| Hotline: 0983.970.780

Tội ác ẩn nấp trong những cơn gió mùa [Bài 1]: 'Tử địa' chim trời nơi rừng ngập mặn

Thứ Hai 22/01/2024 , 06:30 (GMT+7)

Mỗi đợt gió mùa về, dân bẫy chim di trú sẽ đón đầu, bủa lưới, chặn đứng đường về nơi trú ngụ… Một sự thật đau đớn ngay cửa những khu rừng ngập mặn.

Chặn đường chim di trú ngay cửa rừng ngập mặn

Mất rất nhiều lần đi lại, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được P. – dân bẫy chim hoang dã chuyên nghiệp có thâm niên giờ đã giải nghệ. Những câu chuyện P. tiết lộ và dày công tìm hiểu, chúng tôi không khỏi bàng hoàng về những cách thức bẫy bắt chim trời, dựa vào thói quen sinh sống của loài chim hoang dã để mưu sinh. Một cách mưu sinh đầy tàn độc.

Rừng ngập mặn ngoài đê sông Đáy - nơi có những 'tử địa' tận diệt chim trời do những kẻ bẫy bắt chim tạo ra.

Rừng ngập mặn ngoài đê sông Đáy - nơi có những "tử địa" tận diệt chim trời do những kẻ bẫy bắt chim tạo ra.

Chiều muộn. Sống đê biển ven Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) sẫm lại thành một vệt kẻ đậm. Ngoài đê là cửa sông Đáy. Trong đê, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản của người dân nằm trong lõi Cồn Xanh, thời điểm tranh tối tranh sáng trở nên loang loáng như những chiếc gương bạc. Những khoảng ngập nước ven biển, mùa này lên xanh bời bời, xanh tới mức phóng tầm mắt ra xa hàng cây số, màu xanh bỗng trở thành một vệt xa mờ.

Chỉ tay những con lạch nhỏ nối với con kênh sát với triền đê, P. bảo: khu rừng ngập mặn, nhìn thì tưởng đơn giản nhưng bên trong nó là một ma trận. Nếu không biết đường, sẽ bị lạc trong đó mà không có lối ra. Chỉ có những người quen đường mới có thể ra được. Ngay như những hộ dân có đầm bãi nuôi trồng thủy sản hàng chục năm ở khu vực ngoài đê, phía tiếp giáp với Cồn Mờ (khu vực ngoài cùng tiếp giáp với biển), cũng chưa từng đặt chân tới.

Những người thường tìm đến vùng rừng ngập mặn này, và thuộc nằm lòng từng con lạch, là những đội săn bẫy chim trời. Họ dọn một bãi đất trống, bãi đất này sẽ là nơi đặt chim mồi, đặt loa phát ra âm thanh gọi chim. Lưới chụp được quây xung quanh, khi một đàn chim hoang dã (chủ yếu là diệc, vạc, cò… - những loài chim di trú từ vùng tiếp giáp giữa Nga và Trung Quốc về trú đậu ở VQG Xuân Thủy và các vùng rừng ngập mặn ba tỉnh Đồng bằng sông Hồng là Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) bị dụ bởi âm thanh đồng loại phát từ loa, bẫy sẽ sập xuống, nhốt giữ cả đàn. Họ đi tay không, từ lúc sẩm tối, nhọ mặt người, dụng cụ bẫy bắt đã cất giữ ở chỗ khác… nên không ai biết. Sáng sớm hôm sau, trời chưa sáng thì họ đã thu lưới. Dấu vết tội ác hoàn toàn bị xóa bỏ. Việc bẫy bắt chim chỉ diễn ra trong đêm, không ai biết chỗ nào mà lần.

Những đàn chim di trú tìm về VQG Xuân Thủy theo mùa - đích ngắm của dân bẫy bắt chim trời.

Những đàn chim di trú tìm về VQG Xuân Thủy theo mùa - đích ngắm của dân bẫy bắt chim trời.

Mượn một chiếc thuyền nhỏ của một người dân có đầm bãi ngoài Cồn Xanh, chúng tôi ì oạp bơi thuyền qua những con lạch nhỏ như lời P. nói. Những cây sú, vẹt, bần tuổi đời vài chục năm, đứng trên đê nhìn như những thảm cây bụi, thế nhưng, đi xuyên giữa khu rừng đất ngập nước đầy sình lấy, mới thấy cây nào cây nấy lững lững, rắn chắc, cao trên 3 mét, đan vào nhau như thành vách.

Những tán rừng ngập mặn, ngoài việc giữ đất, ngăn sói lở, ngăn biển xâm thực, nó còn là một hệ sinh thái của thế giới sinh vật ngập nước, là nơi trú đậu, sinh sống, làm tổ của những loài chim di cư, cứ đến mùa sẽ lại từ phương Bắc, từ khắp nơi trên thế giới tìm về.

Đi được chừng hơn 1h thì đến đoạn nước cạn, thuyền không thể bơi tiếp được. Tôi nhảy xuống đẩy thuyền. Mới đặt một chân xuống, đất lún, ngập quá đầu gối. P. vội vàng ngăn lại, kéo tay tôi lôi lên. “Không bước được đâu, càng bước tiếp thì càng sụt lún” P. bảo. Chúng tôi bám theo những gốc bần, gốc vẹt để kéo lê thuyền trên mặt bùn nhão nhoét.

Tội ác ẩn trong những cơn gió mùa

Bằng kinh nghiệm, và đương nhiên phải tìm hiểu tập tục, thói quen của loại chim sắp bẫy, đồng thời là những thổ địa, sống ngay chân những khu rừng ngập mặn, những người đi bẫy chim hoang dã biết rất rõ khi nào chim về để đặt bẫy, trúng bẫy.

“Cứ khi nào mà sắp có gió mùa thì lúc ấy sẽ có chim di cư. Đấy cũng là lúc đi thả lưới, bẫy được nhiều chim nhất. Trước, chưa có loa phát âm thanh gọi chim, việc bẫy chim hoang dã bằng cách thủ công, vẫn dùng lưới nhưng sử dụng chim mồi, chim giả… để nhử chim thật” – P. cho hay.

Những chiếc loa gọi chim được dân bẫy chim treo trong những khu rừng ngập mặn...

Những chiếc loa gọi chim được dân bẫy chim treo trong những khu rừng ngập mặn...

Nó là thứ để kéo những đàn chim đang di cư về phía chiếc bẫy đã đặt sẵn...

Nó là thứ để kéo những đàn chim đang di cư về phía chiếc bẫy đã đặt sẵn...

Anh N.V.C – một chủ đầm nuôi thủy sản tại Cồn Xanh cho biết: mùa chim di trú bắt đầu từ tháng 7 cho tới đầu đông. Có đêm, chim bay cả đàn qua khu Cồn Xanh rộng vài trăm ha, tiếng đập cánh rào rào như gió, kêu chao chat trên mái nhà. Đầm bãi nuôi thủy sản, khu vực rừng ngập mặn… có nhiều tôm cá, là nguồn thức ăn dồi dào nên chim di trú tìm về rất nhiều.

Thời điểm đỉnh điểm, đúng mùa, đội bẫy chim hoang dã có đêm bẫy được cả đàn diệc lên tới vài chục cá thể. Diệc là loài có trọng lượng lớn, sải cánh lên hơn 1m, nặng trên dưới 2kg. Tiếp đến là vạc, cò…, những loài chim di trú theo mùa.

Chưa ai biết chính xác số lượng chim trời mỗi năm bị bắt bẫy ngang đường di trú, không kịp về nơi trú ngụ quen thuộc là VQG Xuân Thủy bao nhiêu cá thể, nhưng, có lẽ đó là một con số rất lớn. Bởi, các huyện ven biển của Nam Định như Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy… là một vệt ven biển nối liền, bên kia đất Ninh Bình, nằm cách Vườn quốc gia Xuân Thủy – sân chim lớn nhất ở Đồng bằng Sông Hồng, nếu theo đường chim bay là một khoảng cách rất gần.

Ánh mắt hoảng hốt, tuyệt vọng của một chú chim hoang dã bị mắc lưới...

Ánh mắt hoảng hốt, tuyệt vọng của một chú chim hoang dã bị mắc lưới...

Nhưng, có những đồng loại xấu số, kém may mắn hơn đã bị chết trong quá trình giãy dụa tuyệt vọng...

Nhưng, có những đồng loại xấu số, kém may mắn hơn đã bị chết trong quá trình giãy dụa tuyệt vọng...

Hay chết khô giữa muôn trùng lưới bủa vây...

Hay chết khô giữa muôn trùng lưới bủa vây...

“Việc họ làm không ai biết, vì đương nhiên họ biết bắt bẫy chim hoang dã là vi phạm nên thường tổ chức bẫy bắt lén lút. Người đến thu mua cũng lén lút, không phải là người trong vùng. Họ thường đi theo lối các bến đò dọc sông từ Ninh Bình, Thái Bình bắc qua, sau đó cắt trục đường liên xã, ngụy trang không ai nhận ra.

Bây giờ, lực lượng kiểm lâm kiểm soát gắt gao, họ không vận chuyển chim sống mà vặt lông, đóng thùng xốp, đóng đá, ngụy trang như người đi mua tôm cá, không ai phát hiện được” – một người dân cho biết.

Ông N.V.T – đội trưởng đội kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định) cho biết, năm 2023, đơn vị đã bắt giữ 5 vụ việc bắt bẫy chim hoang dã tại địa bàn các huyện ven biển, chủ yếu là các xã có nhiều đầm bãi nuôi trồng thủy sản, có rừng ngập mặn, và hầu hết đều là vùng đệm của VQG Xuân Thủy – sân chim mà hằng năm, chim di trú từ khắp nơi trên thế giới bay về. Đó mới là một con số rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra.

Mới đây, cuối năm 2023, lực lượng kiểm lâm tỉnh Nam Định đã tổ chức phát hiện và giải cứu được 80 cá thể vạc hoang dã, 22 chim diệc nuôi nhốt trái phép tại nhà một hộ dân (ông Trần Văn H., xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng). Toàn bộ số chim này sau đó đã được tái thả về tự nhiên. Ô H. bị xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng...

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm