Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 18/9 (Ảnh: Reuters) |
Thông tin trên được đưa ra khi Tổng thống Andrzej Duda có chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng hôm qua, 18/9, và gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ.
“Tôi mời các bạn triển khai thêm các binh sĩ Mỹ tại Ba Lan”, Tổng thống Duda nói, gọi sự hiện diện của Mỹ là nhằm “đảm bảo cho an ninh”. Đề xuất Mỹ xây dựng căn cứ quân sự lâu dài tại Ba Lan, ông Duda nói ông có thể đặt tên cho căn cứ này là “Fort Trump”.
“Tôi hi vọng rằng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng Fort Trump tại Ba Lan. Tôi tin rằng không có biện pháp hiệu quả nào nhằm ngăn chặn một cuộc chiến hơn là một lập trường cương quyết chứng minh rằng chúng ta sẵn sàng bất cứ lúc nào nhằm đáp trả một cuộc tấn công tiềm tàng”, nhà lãnh đạo Ba Lan nói trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Đáp lại, Tổng thống Trump cho hay ông đang cân nhắc đề nghị của Ba Lan nhằm thiết lập một căn cứ lâu dài của Mỹ tại quốc gia châu Âu, nhưng nói thêm rằng Ba Lan “có thể trả tiền cho Mỹ”.
“Tổng thống đã đề nghị với chúng tôi số tiền nhiều hơn 2 tỷ USD để làm điều này, vì vậy chúng tôi đang xem xét điều đó từ góc độ sự bảo vệ quân sự cho cả hai quốc gia cũng như vấn đề chi phí”, ông Trump nói.
Cũng tại Nhà Trắng, Tổng thống Ba Lan nói rằng Nga đang gây ra mối đe dọa lớn nhất về an ninh đối với quốc gia vùng trung Âu. Ông Trump nhất trí rằng các hành động của Nga trong khu vực gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và sự ổn định.
Theo ông Duda, Nga đã gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Kaliningrad, giáp biên giới Ba Lan, và rằng mối đe dọa về sự thống trị của Nga tại châu Âu về mặt khí đốt là rất rõ ràng.
Mỹ hiện không có bất kỳ căn cứ quân sự cố định nào tại Ba Lan. Hồi tháng 3, Mỹ và Ba Lan cho biết các vấn đề kỹ thuật đã trì hoãn việc hoàn thành một phần thuộc hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ chậm 2 năm, đến năm 2020.
Các lực lượng Mỹ hiện được triển khai tại Ba Lan trên cơ sở luân phiên, một phần trong nỗ lực của NATO nhằm gia tăng phòng vệ tại rìa phía đông sau khi Nga sáp nhật bán đảo Crimea vào năm 2014.