Theo một tài liệu hãng tin Reuters tiếp cận được hôm 1/9, chính quyền Mỹ sẽ đưa đạn uranium nghèo vào gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới. Đây là lần đầu tiên Washington gửi loại vũ khí này cho Kiev.
Một quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với Reuters rằng gói viện trợ sẽ có giá trị từ 240 triệu đến 374 triệu USD, chi phí và nội dung chi tiết của gói viện trợ hiện đang được hoàn thiện.
Theo giới chuyên gia, loại đạn này có thể sử dụng trên xe tăng Abrams của Mỹ và dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới.
Hồi tháng 4/2023, Anh đã gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine để sử dụng trên xe tăng Challenger 2, song đây là lần đầu tiên Mỹ gửi loại vũ khí này cho Ukraine, điều được dự đoán sẽ gây nhiều tranh cãi. Trước đó, Mỹ đã cung cấp đạn chùm cho Ukraine hồi tháng 7/2023 bất chấp những lo ngại về độ nguy hiểm của vũ khí này đối với dân thường.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân. Mức độ phóng xạ của uranium nghèo bằng khoảng 60% phóng xạ của uranium tự nhiên.
Loại đạn này có thể dễ dàng xuyên thủng các loại xe tăng và xe bọc thép. Ngoài ra, chúng có khả năng tự bốc cháy sau khi xuyên phá, có thể khiến khoang nhiên liệu hoặc khoang đạn dược trên xe tăng đối phương phát nổ.
Liên minh Quốc tế cấm vũ khí uranium, tổ chức chỉ trích sử dụng uranium nghèo, cho rằng con người có thể hít vào bụi từ loại đạn này, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư và dị tật bẩm sinh, đồng thời những viên đạn bắn trượt mục tiêu có thể gây ô nhiễm đất và nước ngầm.
Mỹ đã sử dụng một lượng lớn đạn uranium nghèo trong các cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 và 2003 cũng trong cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết các báo cáo ở Nam Tư, Kuwait, Iraq và Lebanon "cho thấy sự tồn tại của dư lượng uranium nghèo trong môi trường không gây nguy hiểm phóng xạ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng”. Tuy nhiên, việc sử dụng loại vũ khí này được cho là sẽ gây thách thức cho nỗ lực dọn dẹp chiến trường của Ukraine, hiện tồn tại hàng trăm nghìn quả mìn và bom đạn chưa phát nổ.