| Hotline: 0983.970.780

Tôi kể người nghe chuyện Supe

Chủ Nhật 07/06/2015 , 20:27 (GMT+7)

Chuyện miên man tình người, tình đời ở một cộng đồng rất đặc biệt. Chuyện về một khu dân cư có tên là "thành phố sung sướng". Chuyện về những hoạt động phúc lợi, an sinh xã hội rất đặc biệt của một doanh nghiệp…

Thành phố sung sướng

Bà Nguyễn Thị Mùi ở làng Cổng Rổ, khu 4, xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) tối hôm nay lại rủ các bà trong hội đi chùa của mình hóng mát.

Trong khi mấy bà đang nhao nhao bàn tán đi đâu thì bà Mùi thủng thẳng: “Đi ra thành phố sung sướng chứ còn đi đâu nữa?”. “Thành phố sung sướng” chính là cái xóm cầu Bưởi gần ngay làng bà chứ không phải đâu xa lạ.

Bà Mùi năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm vì năng vận động. Mươi tối nay, hầu như ngày nào bà cũng ra nhà con gái là Bùi Thị Kế ở xóm cầu Bưởi vừa để tập thể dục cho khỏe gân, khỏe cốt vừa để ngắm cái mà bà gọi là thành phố sung sướng cho thật no, thật đã con mắt.

Bà bảo con gái rằng: “Sướng lắm con ạ! Mẹ ra đây mà như là được đi du lịch đấy! Đời bố mẹ không bao giờ nghĩ được hưởng nhiều ánh sáng đẹp đến như thế này đâu con!”.

Trong làng tiếng là nông thôn nhưng giờ nhà nhà xây dựng, đường đường bê tông, cây cối ít, chăn nuôi nhiều, bức bí bởi mùi xú uế bốc lên ngột ngạt đến khó thở, nóng bức bởi sự hấp hơi nhiều khi muốn phát cuồng nên được ra ngắm cảnh phố xá lên đèn đẹp lộng lẫy, đón gió đồng quê lồng lộng thế này thật thích.

Lắm buổi sáng bà Mùi ra cầu Bưởi để tập thể dục, tối bà lại ra Cầu Bưởi để chơi, hóng mát.

Thế mà chỉ mới đây thôi, cầu Bưởi còn là một địa danh tràn đầy sự tăm tối. Ông Phạm Văn Hồng, trưởng xóm đã sống ở đây 17 năm kể, mình đã chứng kiến ít nhất 5 - 6 vụ tai nạn chết người, chủ yếu diễn ra vào ban đêm bởi đường xấu lại không có đèn nên mất kiểm soát.

Đau lòng nhất là vụ có hai nạn nhân quê ở xã Tiên Kiên đèo nhau trên một chiếc xe máy chẳng may lao vào đống cát, một đập xuống đường chết tại chỗ, một đưa đi cấp cứu nhưng hôm sau cũng lìa đời.

Không chỉ có tai nạn, ở khu vực cầu Bưởi còn có nhiều trường hợp người đi đường về khuya bị trấn lột, bị bắt nạt.

Có bận nửa đêm vợ chồng ông Hồng đang ngon giấc bỗng có tiếng chuông kêu dồn dập. Lịch xịch ra mở cửa, một khuôn mặt phụ nữ mếu máo hiện ra, giọng chị chưa hết vẻ run rẩy: “Chú cho cháu trú nhờ một lát. Cháu đi làm ca về khuya thì bị mấy thằng du côn cứ bám theo, sợ quá chú ạ!”…

Bởi tình hình mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông như vậy nên cứ tầm 9 -10 giờ tối là tuyến đường chạy dọc xóm cầu Bưởi đã vắng hoe vắng hoắt, hễ ai có việc gì bắt buộc phải qua đây vào buổi đêm đều nơm nớp âu lo.

Có trường hợp vợ đi làm ca, chồng không yên tâm phải đi đón mà bọn xấu vẫn bám theo xộc vào tận nhà xin đểu…Kể từ hồi lực lượng cảnh sát đi tuần tra thường xuyên và nhất là sau khi được trang bị chiếu sáng tình trạng mất an ninh trật tự ở cầu Bưởi mới chấm dứt.

Chung sức cùng nông thôn mới

Đáng lẽ việc làm đường, lắp bóng điện chiếu sáng trên quốc lộ 32 C đoạn qua cầu Bưởi là trách nhiệm của nhà nước nhưng thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng nên Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã quyết định xắn tay vào mà làm.

Đơn vị đã tổ chức vá lại đoạn đường xấu ở ngã ba Chu Hóa, kéo đường nước sạch xuống từng khu dân cư và nhất là đầu tư một hệ thống chiếu sáng đồng bộ với 31 cột đèn tiêu chuẩn có độ cao 10 m lắp bóng cao áp Sodium.

Riêng hệ thống chiếu sáng này có giá trị trên 1,4 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 15/4 đến dịp kỷ niệm thống nhất đất nước thì khánh thành.

08-48-20_dsc_9769
Khu phố về đêm

Khu 9 kéo dài 3 cây số, theo quy hoạch chỉ có một nhà văn hóa nhưng do dân cư đông, địa hình dài, chỉ riêng xóm cầu Bưởi với 50 hộ dân đã kéo dài trên 1 cây số, chuyện hội họp rất vất vả. Chính vì vậy Cty Lâm Thao đã tài trợ trên 1 tỷ đồng để xây dựng cho khu 9 thêm một nhà văn hóa nữa.

Công trình hoàn thành vào cuối năm 2014 với đầy đủ các thiết bị như loa đài, bàn ghế, phông màn… để chiều chiều dân ra thể thao bóng chuyền, bóng bàn, xà đơn, ngập tràn trong tiếng cười, tiếng nói.

Hội họp, sinh hoạt vào ngày thường tại đây đã vui nhưng không thể so sánh với những ngày lễ tết.

Đó là những buổi văn nghệ thâu đêm, những kỳ hát xoan suốt sáng. Đó là những lúc cúng xong giao thừa khoảng một, hai giờ sáng cả xóm quy tụ lại nhà văn hóa để chúc tết chung rồi lại tỏa ra từng nhà chúc riêng từng hộ.

Không chỉ giúp xây dựng nhà văn hóa ở một khu cầu Bưởi mà Cty CP Lâm Thao còn giúp xây dựng 5 nhà văn hóa, nhiều trường học, các trung tâm vui chơi giải trí, đường đi lại trong xóm để thực hiện chính sách doanh nghiệp đồng hành cùng an sinh và phúc lợi xã hội với cộng đồng.

Dưới bóng mát của những tàng cây, gió đồng lồng lộng, điện sáng chan hòa, tối tối dân xóm cầu Bưởi lại quây quần hóng mát trên vỉa hè, kẹo trà vui vẻ. Họ kể hôm khánh thành đường điện, cả khu liên hoan. Hai vợ chồng chị Kế cũng phóng xe máy từ đầu khu đến một nhà ở giữa khu để tham dự cuộc vui.

Nửa đêm họ khoác tay nhau tình tứ đi bộ ra về mà quên cả lấy xe máy đến mãi sau mới gọi điện thảng thốt hỏi người hàng xóm: “Anh ơi, có thấy chiếc xe máy nhà em dựng ở trên vỉa hè cò còn đó không?”.

Đụng lợn, chung gà, nhà nào cũng làm lễ khánh thành đường điện mời cả khu lần lượt đến nhà hàn huyên, tâm sự.

Lâm Thao phấn đấu đến tháng 9/2015 sẽ đạt huyện NTM, một trong những huyện NTM sớm vào dạng nhất nhì miền Bắc. Thạch Sơn là một trong sáu xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM khiến cho những xã khác cũng gắng bước nhanh để tiến kịp.

Nhiều mục tiêu trước mắt cần hoàn thành nhưng một khi có doanh nghiệp đồng hành, có nhân dân chung sức thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

Công tác an sinh phúc lợi xã hội luôn được Cty Lâm Thao đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất đến người lao động. Cty dành phần lớn kinh phí phúc lợi để cải tạo điều kiện làm việc; xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình phúc lợi phục vụ đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

Ngoài các công trình đã được xây dựng và cải tạo như: Nhà văn hóa các khu; cải tạo nâng cấp bể bơi; nhà luyện tập thể dục thể thao; đường đi bộ; nhà đa năng; sân bóng chuyền; sân chơi, sắp tới Cty còn ứng vốn để xây dựng chợ khu công nhân Cty; cải tạo hồ sinh thái; xây dựng thư viện văn hóa; mở các lớp thể hình khiêu vũ đối với con em CBCNV.

Cty luôn dành một phần kinh phí để động viện khích lệ các cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và kỳ thi đại học, cao đẳng…

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm