"Theo những gì tôi biết, sáng hôm nay, lần đầu tiên trên thế giới một loại vacxin ngừa Covid-19 đã được đăng ký.
Tôi biết vacxin hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và xin lặp lại, đã vượt qua mọi khâu kiểm định", hãng Tass dẫn lời ông Putin.
Một trong hai con gái của ông đã được tiêm vacxin và cảm thấy khỏe mạnh.
"Con gái tôi đã tham gia vào quá trình thử nghiệm. Sau mũi tiêm đầu tiên, con gái tôi sốt 38 độ C, nhưng hôm sau chỉ còn sốt nhẹ trên 37 độ C. Chỉ vậy thôi, mọi thứ đều ổn, con tôi vẫn thấy khỏe, mức kháng thể trong máu cao", ông Putin cho biết tại cuộc họp chính phủ.
Tiếp theo đó nhà lãnh đạo Nga yêu cầu Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông tin thêm chi tiết về phát minh mới cho các thành viên chính phủ.
Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, những người thuộc "nhóm nguy cơ", như nhân viên y tế, có thể được tiêm vacxin trong tháng này.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong đợt thử nghiệm cuối cùng đối với các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vacxin, kết quả cho thấy khả năng miễn dịch ở tất cả người tham gia.
Nga bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng vacxin ngừa Covid-19 từ ngày 18/6 với sự tham gia của 38 tình nguyện viên và tất cả đều đã có miễn dịch sau tiêm thử nghiệm. Nhóm tình nguyện đầu tiên được xuất viện vào ngày 15/7, nhóm thứ hai vào ngày 20/7.
Thứ trưởng Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết vacxin này được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Tổng thống đã giao nhiệm vụ cho chính phủ đảm bảo tài trợ tiêm phòng cúm và Covid-19 sau khi vacxin được đăng ký, lưu ý rằng có tới 60% người Nga nên được tiêm phòng cúm.
Cách tiếp cận nhanh chóng của Nga, với chỉ ba tháng thử nghiệm vacxin, rất khác so với Tây Âu và Mỹ. Điều này đã làm nảy sinh nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và an toàn của vacxin.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi Nga tuân thủ hướng dẫn sản xuất vacxin an toàn và hiệu quả sau khi Moskva công bố kế hoạch khởi động sản xuất hàng loạt vacxin Covid-19 vào tháng 9, giúp cung cấp "vài triệu liều" mỗi tháng vào năm tới.
Đầu tháng 7, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các điệp viên Nga đột nhập vào phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp bí mật phát triển vacxin.
Các quan chức Nga cũng phủ nhận các báo cáo thành viên cốt cán trong giới chính trị và kinh doanh của đất nước - bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin - được cấp quyền truy cập sớm với vacxin.