Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay TP.HCM vẫn chưa phát hiện được ổ dịch Covid-19 nào tiềm ẩn trong cộng đồng, TP đã rà soát và tiếp cận được 5.218 người nhập cảnh từ ngày 8/3, lấy mẫu xét nghiệm 2.286 trường hợp và đến nay mới chỉ phát hiện được 1 trường hợp dương tính Covid-19 (bệnh nhân 171).
Cũng theo ông Bỉnh, hiện nay các nhà hàng, quán ăn đã đóng cửa, không phục vụ tại chỗ nhưng quản lý những người giao hàng, giao đồ ăn như thế nào để quản lý được nguồn lây nếu có? Cần có biện pháp quản lý lộ trình cũng như người giao, nhận hàng để kiểm soát được nếu trường hợp có người giao hàng nhiễm bệnh.
Chỉ đạo tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang tăng nhanh từng ngày, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân. Do đó, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16, nâng lên mức cao nhất.
Trên tinh thần đó, TP.HCM đưa ra các giải pháp triển khai trong vòng 15 ngày để thực hiện có hiệu quả theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Phong, các công việc và chương trình công tác của mỗi cơ quan đơn vị vẫn phải đảm bảo theo kế hoạch đã được duyệt, chỉ thay đổi phương thức làm việc và giao dịch, địa điểm làm việc của một bộ phận cán công chức, viên chức.
Thời gian triển khai các biện pháp này trong vòng 15 ngày như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Chỉ thị 16.
“Mỗi cơ quan đơn vị cần duy trì trực lãnh đạo cơ quan đơn vị và bộ phận cán bộ làm việc ở cơ quan để duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan đơn vị và không quá 1/3 tổng số cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị. Trừ những trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của cấp trên đơn vị và báo cáo Thường trực UBND TP.
Đồng thời, thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo bố trí khoảng cách 2m giữa người này với người kia, kể cả căng tin. Yêu cầu các cơ quan nhà nước cho nhân viên làm việc tại nhà, thật sự cần thiết mới đến cơ quan, công sở, ông Phong yêu cầu.
Mặt khác, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu ngừng giải quyết hồ sơ trực tiếp mà chỉ giải quyết qua mạng, trừ những trường hợp khẩn cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể vào ngày mai (1/4).
Mặt hàng ông Phong cũng giao Sở Công thương phối hợp Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn có những phương thức cung ứng hàng hóa, thực phẩm đầy đủ, khuyến khích các cơ sở kinh doanh thực phẩm thiết yếu đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.
“Hiện nay, các siêu thị như Co.op Mart có số người mua hàng rất đông, không giữ được khoảng cách 2m giữa người mua hàng, đề nghị Co.op Mart cần có hướng dẫn cụ thể để khách hàng thực hiện, giảm áp lực đảm bảm cự ly theo đúng khuyến cáo Bộ Y tế”, ông Phong đề nghị.
Cũng theo ông Phong, vì lý do công vụ thì các trường hợp đối với xe chở lương thực thực phẩm, xe đưa đón công nhân chuyên gia các doanh nghiệp, khu công nghiệp và chuyên chở nguyên liệu sản xuất vẫn hoạt động, tuy nhiên cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng trên địa bàn thành phố, đề nghị Chủ tịch quận huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động vận động tuyên truyền giải thích về những quy định, hướng dẫn các biện pháp, nội dung của BYT, Sở Y tế và những điều cần biết của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố.