Người dân xếp hàng để được mua khẩu trang tại hệ thống cửa hàng Pharmacity. |
Nhóm đối tượng 1 là 18.503 cán bộ, công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại các phường – xã, quận – huyện thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch thực hiện thủ tục hành chính.
Nhóm đối tượng thứ hai là 194.083 tiểu thương, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Nhóm đối tượng thứ ba là 73.000 nhân viên/4.565 cơ sở lưu trú và khách sạn (như bộ phận lễ tân, phục vụ…).
Nhóm đối tượng thứ tư là 9.228 nhân viên bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe bus.
Nhóm đối tượng thứ năm là 27.312 nhân viên/3.414 bếp ăn tập thể (bệnh viện, trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất).
Như vậy, sẽ có tổng cộng 322.126 người tại TP.HCM bắt buộc sử dụng khẩu trang hàng ngày.
Theo tính toán của Sở Công thương TP.HCM, bình quân mỗi người sử dụng 03 khẩu trang/ngày thì tổng số nhu cầu của các đối tượng bắt buộc này sẽ là 966.378 khẩu trang/ngày.
Trước đó, ngày 4/2, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức 3 đoàn đi khảo sát và làm việc với 13 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn, cho thấy năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp TP là khoảng 1.655 triệu khẩu trang/ngày.
Như vậy, so với khả năng sản xuất khẩu trang của TP.HCM thì số lượng khẩu trang sẽ đủ đáp ứng cho các đối tượng ưu tiên cũng như đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của người dân.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất do trước đây chủ yếu nhập từ Trung Quốc, do đó, Sở Công Thương đã báo cáo Bộ Công Thương và được thông tin hiện nay Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt để kết nối nhập khẩu nguyên liệu như Ấn Độ, Malaysia,...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp Cục Hải quan TP lấy danh sách doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu (vải không dệt), đồng thời sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu.
Nhiều nhà thuốc đề biển “Hết khẩu trang, nước rửa tay”; “Không bán khẩu trang”. |
Ngày 6/2, PV NNVN dạo một vòng các nhà thuốc trên địa bàn quận 1, quận 3 và quận Thủ Đức (TP.HCM), thì vẫn còn tình trạng “khan hiếm” khẩu trang, dung dịch rửa tay. Nhiều nhà thuốc vì phải trả lời người dân nhiều nên đã treo biển “Hết khẩu trang, nước rửa tay” hoặc “Không bán khẩu trang”.
Trong khi một số người vẫn cố “đầu cơ, găm hàng” hoặc không dám bán vì sợ ảnh hưởng thì vẫn còn nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức, công ty đã nỗ lực để phục vụ người dân, cùng chung tay vì cộng đồng.
Đến một nhà thuốc trong hệ thống Pharmacity tại quận Bình Thạnh, thì PV “may mắn” được người bán hàng trả lời: “Theo quy định của cấp trên, mỗi người chỉ được mua một hộp khẩu trang”. Tôi cố nài nỉ cô nhân viên bán cho bạn tôi đang đứng coi xe ở ngoài 1 hộp, thì cô trả lời: “Chị thông cảm, có camera quan sát, chúng em chỉ được bán mỗi người một hộp để đảm bảo ai cũng có khẩu trang dùng. Chị nói bạn chị vào đây mua ạ!”.
Được biết, hệ thống 205 nhà thuốc Pharmacy đã ký hợp đồng cung cấp 130 triệu khẩu trang để cung ứng cho người dân.
Còn tại Bệnh viện Quận Thủ Đức cũng đã tổ chức phát 6.000 khẩu trang tại sảnh chính bệnh viện và 6.000 khẩu trang tại hệ thống 5 phòng khám vệ tinh.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dự kiến phát hơn 10.000 khẩu trang miễn phí từ nguồn vận động tài trợ của các nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, phát kèm tờ rơi hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, các biện pháp phòng ngừa nCoV và sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại chỗ.