| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM có nên phát triển nuôi cá lồng bè trên sông Sài Gòn?

Thứ Bảy 24/06/2023 , 16:35 (GMT+7)

Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM dài khoảng 80km nhưng diện tích bề mặt của sông đang bị bỏ ngỏ. Nhiều ý kiến cho rằng nên nuôi cá lồng bè trên sông Sài Gòn.

Sáng 23/6, Sở NN-PTNT TP.HCM và Chi cục Thủy sản TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn”.

Nhiều ý kiến đề xuất phát triển diện tích về mặt sông nhằm tận dụng, khai thác tối đa nguồn lại thủy sản. Tuy nhiên, với định hướng phát triển đa mục tiêu trên sông Sài Gòn của TP.HCM, việc nuôi cá lồng bè trên sông không thể triển khai riêng lẻ mà phải nằm trong quy hoạch, phát triển tổng thể.

Sông Sài Gòn đang bị bức tử, bỏ ngỏ

Hiện hệ sinh thái sông Sài Gòn chịu nhiều áp lực từ quá trình đô thị hóa. TP.HCM đã kiểm soát rất tốt về chất thải công nghiệp và y tế, tuy nhiên nước thải sinh hoạt thì chưa.

Sông Sài Gòn đang phát huy rất tốt mảng giao thông vận tải đường thủy nhưng chưa thể tận dụng được các tiềm năng khác. Ảnh: Lê Bình.

Sông Sài Gòn đang phát huy rất tốt mảng giao thông vận tải đường thủy nhưng chưa thể tận dụng được các tiềm năng khác. Ảnh: Lê Bình.

Chỉ tính riêng lượng nước sinh hoạt của TP.HCM thì mới dưới 13% lượng nước sinh hoạt được xử lý. Có nghĩa, lượng nước thải sinh hoạt còn lại bị đổ thẳng ra các kênh mương, sông… ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, tài nguyên đất.

Đây là nội dung được thạc sĩ Nguyễn Viết Vũ - Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo trong tham luận "Hiện trạng tài nguyên và quản lý mặt nước sông Sài Gòn". Cũng theo thạc sĩ Vũ, TP.HCM đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, kế hoạch để giải quyết tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt, góp phần đảm bảo nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, sông Sài Gòn còn đang thực hiện nhiệm vụ khác như “gánh” thêm các hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải, hoạt động nông lâm sản và thủy sản, du lịch, dịch vụ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của TP.HCM. Điều này dẫn đến môi trường nước không đảm bảo, nguồn tài nguyên sinh vật ảnh hưởng tiêu cực, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố giảm.

Quang cảnh hội thảo chuyên đề 'Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn'. Ảnh: Lê Bình.

Quang cảnh hội thảo chuyên đề “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn”. Ảnh: Lê Bình.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát nguồn thủy hải sản trên cả nước, Tiến sĩ Thái Ngọc Trí - Viện Sinh học Nhiệt đới khẳng định, tiềm năng về nguồn lợi thủy sản ở lưu vực sông Sài Gòn rất lớn. Thực tế, nhiều loài thủy sản và thực vật được phát hiện trên sông.

“Kết quả nghiên cứu về hệ thống lưu vực sông Sài Gòn cho thấy, nguồn lợi thủy sản nói chung đa dạng về thành phần loài, phong phú về số lượng. Chúng không chỉ có giá trị về mặt kinh tế thủy sản mà còn có giá trị về chỉ thị môi trường sinh học, liên quan đến chuỗi bậc thức ăn trong một hệ sinh thái thủy vực, xuyên suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu cửa sông ven biển, là nguồn gen bản địa quý trong kinh tế thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học”, tiến sĩ Trí cho biết.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn tại TP.HCM, các chuyên gia tại hội thảo đều đồng tình về việc cần phải phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra những yếu tố về kỹ thuật, môi trường, xử lý vi phạm.

Thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm duy trì và phục hồi nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn, đặc biệt là đoạn chảy qua TP.HCM.

Nguồn thủy sản của TP.HCM trên sông Sài Gòn cũng đang bị tận diệt một cách đáng báo động. Tuy nhiên, số lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP.HCM còn ít so với hệ thống sông rạch nội đồng của thành phố, chỉ khoảng 9 đợt/năm. Thông tin được ông Lê Tôn Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cung cấp.

Số lượng tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn còn khá khiêm tốn, với 9 đợt/ năm. Ảnh: Chi cục Thủy sản TP.HCM cung cấp.

Số lượng tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn còn khá khiêm tốn, với 9 đợt/ năm. Ảnh: Chi cục Thủy sản TP.HCM cung cấp.

“Công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn thấp so với dân số 10 triệu người của thành phố. Số lượt tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn ít so với hệ thống sông rạch nội đồng của thành phố (9 đợt/năm). Chưa có nghiên cứu về chủng loại các loài giáp xác và nhuyễn thể các vùng nước nội địa, chưa đánh giá hiệu quả công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, cần có sự bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn. Theo ông, nhóm giải pháp này bao gồm thả nguồn cá bản địa bổ sung nguồn lợi; chọn cỡ cá thả phù hợp khi thả; xây dựng vùng cư trú, sinh sản nhân tạo; duy trì môi trường sống tốt cho tôm cá…

Chỉ nên nuôi cá lồng bè phục vụ du lịch!

Đây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Văn Trai - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM trước ý kiến “có nên phát triển nuôi cá lồng bè trên sông Sài Gòn như các địa phương khác hay không?”.

Sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TP.HCM có mật độ lưu lượng giao thông, vận tải đường thủy khá lớn, điều này tạo sự bất lợi cho việc nuôi cá lồng bè. Chưa kể, việc nuôi cá lồng bè ít nhiều tác động đến nguồn nước khi lượng đạm, thức ăn mà cá không thể hấp thụ hết sẽ khiến môi trường nước bị tác động khá nhiều.

“Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề nuôi cá lồng bè và hiệu quả kinh tế, năng suất trên sông Sài Gòn. Mô hình nuôi cá lồng bè vẫn tác động đến môi trường là có, dẫn đến tình trạng ‘tảo nở hoa’. Du lịch sông Sài Gòn gắn liền với tham quan cá lồng bè không chỉ tạo lợi ích về mặt kinh tế mà còn là giáo dục về bảo tồn nguồn cá nội địa”, tiến sĩ Nguyễn Văn Trai phân tích.

TP.HCM sẽ không phát triển đại trà cá lồng bè mà theo hướng kết hợp du lịch. Ảnh: Lê Bình.

TP.HCM sẽ không phát triển đại trà cá lồng bè mà theo hướng kết hợp du lịch. Ảnh: Lê Bình.

Đồng ý kiến, thạc sĩ Võ Thị Mộng Thu - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho rằng TP chỉ nên thực hiện những mô hình lồng cá điểm hoặc cá cảnh nhằm phục vụ du lịch. Đây là hoạt động được nhiều nước trên thế giới triển khai rất thành công, vừa phát triển du lịch, vừa quảng bá ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp.

Chi cục Thủy sản TP.HCM cũng được Sở NN-PTNT giao xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản trên sông Sài Gòn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Về mặt vĩ mô, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đồng tình với xu hướng chỉ nên phát triển cá lồng bè trên sông Sài Gòn theo hướng đa mục tiêu. Điều này phù hợp với định hướng phát triển diện tích mặt nước sông Sài Gòn theo hướng đa ngành của TP.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phát triển sông Sài Gòn phải lấy hiệu quả xã hội làm thước đo. Tiềm năng lớn đấy nhưng không phải chỉ có TP.HCM quản lý mà các tỉnh khác cũng cùng quản lý, không chỉ có Sở NN-PTNT mà có Sở khác cũng cùng phát triển theo những hướng riêng… Tuy nhiên, về mặt mình, Sở NN-PTNT TP.HCM sẽ phát triển theo hiệu quả xã hội là trên hết.

“Chúng ta không nên gia tăng áp lực và tạo tiền lệ xấu trong việc phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông Sài Gòn. Nuôi cá lồng bè để mang lại hiệu quả kinh tế lớn thì có nghĩa phải đầu tư lớn, số lượng nuôi lớn thì tất nhiên khó tránh khỏi tác động đến môi trường. Do đó, ít nhưng hiệu quả khi kết hợp với những Sở ngành khác để cùng nâng giá trị và tạo điểm nhấn cho thành phố”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nêu quan điểm.

Với thế mạnh về nguồn giống công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản TP nghiên cứu, cung cấp và cùng các địa phương thả những loài cá bản địa tại nhiều địa điểm nhằm đa dạng, duy trì loài.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất