| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM gặp khó trong vận chuyển nông sản, hàng hóa tới các tỉnh, thành

Thứ Năm 10/06/2021 , 16:29 (GMT+7)

Doanh nghiệp TP.HCM, nhất là doanh nghiệp cung ứng các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Hội nghị 'Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19' do UBND TP.HCM tổ chức sáng 10/6. Ảnh: TTBC.

Hội nghị “Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 10/6. Ảnh: TTBC.

Tại Hội nghị “Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 10/6, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho rằng, trong những ngày đầu TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), việc vận chuyển hàng hóa tới các điểm cách ly, cũng như đi các tỉnh, thành gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn, UBND TP.HCM có giải pháp đề nghị các tỉnh, thành xem xét lại các giải pháp phòng dịch để nền chuỗi cung ứng hàng hóa, kinh tế không đứt gãy trong mùa dịch Covid-19.

Nhiều tỉnh "siết" xe vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM 

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho hay, theo báo cáo mới nhất ông nhận được sáng 10/6, thì hiện nay các xe vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM về Bạc Liêu yêu cầu người vận chuyển phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 có giá trị 72 giờ. Còn tại An Giang yêu cầu xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, chỉ có giá trị 24 giờ và không được đậu xe tại An Giang.

"Đây là một tình huống cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp. Kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa hàng hóa", ông Hiến nói.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn bởi tác động của Covid-19, nhưng các doanh nghiệp Hiệp hội Lương thực TP.HCM cũng đã tham gia đóng góp, đưa các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, nước uống, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến cho khu vực này bị giãn cách, phong tỏa. Đồng thời, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho không chỉ TP.HCM mà còn các tỉnh thành lân cân.

Là một trong những doanh nghiệp có hệ thống siêu thị trải dài khắp cả nước, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng tỏ ra khá lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể xâm nhập vào các hệ thống siêu thị này.

"Nguy cơ có các trường hợp F (tiếp xúc Covid-19) đi vào thăm quan mua sắm trong hệ thống siêu thị của Saigon Co.op trên cả nước là rất lớn. Cho tới thời điểm này, 16 cửa hàng tại TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động bởi bị phong tỏa do Covid-19, ảnh hưởng tới doanh thu, hoạt động doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động khác", ông Trần Lâm Hồng nói.

Ngày 2/6, tỉnh Đồng Nai thành lập 12 chốt kiểm dịch cấp tỉnh (đường bộ, đường thủy) và 12 chốt cấp huyện để áp dụng các biện pháp cách ly đối với người từ TP.HCM về Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Phú.

Ngày 2/6, tỉnh Đồng Nai thành lập 12 chốt kiểm dịch cấp tỉnh (đường bộ, đường thủy) và 12 chốt cấp huyện để áp dụng các biện pháp cách ly đối với người từ TP.HCM về Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Phú.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề xuất các sở, ngành tham mưu quy trình cho phép một số cửa hàng bị phong tỏa được phép thực hiện các quy định, sau khi đã được khử trùng bao nhiêu ngày thì có thể hoạt động trở lại được. Cũng như có quy định cụ thể nếu phải đóng cửa cửa hàng trong vòng bao lâu để thực hiện tất cả các quy trình về an toàn phòng chống dịch Covid-19 thì có thể đưa nhân sự mới vào thay thế, nhân sự cũ có thể đi cách ly.

Ngoài ra, ông Hồng cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là khâu vận chuyển hàng hóa. "Sở GT-VT TP.HCM và Sở Công thương cũng đã phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng việc cấp phép sử dụng xe trong các giờ cao điểm để vận chuyển hàng hóa kịp thời từ các tỉnh bạn về TP.HCM. Tuy nhiên, đối với việc vận chuyển hàng hóa từ các kho trung tâm tại khu vực phía Nam phân phối tới các kho hàng hóa của Saigon Co.op trên cả nước gặp nhiều khó khăn, do các quy định thiếu đồng bộ của nhiều địa phương", Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định.

Theo ông Hồng, hiện nay tất cả tài xế vận huyển hàng hóa của Saigon Co.op đều phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xét nghiệm này chỉ có giá trị trong vòng 72 giờ. Như vậy, đối với các tỉnh xa thì không thể vận chuyển hàng hóa kịp thời, ngoài ra còn đẩy chi phí lên cao, thiếu hụt nguồn tài xế và người theo xe phục vụ.

Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, các kho hàng của Saigon Co.op cung ứng hàng cho cả nước cũng có những nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập lớn. Mặc dù đơn vị đã xây dựng kịch bản, các phương án khi có 1 kho bị phong tỏa. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng không bị gián đoạn, ông Hồng kiến nghị cho phép các kho nếu bị phong tỏa của Saigon Co.op có một thời gian nhất định, để “giải phóng” hàng hóa, chuyển đến kho hàng khác. Đồng thời cho phép cán bộ, nhân viên tự cách ly tại chỗ của kho bị phong tỏa, thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động kho để cung ứng hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng.

Theo các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trong giai đoạn nay, việc giữ cho hàng hóa, đặc biệt là nông sản, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu lưu thông xuyên suốt là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa về các tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc cần có sự thống nhất đồng bộ của các tỉnh thành, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Khó tìm nguồn nguyên liệu 

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, trước những tác động của đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, kể cả nước ngoài làm cho ngành lương thực thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Đơn cử, như một số hóa chất, chất bảo quản nông sản, thực phẩm phải nhập từ nước ngoài, tuy nhiên đến nay nhiều doanh nghiệp không thể tìm ra nguồn cung. Từ đó, khiến giá cả tăng lên rất nhiều lần (có thể tăng từ 20-35 lần). Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lương thực thực phẩm tham gia vào việc bình ổn giá tại TP.HCM, do đó tăng giá trị đầu ra là cực kỳ khó khăn.

"Trong thời điểm dịch Covid-19, khi doanh nghiệp tăng giá thì lại bị cho là "vô đạo đức". Đó là thực tế mà chúng tôi nghe rất nhiều. Không đủ can đảm để tăng giá", Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM giãi bày.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, một trong những khó khăn nữa của ngành lương thực thực phẩm là phải bỏ chi phí nhiều hơn so với các ngành khác trong việc vệ sinh phòng dịch Covid-19. Do đó, để sản xuất an toàn trong dịch Covid-19, ngoài sự chuẩn bị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ thêm các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm an toàn vệ sinh phòng chống Covid-19.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, với tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GT-VT TP.HCM và các lực lượng tuần tra (chốt) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lương thực thực phẩm, nông sản, các mặt hàng thiết yếu được vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến các địa điểm bán hàng bình ổn thị trường, các khu cách ly tập trung, các khu dân cư bị cách ly.

"Trong những ngày đầu đi vào Gò Vấp rất khó khăn, sau đó các doanh nghiệp phải làm một giấy xác nhận công tác đi từ đâu đến đâu, khai báo y tế, xuất trình CMND thì mới đi được", ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM cơ bản đã được kiểm soát, các tỉnh, thành không nên “ngăn sông cấm chợ” với TP.HCM.

"TP.HCM xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm như tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, gIữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động như hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số", ông Phong nói.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.