| Hotline: 0983.970.780

Tội ác ẩn nấp trong những cơn gió mùa: [Bài 3] Cuộc phục kích nửa đêm

Thứ Tư 24/01/2024 , 09:23 (GMT+7)

Hàng vạn mét lưới, hàng chục chiếc loa, âm li, bình ắc-quy..., những tang vật sát hại bầy chim trời bị bắt giữ, chất thành một kho lớn tại Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải.

Bất ngờ kho tang vật sát hại chim trời

Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải nằm ở trên đê, thuộc thị trấn Ngô Đồng (huyện Giao Thủy), cách Vườn quốc gia Xuân Thủy chừng chục km. Giao - Xuân - Hải là tên ghép của 3 huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, đồng thời cũng là địa bàn giao Hạt quản lý.

Anh Đỗ Huy Thông, Hạt trưởng dẫn tôi đến phòng cất giữ tang vật thu giữ được trong những lần kiểm tra, kiểm soát hoạt động bẫy bắt chim hoang dã trên địa bàn. Những gì chứng kiến khiến chúng tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Thủy bên kho lưới tang vật bãy bắt chim trời thu giữ.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Thủy bên kho lưới tang vật bãy bắt chim trời thu giữ.

Trụ sở Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải là một khu nhà hai tầng kiên cố, dù được xây dựng đã khá lâu nhưng sạch đẹp và ngăn nắp. Tại khu vực gầm cầu thang dẫn lên tầng 2, những bao tải được chất thành một đống, chật kín như một nhà kho. Tôi thoáng xuất hiện ý nghĩ rằng, những bao tải đó trữ thóc vụ mùa vừa được thu hoạch, bởi có thể Hạt Kiểm lâm có ruộng đất canh tác để cải thiện đời sống. Ở những vùng đồng đất diện tích canh tác nhiều như các huyện ven biển của Nam Định, ruộng đồng lúa thẳng cánh cò bay, các đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn hoàn toàn có điều kiện để khai khẩn để có diện tích canh tác hoặc đầm bãi nuôi trồng thủy sản…

Nhưng, một sự thật khiến tôi vô cùng bất ngờ.

Im lặng không nói gì, anh Thông gọi một cán bộ trong hạt, anh Nguyễn Thành Nam cùng xuống, phụ mình mang những bao tải chất đống ra khu vực rộng hơn. Thoăn thoắt mở dây buộc đầu bao, anh Nam giũ tung từng bao một.

Trước mắt tôi, những cuộn lưới được vò chặt, lèn đầy trong những bao tải, khi đổ tung ra mặt đất, nó xòa ra một đống tướng. Tất cả là lưới bẫy chim được Hạt Kiểm lâm thu giữ trong các lần kiểm tra, tuần tra kiểm soát hoạt động bẫy bắt chim trời, chim di cư, hoang dã tại các xã trên địa bàn.

Năm 2023, đơn vị đã thu giữ hàng vạn mét lưới bẫy chim trên địa bàn huyện Giao Thủy.

Năm 2023, đơn vị đã thu giữ hàng vạn mét lưới bẫy chim trên địa bàn huyện Giao Thủy.

“Có những lần đi kiểm tra, anh em thu giữ tại hiện trường tang vật là lưới bẫy chim giăng dài hàng ngàn mét. Đó là lưới bẫy được giăng ngang, nối với những cây sào dài. Cách 200m một họ lại đặt một chiếc loa để phát âm thanh gọi chim. Theo tiếng chim được phát ra, cùng với bầy chim mồi giăng sẵn, thế là chim trời sà xuống sẽ dính vào lưới, mắc kẹt không tài nào thoát được”, anh Thông giải thích.

Riêng năm 2023, khối lượng lưới bẫy chim mà Hạt thu giữ, mang về cất giữ lên tới hơn 20.000 mét lưới. Một số lượng lưới không hề nhỏ khác đã được tiêu hủy tại chỗ bằng cách đốt bỏ. Các phương tiện khác như loa, ắc-quy, đầu âm ly để cắm usb phát âm thanh gọi chim, nhiều lần anh em mang về không xuể, cũng phải tiêu hủy, đập bỏ tại chỗ.

Nhưng vẫn chưa hết!

Dẫn tôi lên căn phòng của tầng 2 của Hạt, anh Thông gọi thêm một cán bộ khác, Đỗ Đức Trung, một cán bộ kiểm lâm trẻ, sinh năm 1991, mang chìa khóa để mở chiếc tủ sắt.

“Bình thường, đây là tủ cất giữ tài liệu của chúng tôi, tuy nhiên vì không có chỗ bảo quản nên anh em đành “trưng dụng” để làm nơi chất trữ”, anh Thông giải thích.

Những thiết bị loa phát thanh, đầu thu phát gọi chim...

Những thiết bị loa phát thanh, đầu thu phát gọi chim...

 
Mottj chiếc usb có tiếng loài chim định bẫy được thu sẵn...

Mottj chiếc usb có tiếng loài chim định bẫy được thu sẵn...

Khi cánh tủ sắt được mở ra, những “bí mật” được hé lộ: hàng chục chiếc loa, đầu âm li… được bày trên chiếc bàn rộng, đủ hình thù, màu sắc, kích thước, trong đó có những chiếc loa bằng nhôm nguyên bản, dày bịch - những thứ chỉ xuất hiện ở những năm 1990 về trước.

“Đây là những đồ nghề của dân bẫy bắt chim trời. Một chiếc âm ly hình chữ nhật nhỏ gọn có thể giấu trong túi áo, một chiếc loa; bình ăc-quy, thủ nhớ usb có gia sẵn tiếng gọi chim, và những mảnh lưới. Vậy là có thể hành nghề bẫy bắt chim trời.

Sắp những tang vật thu giữ lên hết mặt bàn, anh Thông tìm trong đống tang vật lấy ra một chiếc thẻ usb, rồi biểu diễn cho tôi xem cách thức mà dân bẫy chim thường làm. Một chiếc loa bé tẹo, hình dáng xấu xỉ, méo mó, cũ nát này có thể đưa âm thanh đi xa vài km. Những âm thanh ma mị, dụ dỗ ấy là thứ giết chết những loài chim trời, bởi chúng cứ ngỡ đó là tiếng đồng loại đang vẫy gọi…

“Có đủ âm thanh của các loại chim, cho nên muốn bắt bẫy chim gì, họ chỉ cần phát ra âm thanh của loại chim ấy. Để thu giữ được ngần này tang vật, với chúng tôi, đó là một cuộc chiến không cân sức, và phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải Đỗ Huy Thông chia sẻ.

Những cuộc mật phục lúc nửa đêm

Lý giải vì sao các đối tượng bẫy bắt chim thường hoạt động ở các xã ven biển, các khu vực rừng ngập mặn…, anh Thông cho hay: vùng ngập nước là nơi có nhiều tôm cá, động vật, ngoài ra có nhiều đầm bãi nuôi trồng thủy sản của người dân. Đó là nguồn thức ăn thu hút chim hoang dã, chim di cư tim về.

 
Hình nộm chim trời làm mồi nhử được lực lượng kiểm lâm thu giữ.

Hình nộm chim trời làm mồi nhử được lực lượng kiểm lâm thu giữ.

Một lý do quan trọng khác, đó là Vườn quốc gia Xuân Thủy, những khu rừng ngập mặn ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, bên kia là Kim Sơn (Ninh Bình), tiếp đó là Thái Thuy, Tiền Hải (Thái Bình) nối dài thành một vùng rừng ngập mặn bạt ngàn. Đây là môi trường sống của nhiều loài chim di trú theo mùa, từ lâu đã ăn sâu vào thành tập tục tự nhiên của đám chim trời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến mùa chúng lại tìm về.

Biết được những đặc tính này, dân bẫy chim “đón lõng” chúng ngay cửa rừng, bủa lưới phục kích, đồng thời có thêm nhiều thủ đoạn khác như dùng chim mồi để nhử, sử dụng loa gọi chim… Đó là những tang vật mà Hạt kiểm lâm đang cất giữ, chất đống trong chiếc tủ sắt, trong gầm cầu thang… mà tôi vừa chứng kiến.

Lưới tàng hình được đội săn bắt chim trời giăng trên cánh đồng...

Lưới tàng hình được đội săn bắt chim trời giăng trên cánh đồng...

Lực lượng kiểm lâm phải rất vất vả khi đi thu giữ, huỷ bỏ.

Lực lượng kiểm lâm phải rất vất vả khi đi thu giữ, huỷ bỏ.

“Những hoạt động này diễn ra khá phổ biến, thường xuyên và trở thành một trong những điểm nóng. Hàng năm, mùa chim di cư cũng đồng nghĩa là mùa mà hoạt động bẫy bắt chim hoang dã bắt đầu”, anh Thông lý giải.

Để đảm bảo tính chất bí mật trong các cuộc tuần tra bắt giữ đối tượng bắt bẫy chim trời, kế hoạch hành động được Hạt đưa ra đó là phục kích bất ngờ. Cứ khoảng 3- 4h sáng, đội tuần tra lên đường làm nhiệm vụ. Khi đó, Hạt trưởng Đỗ Huy Thông mới điện thoại báo cáo lãnh đạo UBND các huyện liên quan để lãnh đạo huyện điện thoại với lãnh đạo các xã cử công an xã, cán bộ thôn… phối hợp với lực lượng kiểm lâm.

Một chú chim mồi bị khâu mắt để làm mồi nhử đồng loại...

Một chú chim mồi bị khâu mắt để làm mồi nhử đồng loại...

Thu giữ lưới bẫy chim.

Thu giữ lưới bẫy chim.

“Đó là thời gian dân bẫy chim chuẩn bị thu lưới khi trời gần sáng. Thứ hai, không thông báo sớm bởi những người đi bẫy bắt chim hầu hết là người địa phương. Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng họ có quan hệ bà con với cán bộ xã, họ sẽ được thông tin trước để dễ dàng phi tang, tẩu thoát, xóa dấu vết…”.

Với cách thức này, trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã kịp thời ngăn chặn rất nhiều vụ bắt bẫy chim trời, thu và tiêu hủy hàng vạn mét lưới, hàng chục thiết bị loa, âm ly; giải thoát hàng trăm chim di cư bị trúng lưới tái thả về tự nhiên.

“Mỗi khi giải cứu được những đàng chim trời bị bẫy bắt, tái thả chúng về tự nhiên, chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều”, Hạt trưởng Đỗ Huy Thông chia sẻ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

'Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh’

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại Hội nghị 'Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển' diễn ra sáng 26/12, tại Nam Định.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.