| Hotline: 0983.970.780

Tôm cá, chim muông tìm về rừng ngập mặn

Thứ Hai 19/07/2021 , 18:04 (GMT+7)

Nhận thấy lợi ích từ việc phục hồi rừng ngập mặn, người dân ven đầm Thị Nại, đầm Đề Gi đã chung tay bảo vệ. Tôm cá, chim về trú ngụ rất nhiều.

Xác định rừng ngập mặn có vai trò chống xâm thực thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật hữu ích, cuối năm 2010, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Quy hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn giai đoạn 2010 - 2020 với tổng diện tích 461,4ha.

Công trình trồng rừng ngập mặn thuộc Dự án 'Lá chắn xanh' được thực hiện tại Bình Định giai đoạn 2012-2014. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình trồng rừng ngập mặn thuộc Dự án “Lá chắn xanh” được thực hiện tại Bình Định giai đoạn 2012-2014. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong đó, quy hoạch rừng ngập mặn trồng mới 391,4 ha và bảo vệ diện tích rừng hiện có 70ha. Diện tích rừng ngập mặn được quy hoạch tập trung chủ yếu ở các bãi bồi ven 2 đầm lớn là đầm Thị Nại nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn cùng huyện Tuy Phước và đầm Đề Gi nằm trên địa bàn 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Riêng đầm Thị Nại được quy hoạch 239,6ha, trong đó diện tích rừng hiện có là 70 ha; đầm Đề Gi có diện tích quy hoạch là 221,8ha.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trước đây, việc trồng rừng ngập mặn chỉ triển khai tại Khu sinh thái Cồn Chim ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định), thế nhưng trong những năm qua, rừng trồng mới đã mở rộng thêm trên các bãi triều ven đầm Thị Nại, Đề Gi theo quy hoạch trồng rừng được UBND tỉnh phê duyệt.

Rừng ngập mặn được trồng mới theo phương thức nhà nước trồng, chăm sóc trong 5 năm đầu tiên, khi thành rừng sẽ giao khoán cho người dân ven đầm Thị Nại, Đề Gi bảo vệ. Đến nay, rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu trồng các loại cây đước đôi, bần trắng và mắm trắng. Hiện diện tích rừng ngập mặn ở Bình Định đang sinh trưởng phát triển tốt, bắt đầu phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói lở, cố định các bãi bồi ven đầm và góp phần đa dạng sinh học. 

Bình Định đang nỗ lực bảo vệ, trồng mới rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định đang nỗ lực bảo vệ, trồng mới rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước năm 2016, ngành chức năng Bình Định triển khai giao khoán 32,7ha rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ. Tuy nhiên, một số hộ dân tự ý lấn chiếm, đắp bờ quây lưới trái phép trong khu vực rừng trồng ngập mặn để khai thác thủy sản gây thiệt hại cho rừng trồng.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cưỡng chế những trường hợp vi phạm, hiện nay diện tích rừng nói trên đã nằm trong vòng kiểm soát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các diện tích rừng khác đã được giao khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ.

Nhận thấy lợi ích từ việc phục hồi rừng ngập mặn, nhiều hộ dân sinh sống ven đầm Thị Nại, đầm Đề Gi đã chung tay bảo vệ. Ông Dương Văn Tường ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Trước đây, người dân chưa nhận thức được lợi ích từ rừng ngập mặn, nên sau khi nhà nước tổ chức trồng, lúc cây còn nhỏ, nhiều người thường nhổ phá để dễ khai thác thủy sản. Bây giờ chuyện ấy không còn.

"Riêng tôi, sau khi tham gia trồng đã nhận khoán bảo vệ 3ha rừng, đến nay cây đã cao hơn 4m. Nhờ có rừng ngập mặn nên cá, tôm về trú ngụ rất nhiều, những người làm nghề khai thác thủy sản có thu nhập khá hơn. Ý thức được giữ rừng ngập mặn cũng là giữ kế mưu sinh của mình nên bà con ai cũng chung tay bảo vệ rừng”, ông Tường cho biết.

Rừng ngập mặn ở Bình Định đang phát triển tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng ngập mặn ở Bình Định đang phát triển tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025 của Bình Định, tổng diện tích được giao khoán bảo vệ là 55,41 ha, trong đó tiếp tục khoán bảo vệ đối với diện tích 42,77 ha rừng đã có và 12,64 ha rừng trồng mới trong giai đoạn 2016-2020. Phát triển rừng trồng mới rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025 là 10 ha.

Theo ông Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định), hiện đơn vị đang tập trung chăm sóc, bảo vệ những diện tích rừng ngập mặn hiện có.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang nghiên cứu giống dừa nước, bần chua tại vườn ươm giống Khu sinh thái Cồn Chim (đầm Thị Nại) để trồng thử nghiệm, nhằm tạo ra rừng ngập mặn với phong phú nhiều loại cây, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của các bãi triều ven đầm trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Hiện nay rừng ngập mặn ở Bình Định đã bắt đầu phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói lở và góp phần đa dạng sinh học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện nay rừng ngập mặn ở Bình Định đã bắt đầu phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống xói lở và góp phần đa dạng sinh học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: Trung tâm đang xây dựng các mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nhằm kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế của hộ nhận khoán mà vẫn phát huy hiệu quả của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đồng thời, có cơ chế chuyển đổi nghề đối với những hộ dân khai thác thủy sản trên các bãi bồi ven biển để giảm áp lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo những giống cây ngập mặn có khả năng thích nghi cao, sức sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tại nơi trồng...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.