| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động do dịch Covid-19

Thứ Ba 13/07/2021 , 19:53 (GMT+7)

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, hiện TP.HCM chỉ còn 59/236 chợ truyền thống còn hoạt động.

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 13/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong ngày hôm nay, lượng dự trữ lương thực thực phẩm, chủ yếu là tươi sống đạt 1.900 tấn, tăng hơn so với hôm qua 100 tấn.

Lý giải về việc lượng hàng tăng, ông Phương cho biết, do UBND Thành phố Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã triển khai xong điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại hai bãi container ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Từ đó, một số thương nhân kinh doanh các mặt hàng rau củ quả đưa hàng hóa về tập kết tại chợ và trung chuyển sang các xe nhỏ để đưa về chợ truyền thống của TP.HCM.

"Lượng hàng hôm qua về điểm tập kết trung chuyển chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khoảng 150 tấn, đã góp phần giảm tải cho việc thiếu nguồn hàng đưa về TP.HCM", ông Phương cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hoạt động này được thực hiện chủ yếu là các giao dịch của thương lái, thương nhân trực tuyến qua điện thoại, và tập kết tại điểm tập kết, không phát sinh mua bán tại bãi tập kết ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

"Việc triển khai này phải thực hiện rất nghiêm về công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó tài xế, lái xe đều phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, và đều phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Tại khu vực tập kết, cho một xe container và các xe nhỏ khác vào được bố trí với diện tích 500m2, lái xe, phụ xe, bốc xếp của các xe này chỉ ở trong khu vực, không được giao lưu với nhau để đảm bảo cho phòng chống dịch", ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng cho biết, Sở Công thương TP.HCM đang tích cực triển khai mô hình này ở chợ đầu mối Hóc Môn.  “Khả năng tối mai sẽ có thể triển khai được, tiếp tục có thêm nguồn hàng đưa về cho TP.HCM”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Thông thường, lượng hàng về ba chợ đầu mối đạt từ 7.000 – 7.500 tấn/đêm, tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội, người dân ít mua sắm, do đó nhu cầu các hoạt động giảm xuống, khiến cho nhu cầu tiêu thụ cắt giảm.

"Trong thời gian vừa qua, lượng hàng về ba chợ đầu mối chiếm tối đa khoảng 4.500 – 5.000 tấn, như vậy khi ba chợ đầu mối tạm dừng thì lượng hàng đạt chừng 2.000 tấn. Tất cả nguồn hàng thiếu sẽ dồn về hệ thống phân phối hiện đại. Trong những ngày qua, các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên 1,5 - 5 lần", ông Phương thông tin.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đến nay TP.HCM chỉ 59/234 chợ truyền thống còn hoạt động (hôm qua là 68/234 chợ). Ngoài ra, hôm nay thêm 6 siêu thị tạm ngưng hoạt động (hôm qua 14 siêu thị tạm ngưng). Chính vì vậy, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo Chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM đã vận động, khai thác các nguồn lực xã hội. "Vừa qua, Tổng Công ty bưu chính quân đội viettelpost, vnpost, các doanh nghiệp logistic đã tích cực hỗ trợ, đăng ký tổ chức các điểm bán hàng, xe lưu động tại các khu vực có hệ thống phân phối hiện đại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau đó, Sở Công thương sẽ hỗ trợ đưa hàng hóa tới cung ứng cho người dân.

Người dân được yêu cầu xếp hàng để vào các hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân được yêu cầu xếp hàng để vào các hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước đó, Sở Công thương TP.HCM đã có công văn hỏa tốc gửi UBND Thành phố Thủ Đức và quận huyện, đơn vị quản lý chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM về hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống.

Theo đó, Sở Công thương TP.HCM đề nghị kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm.

Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như khu kinh doanh thức ăn, sân chợ… để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp.

Theo đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, giao dịch hàng hóa. Cùng với đó, chia ngày đến chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách vị trí và có thể bảo đảm việc phục vụ người dân khi có tình huống khẩn cấp.

Mặt khác, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ. Nghiên cứu các mô hình đã triển khai hiệu quả tại các đơn vị (như các đoàn thể hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên… tổ chức “Đi chợ thay”, “Đi chợ online”... và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ. Tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch tại chợ như không đeo khẩu trang, không thực hiện khai báo y tế…

Nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác khoanh vùng, truy vết được nhanh chóng, Sở Công thương hướng dẫn thực hiện giải pháp áp dụng “Thẻ ra vào chợ”.

Cụ thể, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ, cách 2 ngày/lần hoặc cách 3 ngày/lần. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày. “Thẻ ra vào chợ” có giá trị sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn phường, xã trong TP Thủ Đức, quận, huyện.

Đối với trường hợp trên địa bàn phường, xã không có chợ hoặc có chợ nhưng phải tạm ngưng hoạt động do không đủ điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch và không thể khắc phục sớm do điều kiện khách quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị tuyên truyền, thông tin đến người dân mạng lưới cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn, thời gian hoạt động, đầu mối liên lạc, các kênh mua sắm trực tuyến để người dân nắm bắt thông tin, liên lạc khi giao dịch, mua bán.

Đồng thời, liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa (Saigon Co.op, SATRA, Bách Hóa Xanh…), tiếp nhận thông tin về nguồn hàng cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn đăng ký nhu cầu mua sắm; chuyển thông tin đăng ký cho các đơn vị cung ứng chuẩn bị đơn hàng.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất