều nhất tỉnh với 488ha. Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, sở dĩ diện tích chanh dây ở đây phát triển ồ ạt là do tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt vì dịch bệnh và giá hạt tiêu xuống thấp khiến không ít nông dân lâm vào cảnh khốn đốn. Bên cạnh đó, cà phê cũng không ngừng rớt giá trong khi đầu tư cho chanh dây thấp, thu hồi vốn nhanh, nhiều hộ dân đã đổ xô chuyển phần diện tích hồ tiêu chết, hoặc diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng chanh dây với hy vọng tạo nguồn thu nhập ổn định.

Được biết, chanh dây là loại cây trồng có biên độ giá dao động khá cao. Có thời điểm giá chanh dây lên đến trên 50 ngàn đồng/kg, nhưng cũng có lúc xuống 10 ngàn, thậm chí chỉ còn 2 - 3 ngàn đồng/kg. Do đó, có không ít nông dân phất lên từ chanh dây nhưng cũng có người phải ôm nợ.

Anh Lại Đình Quân ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song cho biết, năm 2016 khi giá chanh dây cao, gia đình anh đầu tư 70 triệu đồng để trồng 1ha. Chỉ hơn 3 tháng sau, lứa chanh dây đầu tiên cho thu hoạch anh bán được 30 ngàn đồng/kg, nhưng rồi giảm dần xuống còn hơn 10 ngàn đồng/kg. Với nhẩm tính, dù giá xuống tới 10 ngàn đồng/kg thì người trồng chanh dây vẫn có lãi, anh Quân mạnh dạn vay thêm ngân hàng để đầu tư trồng thêm 3,5ha.

Tuy nhiên bước sang năm 2017, giá chanh dây có lúc giảm xuống còn dưới 4 ngàn đồng/kg quả loại 1 khiến gia đình anh lâm vào cảnh khốn đốn khi nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. Chanh dây lại là loại trái cây không bảo quản được lâu, nếu không bán tống bán tháo cho thương lái thì quả sẽ chín rụng đầy vườn, lúc đó có cho cũng không ai lấy.

16-02-08-chnh-dy-2123504816
Cây chanh dây đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: Đăng Lâm.

Tình cảnh như anh Quân ở Đăk Nông không phải là ít. Nhiều người dân ở Đăk R’Lấp, Đăk G’Long hay Đăk Mil đã vay mượn để chuyển đổi hàng trăm hecta hồ tiêu chết sang trồng chanh dây với hy vọng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng trồng, cần mẫn chăm sóc, nhiều diện tích không cho quả, hoặc bị chết vì dịch bệnh. Trong khi đó, doanh nghiệp bán giống, vật tư nông nghiệp hứa bao tiêu sản phẩm cho người trồng chanh dây không thấy đâu. Đời sống của những hộ dân này vốn đã khốn khổ vì hồ tiêu nay lại mang thêm nợ với cây chanh dây.
 

Tổ chức lại

Thực tế trồng chanh dây ở Đăk Nông cho thấy, đa số nông dân chạy theo thời vụ, tập trung phát triển nóng diện tích nhưng lại thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện tại, nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh đã bị nhiễm bệnh bã trầu, lở cổ rễ, nhiễm virus ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của loại trái cây này.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, việc bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của Đăk Nông còn nhiều hạn chế, kể cả với sản phẩm chanh dây.

Cùng với đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc theo hướng xuất khô qua tiểu ngạch chính là nguyên nhân dẫn đến giá chanh dây bấp bênh trong những năm qua.

Đặc biệt kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc cấm nhập tiểu ngạch đối với mặt hàng trái cây từ nhiều nước Đông Nam Á, đồng thời siết chặt quy định về kiểm dịch khiến cho người trồng trái cây ở Việt Nam, trong đó có chanh dây gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Dần, không ít diện tích tái canh cà phê năm đầu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng được người dân tận dụng trồng xen cây chanh dây. Việc trồng xen chanh dây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê.

“Qua kiểm tra thực tế tại một số vườn chanh dây trồng xen trong cà phê tái canh cho thấy, cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém, dễ bị đổ ngã do không đủ ánh sáng. Ngoài ra, chanh dây là loại cây trồng sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên phần nào ảnh hưởng đến kết cấu của đất khiến đất bị chai hóa”, ông Dần cho biết.

16-02-08-chnh-dy-3123511347
Mô hình phát triển chanh dây theo hướng hữu cơ sinh học ở Đăk Nông. Ảnh: Đăng Lâm.

Hiện nay, chanh dây đã được Bộ NN-PTNT công nhận là cây trồng mới và Đăk Nông được đánh giá là địa phương có nhiều vùng đất phù hợp, cần có hướng quy hoạch, phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đang triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh dây trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích đưa sản phẩm chanh dây xuất ngoại.

Đề án được triển khai thí điểm trên các địa bàn có diện tích chanh dây lớn của tỉnh là huyện Đăk Glong, Đăk R’lấp và TX Gia Nghĩa. Người tham gia đề án sẽ được hỗ trợ quy trình sản xuất an toàn từ sản xuất, thu mua đến chế biến sản phẩm chanh dây. Đến nay đã có hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng trăm hộ dân sản xuất chanh dây tham gia vào chuỗi. Cùng với việc đạt chỉ tiêu về con số thì các nội dung về tập huấn, hướng dẫn các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các điều kiện ATTP cũng đạt kết quả cao. Đề án đã hỗ trợ cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn tiên tiến phục vụ xuất khẩu.

Kết quả đề án

Sau khi triển khai đề án, hiệu quả về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực chanh dây đã có sự chuyển biến hết sức rõ ràng.

Nếu như trước đây, đa phần hộ sản xuất vẫn còn “ngó lơ” vấn đề bảo đảm ATTP khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá nhiều, không đủ thời gian cách ly, bao bì vận chuyển không vệ sinh thì nay 100% số hộ tham gia đề án đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, tuân thủ các quy trình về an toàn.

Đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thì chú trọng đúng mức đến các vấn đề về đầu tư cải tạo nhà xưởng, bảo hộ lao động, kiểm tra sức khỏe cho công nhân…

“Quan trọng hơn, đề án đã giúp kết nối chặt chẽ hơn giữa người sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến cùng hướng đến một mục tiêu chung là đưa sản phẩm chanh dây đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu”, ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết.

Doanh nghiệp ký hợp đồng với hàng ngàn hộ trồng chanh dây

Mới đây Cty TNHH Xuất nhập khẩu rau quả Gia Lai, thuộc Cty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Tây Nguyên hiện đại, mỗi ngày Trung tâm có thể chế biến đến 400 - 500 tấn chanh dây để chế biến xuất khẩu.

Công ty đã ký hợp đồng liên kết và bao tiêu với hàng ngàn hộ dân trồng chanh dây, đây là cơ sở để cây chanh dây phát triển bền vững trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đăk Nông nói riêng.

    Tags:
Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất