Số ca nhập viện tại 4 bệnh viện tuyến cuối tăng
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%.
Số ca mắc tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM là 16.057 ca, tăng 117,3%. Số ca sốt xuất huyết nặng tích luỹ đến tuần 24 là 274 ca, như vậy tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,7%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca sốt xuất huyết tử vong là 9 ca (gồm 2 ca ở Bình Chánh, 3 ca Củ Chi, 1 ở Bình Tân, 1 ca quận 11, 1 ca huyện Hóc Môn và 1 ca TP Thủ Đức), tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 24/6 theo báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng, trong đó có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.
Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có 89 bệnh nhi, 21 trường hợp bệnh nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 90 bệnh nhi bị sốt xuất huyết Dengue, 8 ca nặng trong đó có 2 ca đang thở máy.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hiện đang điều trị cho 373 trường hợp sốt xuất huyết Dengue (264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các trường hợp đang điều trị nội trú của BV; có 45 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, trong đó 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ người này sang người khác, có thể từ nhẹ (chỉ sốt vài ngày rồi hết) đến rất nặng và có thể tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn tiến qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn sốt, thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn.. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.
- Giai đoạn nguy kịch (thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh tính từ khi bắt đầu sốt). Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột (đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh), tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít, xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết); một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Giai đoạn này người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu được điều trị kịp thời, tích cực và đúng phương pháp thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn hồi phục thường sau ngày 7 của bệnh.
Như vậy phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết Dengue có thể được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi hàng ngày tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Bệnh nhân giai đoạn sốt cấp tính cũng cần được xem xét nhập viện nếu thuộc một trong các tình huống sau: sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); người có các bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường...).
Trong quá trình điều trị ngoại trú bệnh nhân cần tái khám và làm xét nghiệm máu hàng ngày. Đặc biệt cần theo dõi nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải nhập viện điều trị nội trú. Bản thân người bệnh cũng cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì; không tiểu trên 6 giờ.
Không có lăng quăng – không có muỗi – không có sốt xuất huyết
Sở Y Tế TP.HCM khuyến cáo, các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue.
Sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế khuyến cáo, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học,… tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm, và gia tăng vào mùa mưa, bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn (Aedes aegypti & albopictus). Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.