| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo các hoạt động diễn ra an toàn

Thứ Ba 02/02/2021 , 20:04 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, chiều 2/2.

Cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM chiều 2/2. Ảnh: TTBC.

Cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM chiều 2/2. Ảnh: TTBC.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, người dân có ý thức tham gia hoạt động phòng chống Covid-19, trong đó nhiều trường hợp có ý thức khai báo y tế khi đi từ vùng dịch, hay có dấu hiệu lây bệnh. Từ đó, giúp TP.HCM truy vết, khoanh vùng, dâp dịch hiệu quả.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, diễn biến dịch bệnh tại một số tỉnh, thành trong cả nước đang phức tạp. Vì vậy, TP.HCM quán triệt tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; điều chỉnh các hoạt động lễ hội để phù hợp với tình hình của dịch bệnh.

“Đảm bảo an toàn cho người dân phải là trên hết. Vừa thực hiện đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết đầm ấm, tươi vui và mạnh khỏe.

Cảnh giác cao độ, nhưng không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo các hoạt động diễn ra theo kế hoạch đã được phê duyệt trong điều kiện bình thường mới”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cho rằng, phòng chống dịch hiệu quả nhất phải xuất phát từ ý thức mỗi cá nhân, tổ chức. Các cơ quan, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn Thành phố cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh nhưng không nên hoảng hốt, phòng chống dịch theo hướng “theo dõi sát, phát hiện sớm, điều tra, truy vết triệt để, khoanh vùng, dập dịch".

Bí thư Thành ủy cũng giao trách nhiệm cho UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận/huyện đảm bảo việc triển khai các tiêu chí an toàn của TP trên các lĩnh vực.

Cũng tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Thành phố đủ khả năng thực hiện 15.000 mẫu/ngày bằng phương pháp RT-PCR, đủ phục vụ cho công tác khoanh vùng dập dịch nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Trong đó, 11 đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện 10.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn còn có Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh viện tuyến trung ương như BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TP.HCM, BV Thống Nhất... có thể huy động thêm 5.000 mẫu/ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, các khu cách ly tập trung và các khách sạn có thu phí trên địa bàn TP.HCM đang sử dụng 50-60% công suất (28 khách sạn cách ly có thu phí, tổng công suất là 2.668 giường). Trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp, Thành phố hoàn toàn có thể tăng công suất, tiếp nhận thêm người cách ly.

Hiện mỗi quận/huyện chuẩn bị tối thiểu 100 giường cách ly, chưa kể đến các khu cách ly tập trung của Thành phố và quân đội. Ngoài ra, Thành phố cũng đã lên phương án có thể dùng Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu, doanh trại quân đội... làm khu cách ly nếu dịch bùng phát.

TP.HCM đang điều trị 15 ca mắc Covid-19 nhập cảnh và một ca lây nhiễm trong cộng đồng (bệnh nhân 1660). Hiện các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, sức khỏe 15 bệnh nhân nhập cảnh ổn định, không có triệu chứng; riêng bệnh nhân 1660 có triệu chứng ho, đau đầu, mất khứu giác.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả điều tra có 158 người tiếp xúc với bệnh nhân 1660. Trong đó,  6 người tiếp xúc gần có kết quả âm tính; 12/13 người tiếp xúc khác âm tính, 1 người chờ kết quả xét nghiệm; 139 hành khách và tổ bay trên chuyến bay VN213 có mặt tại TP.HCM (17 hành khách tiếp xúc gần trong 5 hàng ghế đã có kết quả âm tính; 3 người tổ bay có kết quả âm tính; 109 hành khách khác có kết quả âm tính, còn 10 hành khách chờ kết quả xét nghiệm).

Riêng đối với trường hợp bệnh nhân 1801 (Bình Dương), TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm 40 người (29 người có kết quả âm tính, 11 người đang chờ kết quả xét nghiệm) và 9 người thuộc tổ bay trên chuyến bay VJ275 ngày 18/1 (7 người âm tính và 2 người đang chờ kết quả) có địa chỉ tại TP.HCM tiếp xúc với bệnh nhân này.

TP.HCM cũng đã điều tra, xét nghiệm 47 người tiếp xúc với bệnh nhân 1843 (Bình Dương) là con gái của bệnh nhân 1801. Trong đó, 8 người có kết quả âm tính virus SARS-CoV-2, còn lại đang chờ kết quả.

Thành phố cơ bản đã lấy mẫu được tất cả những người về từ vùng dịch theo lịch sử khai báo dịch tễ. Đến nay, TP.HCM chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo, người dân hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện ở trong không gian kín. Tuân thủ nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.