| Hotline: 0983.970.780

Tổ ngư dân đoàn kết- người giữ chủ quyền trên biển

Thứ Hai 27/06/2011 , 10:28 (GMT+7)

Việc phát triển các tổ đội sản xuất trên biển hiện đang là vấn đề cấp thiết. Nhưng làm thế nào để thu hút ngư dân tham gia các tổ đội?

Bộ trưởng đến thăm tổ đoàn kết sản xuất trên biển do anh Phan Văn Hiếu là tổ trưởng tại phường Bình Hưng, TP Phan Thiết

Làm thế nào nâng cao hiệu quả đánh bắt, tương trợ lẫn nhau mỗi khi gặp thiên tai cũng như góp phần đấu tranh chống lại tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam? Đây là nội dung chính của hội nghị phát triển mô hình tổ, đội sản xuất trên biển diễn ra cuối tuần qua tại Bình Thuận. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

Vẫn hoạt động tự phát

Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, thực ra từ xa xưa tổ đội sản xuất trên biển đã được hình thành với tên gọi “ngư đội Hoàng Sa”. Sau khi Luật HTX ra đời năm 1996 với nhiều ưu đãi cho ngư dân đánh bắt xa bờ, đến năm 2000 toàn ngành thuỷ sản đã có 296 HTX khai thác, nuôi trồng, cơ khí đóng tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo ông Vĩnh, các HTX này sau thời gian hoạt động cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém về quản lý, sử dụng vốn dẫn đến không trả được nợ vay của Nhà nước, ngư dân mặc cảm với mô hình HTX.

Mặc dù HTX thuỷ sản không còn, nhưng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản cũng như hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển, các ngư dân đã tự tìm đến nhau liên kết thành các tổ, đội và hình thức này đã phát triển mạnh. Theo Tổng cục Thuỷ sản, đến nay cả nước có khoảng 2.000 tổ đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 13.000 tàu thuyền tham gia.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhờ có chính sách khuyến khích của địa phương, sau 3 năm Bình Thuận đã phát triển được 624 tổ đoàn kết với 4.007 tàu tham gia và các tổ đoàn kết này đều đánh bắt ở các ngư trường xa bờ. Cũng theo ông Phương, các tổ đoàn kết không chỉ giúp đỡ nhau trên biển mà còn góp phần tích cực với các lực lượng để đấu tranh với các tàu nước ngoài, nhiều tổ đội sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiện nay việc hình thành các tổ đội sản xuất trên biển xa bờ vẫn tự phát, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước dẫn đến mỗi địa phương các tổ đội với tên gọi khác nhau cũng như phương thức hoạt động khác nhau. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển cả nước, đặc biệt là tại Trường Sa và Hoàng Sa, các ngư dân đã thành lập các tổ đội theo hướng dẫn của chính quyền và bộ đội Biên phòng, mỗi tổ đội từ 3 – 10 tàu.

 "Do bộ đội Biên phòng quản lý, nên các tổ đội nặng về vấn đề bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà ít có sự phối hợp, hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, dù có quy chế hoạt động nhưng các tổ đội không có các chính sách hỗ trợ, không có cơ chế ràng buộc nên nhiều tổ hoạt động không hiệu quả", ông Hoàng cho biết.

Cần có chính sách ưu đãi

Nếu như trước đây ngư dân vươn khơi chỉ đối mặt với thiên tai, sự cố trên biển thì nay ngư dân đánh bắt xa bờ thường xuyên bị các tàu nước ngoài phá hoại, quấy nhiễu, bắt bớ. Do vậy, việc phát triển các tổ đội sản xuất trên biển hiện đang là vấn đề cấp thiết. Nhưng làm thế nào để thu hút ngư dân tham gia các tổ đội? 

Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP HCM  cho rằng: Do vai trò của các tổ đội sản xuất trên biển đặc biệt quan trọng, vì vậy Nhà nước nên có nhiều chính sách ưu đãi riêng về tín dụng, hỗ trợ tàu thuyền, ngư cụ khi ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, đồng thời phải có lực lượng mạnh bảo vệ ngư dân trước hiểm hoạ.

Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT TP Đà Nẵng cũng đồng tình với quan điểm này: "Để các tổ đội hoạt động bền vững thì chúng ta cần hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng được một đội tàu lớn, vững mạnh làm lòng cốt đủ sức dẫn dắt các tổ đội tàu khác. Bên cạnh đó, để giảm chi phí sản xuất phải xây dựng được lực lượng hậu cần mạnh chuyên cung cấp xăng dầu, vật tư cũng như thu mua thuỷ sản ngay trên biển".

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Khai thác thuỷ sản có ý nghĩa to lớn về KT – XH, ANQP, đặc biệt là trong tình hình hiện nay. Việc phát triển tổ đội không phải là mới, trước đây đã có nhưng nay phải thay đổi về chất. Bộ trưởng đã thống nhất tên gọi chung cho các tổ đội trên cả nước là "Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển", gọi tắt là tổ đoàn kết.

Tổ đoàn kết có chức năng chia sẻ ngư trường, thời tiết, xử lý sự cố thiên tai, thống nhất giá cả bán sản phẩm, đồng thời phối hợp với với lực lượng bảo vệ an ninh đấu tranh với tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Tổ đoàn kết phải có quy chế rõ ràng, phù hợp thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của ngư dân và với tiêu chí 3: cùng ngư trường, cùng nghề khai thác, cùng quê hương. Bộ máy được tổ chức càng đơn giản càng tốt, có tổ trưởng, tổ phó và thủ quỹ khi tổ có quỹ hoạt động.

Sau cuộc họp này, Bộ NN- PTNT sẽ có báo cáo Chính phủ và đề xuất những chính sách hỗ trợ cho ngư dân.

Để tổ đội hoạt động hiệu quả cần phải có chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ thông tin liên lạc, hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, tàu trưởng, công tác khuyến ngư, đồng thời phải xây dựng hậu cần nghề cá, hình thành các tàu mẹ cung cấp dịch vụ và thu mua sản phẩm cho ngư dân để giảm chi phí, tránh bị ép giá.

Mặt khác chúng ta phải có lực lượng mạnh để bảo vệ ngư dân, bên cạnh lực lượng hiện có gồm Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thì Bộ NN-PTNT đã có đề án đề nghị Chính phủ tăng cường lực lượng Kiểm ngư trên biển. "Sau cuộc họp này, các địa phương về tổ chức họp để rà soát, đánh giá tổ đội, từ đó phát triển tổ đội hợp tác mới phù hợp với tình hình hiện nay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu và nhận thức rõ lợi ích khi tham gia vào tổ đoàn kết" - Bộ trưởng Phát đề nghị.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm