| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống của Thủ đô?

Chủ Nhật 16/08/2020 , 10:14 (GMT+7)

Thành phố Hà Nội hiện có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng I, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng III, 63 chợ chưa phân hạng.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Trong đó có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán). Có 310/454 chợ đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng.

Qua thực tế kiểm tra, các chợ đều có phân khu riêng biệt cho từng ngành hàng, nhóm hàng, đặc biệt đối với các ngành hàng thực phẩm thịt cá, rau, củ, quả tươi sống và thực phẩm chế biến bao gói sẵn.

Chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập (được tự do thỏa thuận về giá cả…). Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Một quầy hàng bán thịt gia súc.

Một quầy hàng bán thịt gia súc.

Một trong những bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn.

Việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành. Các chợ nhỏ lẻ ở các quận, huyện còn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở vật chất rất yếu kèm, xuống cấp, nhất là các chợ ở vùng nông thôn.

Tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Phần lớn các gian hàng tại những chợ truyền thống mất an toàn thực phẩm là do không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sự hiểu biết các quy định về an toàn thực phẩm của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế, tình hình mất an toàn thực phẩm vẫn có nguy cơ xảy ra; Thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của đa số người dân tại các chợ truyền thống còn dễ chấp nhận việc dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chưa đồng đều, phương tiện kiểm tra còn thiếu. Việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, trên thực tế để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dự thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài, trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải tạm dừng kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm.

Thực phẩm bày bán ở chợ rất khó kiểm soát nguồn gốc. Ảnh: TL.

Thực phẩm bày bán ở chợ rất khó kiểm soát nguồn gốc. Ảnh: TL.

Giải pháp quản lý

Một là: Về chỉ đạo, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực tham mưu để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, nhất là quản lý các chợ truyền thống. Trong đó phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền quận huyện, chính quyền các xã phường. Sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể. Trên thực tế ở đâu quan tâm chỉ đạo ở đó có các khu chợ vừa dẹp cảnh quan, vừa đảm bảo vệ sinh, sắp xếp khu vực bán hàng hợp lý, tiện lợi cho người dân, người tiêu dùng.

Về sản xuất, thực hiện tốt việc quản lý, xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là khâu rất quan trọng để vừa phát triển sản xuất cung cấp các sản phẩm nông nghiệp (rau, thịt, cá …) vừa đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, vừa để phát triển hiệu quả, bền vững.

Hai là: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh không kinh doanh buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trong chợ; tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng từ dùng thịt nóng sang dùng thịt mát hoặc thịt đông lạnh có kiểm soát về an toàn thực phẩm;

Chợ truyền thống kinh doanh sản phẩm động vật.

Chợ truyền thống kinh doanh sản phẩm động vật.

Ba là: Tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh.

Bốn là: Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, hoạt động chuyên ngành và liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, trong đó chú trọng các thực phẩm có nguy cơ cao như nhóm hàng nông sản tươi sống. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm là: Triển khai thực hiện xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, từng bước quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa ra vào chợ; bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu; trang thiết bị, cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa đồng bộ để phục vụ công tác kiểm tra, phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm trong chợ (đặc biệt là đối với các chợ đầu mối).

Sáu là: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị…tại các chợ đã xuống cấp, đặc biệt tại các chợ đầu mối như: cải tạo nâng cấp về hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước máy và giếng khoan đảm bảo an toàn hợp vệ sinh, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các giải pháp nêu trên được các cấp các ngành triển khai đồng bộ, người dân, người tiêu dùng đồng thuận thì chắc chắn công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung, tại các chợ truyền thống nói riêng sẽ có sự chuyển biến tích cực.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.