| Hotline: 0983.970.780

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cà phê lao dốc

Thứ Hai 22/07/2019 , 10:21 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại Đăk Lăk Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và đưa ra những giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.  

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê VN, phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen, thời tiết khá thuận lợi tại các tỉnh Tây Nguyên đã tạo điều kiện cho việc đầu tư, chăm sóc vườn cây cà phê tại các đơn vị sản xuất nông nghiệp.

Về lĩnh vực kinh doanh thương mại thì gặp rất nhiều khó khăn, do giá cà phê giảm và kéo dài ở mức thấp, các đơn vị kinh doanh thương mại đạt giá thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết: Hiện nay, toàn Tổng Công ty có 25.884 lao động, đang quản lý 16.612ha cà phê, trong đó có 10.346 ha đã đưa vào kinh doanh, 3.347 ha đang kiến thiết cơ bản và 2.919 ha đang luân canh cải tạo, ngoài ra còn có 2.067 ha lúa nước, 1.585 ha cao su.

Đối với các đơn vị sản xuất, thời tiết thuận lợi, năng suất có thể đạt cao hơn so với vụ 2018. Tuy nhiên, do đặc thù công tác sản xuất cà phê là bỏ chi phí đầu tư từ đầu năm, đến cuối năm mới có sản phẩm thu hoạch, vì vậy đối với 6 tháng đầu năm cơ bản là phát sinh chi phí, chưa có thu nhập nên hầu hết các đơn vị bị lỗ. Đối với các đơn vị kinh doanh thương mại, do giá cà phê giảm sâu kéo dài, so với cùng kỳ giá giảm hơn 10 triệu đồng/tấn, khiến cho việc kinh doanh gặp không ít khó khăn.

Tính đến 30/6/2019, tổng lượng cà phê xuất khẩu: 30.554 tấn, đạt 56% kế hoạch năm, bằng 114% cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu; 32 triệu USD đạt 33% kế hoạch năm và bằng 73% so với cùng kỳ 2018. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xác định trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể CBCNV-NlĐ và cả hệ thống chính trị mới có thể vượt qua khó khăn để hoàn thành được các chi tiêu kế hoạch năm.

Vườn cây cà phê tại Tây Nguyên.

Ông Minh cho biết thêm, theo quyết định số 123/QĐ ngày 26/4/2019 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc phê duyệt kế hoạch, sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019 của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Với tổng sản lượng cà phê dự kiến xuất khẩu 55.000 tấn, sản lượng thóc 24.604 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt: 80 triệu USD. Tổng doanh thu khoảng: 4.257 tỷ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến: 35,6 tỷ và nộp ngân sách: 59,9 tỷ.

Để đạt những chỉ tiêu trên, ban lãnh đạo Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với cơ quan nghiên cứu và địa phương, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống biến đổi khí hậu như: điều chỉnh thời vụ tưới; thời vụ thu hoạch; thời điểm bón phân; chế biến bảo quản sản phẩm thu hoạch…đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định.

Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt phương án khoán theo Nghị định 168/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người lao động thực hiến tốt công tác khoán trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Phan Xuân Thắng, Chủ tịch HĐTV phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, ông Phan Xuân Thắng, Chủ tịch HĐTV kiến nghị và đề xuất Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, Ngành liên quan sớm trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng Cty giai đoạn 2018 – 2020.

Đồng thời đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương miễn, giảm tiền thuê đất nông nghiệp, đặc biệt là miễn tiền thuê đất trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của cà phê tái canh, nhằm giảm bớt những khó khăn cho người nhận khoán. Đề nghị Chính phủ, ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục hạ thấp lãi suất vốn vay dài hạn để thực hiện chương trình tái canh cà phê, đồng thời mở rộng phạm vi để cho các ngân hàng thương mại khác (ngoài Ngân hàng NN - PTNT)  thực hiện chương trình này, giúp doanh nghiệp và người trồng cà phê dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, Ngành và các địa phương, với truyền thống nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực của cán bộ , công nhân viên và người lao động trong toàn Tông Cty quyết tâm sẽ đạt được các chỉ tiêu kế hoạch trong năm mà Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đã giao.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.