Chiều 12/10, tại buổi cung cấp thông tin quý III/2022 do Sở Công thương TP.HCM tổ chức, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn) cho biết, tại TP.HCM, hệ thống này có 71 cửa hàng phân phối xăng dầu và 45 thương nhân nhượng quyền bán lẻ thuộc hệ thống phân phối Petrolimex Sài Gòn. "Số lượng cửa hàng chỉ chiếm 20% trong tổng số 550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM, tuy nhiên sản lượng của chúng tôi chiếm tới 40% thị phần", ông Hùng nói.
Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, trong hệ thống của Petrolimex Sài Gòn cung ứng 1.500m3/ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 10/2022, một số cửa hàng xăng dầu của các đơn vị khác hết hàng, tạm ngưng bán xăng nên nhu cầu xăng dầu của Thành phố tạm thời gây áp lực lên hệ thống cửa hàng phân phối của Petrolimex Sài Gòn, khiến cho sản lượng tăng lên 18% vào ngày 8-9/10.
Đến ngày 10/10, sản lượng tăng lên 3.100m3/ngày (tăng trên 200%), quá tải cục bộ tại một thời điểm, dẫn đến tình trạng tâm lý khách hàng dồn về gây ùn tắc hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex Sài Gòn và các cửa hàng nhượng quyền.
Trước tình hình đó, Sở Công thương, Công an TP.HCM, Sở GT-VT hỗ trợ cho xe bồn tăng cường chạy trong giờ cao điểm, cũng như tạo điều kiện thông quan, tăng cường xuất hàng đêm. Bình quân 1 đêm Petrolimex Sài Gòn có 80 xe bồn chở xăng dầu tại kho xăng Nhà Bè, tuy nhiên phải tăng lên 160 xe để đảm bảo nguồn cùng. Vì hầu hết các cửa hàng xăng dầu ở nội ô có diện tích chứa nhỏ, nên bắt buộc tăng cường cung ứng kịp thời để đảm bảo không đứt nguồn và hoạt động diễn ra liên tục.
Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi giá xăng dầu tăng theo kỳ điều chỉnh 15h ngày hôm qua (11/10), nên nhu cầu về xăng dầu của người dân có giảm, tuy nhiên đến 18 giờ hôm qua vẫn còn áp lực, dù vậy đã giảm 30% áp lực đối với hệ thống của Petrolimex Sài Gòn.
Tới 12 giờ hôm nay 12/10, nhu cầu tiêu thụ vẫn dồn về hệ thống của Petrolimex, tăng 135% so với 8 tháng đầu năm. Chúng tôi chịu áp lực lớn cho nhu cầu nguồn hàng xăng dầu của Thành phố. Tôi tin rằng, với tình hình điều chỉnh giá cũng như sự điều hành liên Bộ, các lực lượng chức năng, thì 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường”, ông Hùng nói.
Đại diện Công ty xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn cũng cho biết, tại TP.HCM lượng tồn kho đến sáng nay là trên 3.000m3, ngày mai sẽ có 1 tàu với 40.000m3, ngày mốt tiếp tục có 40.000m3 và 2 ngày cuối tuần sẽ có khoảng 2 tàu mỗi tàu 10.000m3. Như vậy, vài ngày tới sẽ có thêm 100.000m3 xăng các loại để đáp ứng nhu cầu. "Như vậy, nguồn cung cho TP.HCM, chúng tôi đảm bảo hết tháng 10 và sẽ trở lại bình thường.
“Dù hiện nay, áp lực xăng dầu vẫn tăng 135% nhưng chúng tôi vẫn đáp ứng được cho nhu cầu trên địa bàn TP.HCM.
Trong hệ thống phân phối của Petrolimex và nhượng quyền của Petrolimex Sài Gòn thì không có cửa hàng nào dừng hoạt động. Đây là cam kết của Petrolimex Sài Gòn đối với thị trường, đối với người tiêu dùng. Chúng tôi chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tăng lên đột xuất, nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn đảm bảo đủ số lượng”, ông Hùng khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, sau thời điểm giá xăng tăng giá theo kỳ điều hành, tình hình cung ứng trên địa bàn TP.HCM đã dần dịu đi. Cụ thể, số cửa hàng nhập xăng dầu phục hồi kinh doanh trong ngày 10/10 chiếm 74%; trong ngày 11/10 có 39% doanh nghiệp phục hồi và trong ngày 12/10 có 67,8% cửa hàng phục hồi.
"Ngày hôm nay, trên nhiều tuyến đường, tình hình người dân tập trung đông tại các cửa hàng xăng dầu cũng đã dịu đi, đây là tín hiệu tốt", ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, qua kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng găm hàng, lợi dụng giữ hàng để bán tăng giá, thu lợi bất chính trên địa bàn. "Tại những cây xăng đóng cửa, khi lực lượng QLTT kiểm tra thì họ hết hàng thật", ông Đạt nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện TP.HCM có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ và 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Hiện chỉ có 3 cửa hàng chính thức tạm ngưng bán. Ngoài ra, còn có hơn 10 cửa hàng có văn bản xin rút ngắn thời gian kinh doanh từ 6h đến 18h hàng ngày, tuy nhiên Sở chưa chấp thuận bằng văn bản.
"Nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM hiện đang gặp khó khăn. Chuỗi 550 cửa hàng, có thời điểm đỉnh điểm 137 cửa hàng không đủ xăng dầu phục vụ người dân. Tuy nhiên, các đơn vị đã cùng nỗ lực tham gia để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho TP, trong đó đặc biệt kể đến là Petrolimex.
Từ nay cho đến kỳ điều hành sắp tới, cơ bản TP đảm bảo nguồn cung. Sở, các cơ quan chức năng đang theo dõi việc cung ứng hàng hoá nhằm phân phối đồng đều các nơi, tránh trường hợp ùn ứ cục bộ. Sở Công thương lấy làm tiếc vì sự bất tiện, khó khăn mà người dân TP gặp phải thời gian qua vì những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Mong người dân chia sẻ với những khó khăn này", ông Vũ nói.
Hiện lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn TP.HCM là khoảng 6 triệu - 7 triệu lít/ngày.