Theo quy luật cung - cầu, nếu một mặt hàng tăng giá, hiện tượng khan hiếm sẽ xuất hiện tạo ra tâm lý tranh mua. Ngược lại, nếu giá giảm, hàng tồn kho xuất hiện, hầu hết người bán sẽ chọn phương án cắt lỗ để sớm quay vòng vốn.
Tuy nhiên, thời gian qua khi giá bán lẻ xăng dầu giảm theo đà của thế giới, nhiều cửa hàng tại phía Nam treo biển ngừng bán. Lý giải điều này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương liệt kê nhiều nguyên nhân, trong đó có việc doanh nghiệp đầu mối cắt, giảm chiết khấu cho đại lý bán lẻ.
Theo ông Đông, hầu hết trong số 36 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ trương nhập khẩu nhiều xăng dầu ngay từ quý I và quý II/2022, khi giá xăng dầu thế giới neo ở mức cao. Họ có thể đã trả chi phí lớn để nhập đủ lượng hàng, nhằm đảm bảo nguồn cung và có thể hưởng lợi khi giá tăng thêm. Nhưng vào quý III, giá xăng dầu thế giới đột ngột quay đầu, kéo theo giá bán trong nước giảm.
Việc này dẫn đến hai hệ lụy. Về phía doanh nghiệp đầu mối, do mức hoa hồng chiết khấu với đại lý bán lẻ dựa trên nguyên tắc tự thỏa thuận, nên họ chủ động giảm chi phí này. Còn các cửa hàng bán lẻ, họ vấp phải tình trạng "càng bán càng lỗ", do vẫn phải trang trải một loạt chi phí về mặt bằng, nhân công, thuế, môi trường...
Một yếu tố nữa, khiến tổng cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng được ông Đông đưa ra, là có tình trạng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị chậm thông quan các lô hàng do chậm lắp đặt thiết bị đo bồn bể tự động để kết nối với cơ quan hải quan. Quy định này được Tổng cục Hải quan thực hiện từ ngày 10/8/2022.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, sản lượng xăng dầu nhập khẩu quý III giảm 40% đối với xăng và 35% đối với dầu DO so với quý II. Đặc biệt, chỉ có 19 doanh nghiệp đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu. Một số doanh nghiệp thậm chí không thông quan lô hàng nào.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan Nhà nước quản lý xăng dầu chủ yếu là đảm bảo nguồn cung, thông qua doanh nghiệp đầu mối. Các công cụ được sử dụng gồm: thuế, quỹ bình ổn và quy định giá bán lẻ xăng dầu.
"Tình hình năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng đã căng thẳng từ cuối năm 2021. Vấn đề ở Việt Nam không phải ngoại lệ. Ở góc độ quản lý, chúng tôi cố gắng đáp ứng về cơ bản cho sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của người dân", Thứ trưởng Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, trong quản lý vĩ mô, điều quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Hiện 20-25% tổng lượng cung tại Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu. Do nhiều quốc gia lớn đang có kế hoạch tích trữ năng lượng và đặt hàng số lượng lớn, Việt Nam vấp phải áp lực cạnh tranh, cả về giá lẫn lượt ưu tiên.
Ông Hải cũng làm rõ khái niệm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo quan điểm truyền thống, những đơn vị này chỉ bao gồm hoạt động nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều trong số 36 doanh nghiệp hiện nay mua xăng dầu từ nguồn trong nước.
Trước lo ngại, rằng việc thu hồi, tước giấy phép và xử phạt hành chính với các cửa hàng xăng dầu vi phạm là không đủ sức răn đe, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận: "Dù còn một cửa hàng vi phạm cũng là trách nhiệm của Bộ Công thương. Chúng tôi hứa sẽ tiếp tục nỗ lực xử lý, giải quyết triệt để vấn đề".
Trong sáng 12/10, Bộ Công thương đã họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thông tin về buổi làm việc, Thứ trưởng Hải cho biết "hiện giải quyết được một phần khó khăn". Ông cũng nhấn mạnh, rằng cần làm thông tư tưởng giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý bán lẻ, bởi chỉ cần một nhân tố bị ảnh hưởng là cả chuỗi cung ứng xăng dầu dính hệ lụy.