| Hotline: 0983.970.780

Toàn diện nhưng phải có điểm nhấn

Thứ Tư 19/06/2019 , 14:03 (GMT+7)

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông. Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân là cả một chặng đường dài bền bỉ với trách nhiệm cao của mỗi người dân đến cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu.

Sau khi đạt chuẩn, nhiều tiêu chí của các xã NTM đã được nâng cao.

Mục đích cuối cùng của NTM là thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Khi đã cán đích NTM, nếu chỉ duy trì các tiêu chí đồng nghĩa tự mình tụt lại phía sau. Vì thế cần phải tiến tới NTM nâng cao, kiểu mẫu. Muốn vậy, phải bằng các chính sách “kích cầu” và các hành động cụ thể của những người có trách nhiệm.
 

9 năm vượt khó

Đến nay, NTM Thanh Hóa đạt được những kết quả quan trọng, có sức lan tỏa, thu hút được toàn xã hội tham gia. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng NTM ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, nâng cao, cải tạo. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Cùng với đó các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập trong cộng đồng dân cư được khôi phục, duy trì và phát triển. Y tế, giáo dục được chăm lo; vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện.

Sau 9 năm, Thanh Hóa có  huyện Yên Định, 296 xã, 730 thôn bản được công nhận đạt chuẩn. Bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 50 tiêu chí (tăng 43 xã, 188 thôn và 1 tiêu chí bình quân so với năm 2017). Các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân đã hoàn thành các tiêu chí và đang đề nghị Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn trong năm nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, rõ ràng nhìn một cách thẳng thắn NTM ở Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế. Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền chưa đồng đều, khoảng cách chênh lệch bình quân tiêu chí đạt được giữa khu vực đồng bằng, ven biển so với khu vực miền núi còn cao (4,3 tiêu chí). Năm 2018 có 8 huyện, thị, TP không có xã được công nhận đạt chuẩn.

Đáng chú ý, việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn còn hạn chế. Trong đó, đáng chú ý về công tác vệ sinh môi trường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. “Quan điểm của tôi thì phát triển toàn diện nhưng phải có điểm nhấn để thi đua. Các cụ ta hay nói, “con gà tức nhau tiếng gáy” là chỗ đó. Phải có những xã NTM kiểu mẫu, nâng cao, tiến tới huyện NTM kiểu mẫu, phải làm được như thế thì chất lượng NTM mới cao và tốt lên được, nếu không sẽ có những đơn vị thụt lùi. Ở Hà Tĩnh làm rất tốt cái này và BCĐ của tỉnh đã từng rút Bằng công nhận đạt chuẩn NTM của nhiều xã vì để tình trạng trì trệ”, ông Năng bày tỏ.

Vậy đâu là nguyên nhân? Ông Năng cho biết, tại cuộc họp tổng kết năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Nguyễn Đức Quyền cũng đã kết luận nhấn mạnh rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu tập trung, chưa quyết liệt, có biểu hiện cầm chừng; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế.

Theo ông Năng, việc tin tưởng cấp dưới cũng là điều rất tốt. Song nếu được sự quan tâm sâu sát, thổi sinh khí thì anh em cảm thấy có động lực lăn xả hơn với công việc được giao hơn. Vì vậy, người đứng đầu ở một số nơi cần nhận thức được như thế thì công cuộc xây dựng NTM mới thực sự mang lại ý nghĩa.
 

Cần chính sách “mồi” cho NTM kiểu mẫu

Đề cập đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và lâu dài, ông Năng chia sẻ, Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Đây là nền tảng cơ bản, cốt lõi để xây dựng NTM bền vững.

Nhưng cần những chính sách “mồi” cho xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Cùng với đó, tích cực triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, tập trung vào các mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã, làng nghề phát triển. Kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển…

Còn nhớ, năm 2014 ông Trịnh Khắc Tường ở thôn Mỹ Thượng 3, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân xin chuyển 2000 m2 đất sang trồng cây ăn quả. Đến thời điểm này, diện tích trồng cây ăn quả của ông đã cho vụ thu hoạch thứ 2, dù năng suất chưa cao nhưng so với trồng lúa vẫn hiệu quả hơn rất nhiều. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân tại Bắc Lương đã có cuộc sống đổi thay. Tuy nhiên, họ vẫn chưa hài lòng vì xây dựng NTM không có điểm dừng.

“Nhu cầu để nâng cao đời sống cho chính mình là tất yếu. Nhờ những chính sách trong xây dựng NTM nên bộ mặt nông thôn mới được thay da đổi thịt. Nhưng nếu chúng tôi không tiếp tục tiến lên thì đồng nghĩa với việc tự bỏ mình lại phía sau. Chúng tôi tiếp tục tiến tới là vì văn minh, giàu mạnh. Nhưng nếu có chính sách khuyến khích thì người dân sẽ hào hứng hơn. Và nếu như thế thì các mục tiêu đặt ra sẽ nhanh chóng đạt được, cuộc sống người dân sẽ có bước đột phá”, ông Tường nói.

Theo thống kê, nhờ chuyển đổi ruộng đất và cơ cấu cây trồng, đến nay toàn xã Bắc Lương đã có 45 ha đất lúa, đất màu kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi tổng hợp. Bình quân mỗi ha chuyển đổi, người dân Bắc Lương thu về 800 triệu đồng, có nghĩa là hơn rất nhiều lần so với trồng lúa. Có được điều đó, đương nhiên không chỉ nhờ chính sách của chính quyền địa phương mà cần những con người dám nghĩ, dám làm như ông Tường.

Chủ tịch UBND xã Bắc Lương ông Lê Văn Long cũng cho rằng, tiến lên, nâng cao các tiêu chí NTM là việc phải làm. Cái này tôi thấy nhiều tỉnh làm tốt lắm, Hà Tĩnh rất thành công cách làm này.

“Những tiêu chí như môi trường, so thời điểm đón nhận Bằng công nhận NTM thì đến nay chúng tôi đã nâng cao hơn rất nhiều. Năm 2018, Bắc Lương cũng được công nhận là xã an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu đặt ra và chúng tôi cũng là xã điểm, quyết tâm hết năm 2019 sẽ trở thành xã NTM nâng cao, năm 2020 là xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn nếu không có được những chính sách kích cầu và những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cấp trên”, ông Long cho biết.

Khi nói về các chính sách kích cầu của tỉnh, ông Long bảo, từng nghe nói tại các cuộc họp ở tỉnh, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ như để lại 100% tiền đấu giá quyền sử dụng đất, hay thưởng cho các xã về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu… nhưng cụ thể thế nào thì đến nay vẫn chưa rõ.

Ông nói, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng thông tin là nếu về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu sẽ được thưởng nhưng đến nay vẫn chưa rõ cụ thể như thế nào. Đỉnh điểm tiền đấu giá quyền sử dụng đất năm 2016 là trên 10 tỷ đồng nhưng sẽ khó lặp lại. Nếu chỉ để lại 80% số tiền này thực sự cũng sẽ khó khăn trong huy động xây dựng, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Vì thế, nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích thì địa phương sẽ rất phấn khởi.

“Vừa rồi, huyện cũng công bố thưởng các thôn đạt NTM kiểu mẫu số tiền 30 triệu đồng/thôn nhưng đến nay vẫn chưa có khiến người dân phân vân”, ông Long cho biết.

Ông Trần Đức Năng cho rằng, NTM nâng cao, kiểu mẫu là xu thế tất yếu vì thực tiễn đang đặt ra như vậy. Song nâng cao hay kiểu mẫu như thế nào phải cụ thể, chứ không thể nói chung chung.  Phải có mục tiêu, có xã điểm, huyện điểm để họ có động lực phấn đấu nếu không sẽ lúng túng và cào bằng hòa cả làng. Tỉnh cần có giải pháp để kích cầu các địa phương chứ không thể như hiện nay. Ngay cả tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu cũng chưa ban hành bộ tiêu chí cụ thể.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm