| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ 6 là người nhập cảnh

Thứ Ba 04/01/2022 , 18:14 (GMT+7)

Kết quả giải trình tự gene 34 ca nhập cảnh, 37 ca cộng đồng phát hiện 6 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển nặng.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

6 ca Omicron không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển nặng

Tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 4/1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, TP.HCM ghi nhận 6 ca nhiễm biến thể Omicron, đều là người nhập cảnh. Trong đó, ca thứ 6 nhiễm biến thể Omicron được phát hiện hôm 3/1 là tiếp viên hàng không, người Đài Loan, đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nhập cảnh.

"TP.HCM đã ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế để ứng phó với biến thể Omicron tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải, cho tới khu cách ly, cộng đồng... Hiện nay, chúng ta đã thực hiện đúng theo kế hoạch đó. Đối với người nhập cảnh phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sẽ được cách ly tập trung tại Bệnh viện Dã chiến số 12 và giải trình tự gene", ông Tâm chia sẻ.

Ông Tâm cũng cho biết, ngành y tế tiếp tục theo dõi các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron này để nếu cần sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm, đối với 6 ca bệnh này gần như không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Lấy mẫu xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HCDC.

Lấy mẫu xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HCDC.

"Từ đầu tháng 12, Sở Y tế đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện. Ngoài 9 bệnh viện dã chiến đã giải thể, TP.HCM còn 13 bệnh viện khác với sức chứa hơn 20.000 giường cùng hơn 8.000 giường tại các cơ sở địa phương.

Hệ thống điều trị vẫn kịp thời đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Sở Y tế cũng phân công công tác điều trị, chuyển viện phù hợp với tình hình hiện nay", bà Mai nói.

Bà Mai cho biết thêm hiện TP.HCM còn nhiều ca mắc Covid-19 có diễn tiến nặng, cần can thiệp ECMO, các y, bác sĩ vẫn cố gắng từng ngày để giành giật mạng sống cho khoảng 300 bệnh nhân chuyển biến nặng. Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho biết, việc cấp phép thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế và cơ quan chức năng đang rà soát lại các thủ tục an toàn. Việc này đã được ngành y tế trình Chính phủ và chờ xem xét.

Riêng đối với gói thuốc C kháng virus, bà Mai cho biết, ngành y tế còn trên 7.000 liều đáp ứng đối tượng đủ điều kiện sử dụng. Thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế thêm 25.000 liều để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện gia tăng ca nhiễm trên địa bàn.

Học sinh đi học trở lại có khởi đầu thuận lợi

Đánh giá về tình hình học sinh đi học trở lại, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, trong ngày đầu (4/1) học sinh đi học trở lại có khởi đầu thuận lợi.

"Qua kiểm tra, đối với khối THPT tỷ lệ học sinh khối lớp 10 đến lớp đạt 85%, khối 11 đạt 92%, khối 12 đạt trên 98%. Khối THCS lớp 7-8 bắt đầu đi học sáng nay, tỷ lệ đạt trên 87%, khối 9 đạt 96,7%.

Cá biệt có quận 4, do cần có thêm thời gian tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, để phối hợp đưa con em đến trường những ngày tới. Nhìn chung, khối THCS có tỷ lệ học sinh đi học lại khá cao. Điều này cho thấy các chỉ đạo và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, học sinh đã trở lại trường đúng quy định, quá trình học tập đạt kết quả tốt”, ông Tân nói.

Trước lo lắng của phụ huynh về việc kiểm tra học kỳ, ông Tân cho hay, từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không dùng từ "thi học kỳ" mà thay vào đó là chỉ “kiểm tra” học kỳ. "Mục đích đánh giá lại quá trình học tập của học sinh, đồng thời giúp đỡ các em học tập tốt hơn", ông Tân nói.

Công tác chống dịch Covid-19 của TP.HCM có nhiều tín hiệu tích cực

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho hay, số ca tử vong do Covid-19 giảm liên tục trong tuần gần đây, từ 40 ca ngày 28/12/2021 còn 26 ca ngày 3/1. Đây cũng là số tử vong tại thành phố thấp nhất tính từ giữa tháng 11/2021.

Số ca mắc mới ngày càng giảm, từ trên dưới 7.000 ca một tuần vào đầu tháng 12/2021, đến cuối tháng giảm còn khoảng 4.000 ca. Số ca nhập viện thời gian qua cũng thấp hơn số xuất viện, ở mức 300-400/ngày.

"Điều đó cho thấy, công tác chống dịch của Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Với tín hiệu lạc quan đó, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, chúng ta tự tin rằng công tác chống dịch năm 2022 của Thành phố chắc chắn sẽ đạt được những kết quả ngày càng tốt hơn“, ông Phạm Đức Hải nói.

Tính đến 18 giờ ngày 3/1, TP.HCM ghi nhận 505.515 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 504.900 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 615 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 5.864 bệnh nhân, trong đó, có 113 trẻ em dưới 16 tuổi, 338 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO. 

Về tiêm chủng vacxin phòng Covid-19, đến nay, TP.HCM đã tiêm được tổng số mũi 1 là 8.020.992; mũi 2 là 7.071.978, mũi bổ sung 263.920, mũi nhắc lại 1.292.371.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm giám sát đối với biến thể Omicron, tính đến ngày 3/1, đã có 34 trường hợp nhập cảnh và 37 trường hợp cộng đồng nhiễm SARS-CoV-2 đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển giải trình tự gene.

Kết quả đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm Omicron ở các trường hợp nhập cảnh. Các biện pháp điều tra, truy vết các trường hợp liên quan 6 trường hợp này đã được thực hiện và chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới. Về giám sát tại cộng đồng, hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Khánh Hòa điều tiết nhiều hồ chứa để đón lũ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phát đi thông báo về việc điều tiết nước 3 hồ chứa và điều chỉnh lưu lượng điều tiết 2 hồ chứa.