Theo Sở Công thương TP.HCM, do tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, để phục vụ công tác phòng, chống dịch, đến nay TP.HCM có 93/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, đánh giá lại điều kiện hoạt động, vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Do đó, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn, không gây ùn ứ, tập trung đông người.
Không để xảy ra tình trạng lợi dụng số lượng điểm bán giảm để găm hàng, trục lợi, tăng giá bán hàng hóa gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động và ảnh hưởng hiệu quả triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với chợ tạm ngưng hoạt động, địa phương phải thống kê, nêu rõ tên chợ, địa chỉ, số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm ngưng hoạt động, lý do ngưng hoạt động (liên quan ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương, người phụ việc, khách đi chợ; Không đảm bảo các quy định, tiêu chí an tồn trong phòng, chống dịch Covid-19…), dự kiến thời gian hoạt động trở lại.
Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm… và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế; Chủ động xem xét, đánh giá, nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Đối với các chợ buộc phải đóng cửa do không đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng khôi phục đưa vào hoạt động trở lại để phục vụ người dân trên địa bàn.
Riêng đối với các trường hợp chợ không thể khắc phục do điều kiện khách quan để khôi phục hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất, chính quyền địa phương chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn.
Liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thảo luận cách thức tổ chức, phương thức bán hàng, chuẩn bị nhân lực, bố trí điểm bán hàng để triển khai thực hiện theo hướng bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước….
Hạn chế tối đa việc tiếp xúc, giao dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại địa phương được thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá trên địa bàn, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.