Thả 400.000 con giống xuống sông Sài Gòn tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bà Rịa - Vũng Tàu trồng 22.000 cây rừng trong 2023. Xử lý nghiêm việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong nông nghiệp. Sớm giải phóng mặt bằng dự án bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Thả 400.000 con giống xuống sông Sài Gòn tái tạo nguồn lợi thủy sản
Sáng 1/4, tại Ga tàu thủy Bạch Đằng, Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức hoạt động thả gần 400.000 con tôm cá giống các loại và 1 tấn cá loại lớn cung một số loài thủy sản nước ngọt,...xuống lưu vực sông Sài Gòn, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản TP.Hồ Chí Minh, do các tổ chức, cá nhân cùng Giáo hội phật giáo Việt Nam đóng góp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hoạt động thả các loại tôm, cá giống hôm nay tren luu vực sông Sài Gòn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2023).
Ông Nguyễn Quang Hùng đánh giá, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã làm rất tốt công tác tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua đó, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội.
NĂM 2023 TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU SẼ TRỒNG 22.000 CÂY RỪNG (TRẦN TRUNG - LÊ BÌNH)
Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đang lên kế hoạch đăng ký số lượng rừng trồng năm 2023 lên đến khoảng 22.000 cây. Ngoài ra, cần sớm kiểm tra lại quá trình phát triển của các diện tích rừng đã trồng, lên phương án trồng dặm xen thêm. Huy động các nguồn lực xã hội hóa trong việc trồng rừng, đặc biệt là chăm sóc rừng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng và rừng tự nhiên. Ngành chức năng đã huy động khoảng 400 người tham gia chữa cháy. Sắp tới là cao điểm mùa khô nên Sở NN-PTNT yêu cầu lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương phải tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC SỬ DỤNG CHẾ PHẨM DIỆT CÔN TRÙNG Y TẾ TRONG NÔNG NGHIỆP
Thời gian qua, một số địa phương đã phát hiện một số chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn được cấp phép để sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhưng lại bị sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, một số chế phẩm diệt khuẩn khi được lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường để kiểm tra thành phần, hàm lượng không đạt tiêu chuẩn như đã đăng ký...
Để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh sử dụng các loại chế phẩm diệt côn trùng y tế trên địa bàn thành phố; đặc biệt rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm thay đổi tên thương mại của chế phẩm, ghi nhãn sai so với nội dung nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và nhãn đã được phê duyệt gây nhầm lẫn với thuốc bảo vệ thực vật
SỚM GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG DỰ ÁN BỊ LẤN CHIẾM, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP (PHÚC LẬP - LÊ BÌNH)
UBND tỉnh Bình Phước mới đây có văn bản chỉ đạo UBND huyện Bù Đốp nhanh chóng tổ chức giải phóng mặt bằng diện tích đất dự án do các hộ dân đang lấy chiếm, sử dụng trái phép. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất công trên địa bàn huyện, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm và khiếu kiện, khiếu nại gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Doanh nghiệp và dư luận địa phương mong muốn, thời gian tới chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, tránh xảy ra điểm nóng về đất đai. Qua đó, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế của địa phương và doanh nghiệp.